Từ cuối tháng 3-2022, ở tỉnh Quảng Ngãi, dọc Quốc lộ 1 đoạn thuộc đường tránh Đông (TP Quảng Ngãi) ra huyện Bình Sơn xuất hiện những điểm bán dưa hấu bằng xe lưu động hoặc đổ từng đống trên bạt ni-lông.
Người bán đông hơn người mua
Để khách đỡ phải trả giá, tại các điểm bán dưa, người bán đặt những tấm bảng ghi luôn giá: Dưa trái nhỏ 3.000 đồng/kg, lớn hơn một chút thì 4.000 đồng, loại 3 kg trở lên thì 5.000 đồng.
Thấy tôi dừng xe tại điểm bán dưa sát Quốc lộ 1, gần khu vực Nhà máy Sản xuất gạch Phong Niên, chủ xe dưa là anh Trần Quốc Bảo (ngụ xã Nghĩa Thương, huyện Tư Nghĩa) đon đả: "Mua đi anh. Dưa rẻ quá mà. Trời nắng mua dưa về ăn cho mát mà cũng để giúp tôi tiêu thụ ít nhiều".
Thấy tôi nhìn lên tấm bảng giá có dấu sửa từ 5.000 đồng/kg xuống 4.000 đồng/kg, anh Bảo giải thích: "Dưa này tôi mua ở xã Phổ Phong, thị xã Đức Phổ, chở ra đây bán nhưng bán ế quá, đành hạ giá bán thấp hơn".
Dù đầu ra khó khăn nhưng người dân Quảng Ngãi vẫn trồng dưa hấu và nuôi hy vọng
Từ khu vực Nhà máy Sản xuất gạch Phong Niên ra đến KCN Tịnh Phong, số điểm bán dưa lẻ nhiều hơn. Anh Nguyễn Hùng, ở xã Tịnh Hiệp, mặt mày đen nhẻm, đứng trước đống dưa cao ngất, hết ngóng vào KCN lại ngóng người đi đường.
Anh Hùng nói như than: "Tôi trồng dưa bán luôn trên ruộng cho tư thương nên giá quá thấp, chỉ 1.600 - 2.000 đồng/kg. Xót quá, hai vợ chồng quyết định chọn dưa loại 1 rồi thuê xe chở xuống đây bán lẻ, may ra vớt vát được ít nhiều".
Lạ là khi xuất khẩu thuận lợi, dưa hút hàng ra phía Bắc thì giá cao vẫn có nhiều người mua. Khi xuất khẩu gặp khó, dưa chất đống, bán rẻ như cho mà người bán lại đông hơn người mua.
Thương bà con nông dân, những năm trước đây, huyện Bình Sơn và Tỉnh Đoàn Quảng Ngãi cử thanh niên đứng ra thu mua giải cứu dưa. Nhưng quá nhiều vụ giải cứu rồi nên thương thì thương nhưng chẳng ai còn hào hứng tổ chức nữa. Người trồng dưa đành tự trồng tự chịu và cách dễ dàng nhất là bán tháo bán đổ mà thôi.
Với anh Hùng, giờ chỉ hy vọng khi tan tầm, công nhân trong KCN trên đường về nhà mua mớ cá, mớ rau để làm bữa cơm tối cho gia đình sẽ tiện thể mua vài trái dưa hấu.
Thêm khổ vì mưa trái mùa
Dưa hấu đang lúc rớt giá thê thảm thì đầu tháng 4-2022 mưa và gió lớn trái mùa xuất hiện ở Quảng Ngãi.
Dọc triền sông Trà Khúc, Trà Bồng, sông Vệ, nhiều vùng dân đang khốn khổ vì dưa. Đứng ở bờ sông Trà Khúc, đoạn xã Tịnh Hà, khi mây kéo về vần vũ trên bầu trời sẽ thấy những chiếc xe công nông chất đầy dưa hấu phóng vội lên tuyến đường nối TP Quảng Ngãi với huyện Sơn Hà. Xe dừng ở một chỗ đất trống nào đó để đổ dưa xuống rồi phủ tấm bạt lên.
Theo con đường bê-tông, tôi đội mưa ra mé sông Trà Khúc. Trên những bãi trồng dưa hấu, nhiều nông dân mặt đen nhẻm sau những ngày bám trụ chăm ruộng, giờ cắt vội vàng những trái dưa mới chín đưa lên bờ vì sợ mưa kéo dài, nước sông về dâng cao sẽ trôi hết.
Mục kích cảnh này, càng thấm thía nỗi vất vả của người trồng dưa. Trái dưa hấu chín mọng, bổ ra từng miếng, chấm với muối ớt ăn hay xay thành nước uống giữa trưa hè, thật ngọt ngào! Nhưng để trồng được trái dưa trên triền đất cát là biết bao mồ hôi, biết mấy nhọc nhằn!
Người dân xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi chuyển dưa hấu lên bờ vì sợ lũ về cuốn trôi
Anh Huỳnh Tây (ngụ xóm Soi, thôn Nam Thuận, xã Bình Chương, huyện Bình Sơn), sau nhiều năm trồng dưa kết hợp với thu nhập của vợ từ buôn bán chuối ở chợ Châu Ổ, đã xây được ngôi nhà mới cách đây vài năm, trị giá 800 triệu đồng. Khi xây nhà, vợ chồng anh vay em gái vài trăm triệu đồng. Nay em gái cũng tính xây nhà nên vợ chồng anh cố bám trụ ở bãi bồi ven sông Trà Khúc trồng dưa hấu với hy vọng sẽ có tiền trả nợ.
Khi Quảng Ngãi thu hoạch đợt dưa đầu tiên của năm nay, việc xuất khẩu gặp khó, anh Tây đã bắt đầu lo lắng. Rồi đài báo thông tin có gió mùa Đông Bắc, Quảng Ngãi chuyển mưa. Nằm trong chiếc lều bạt bên sông, nghe gió thổi ào ào, hằng đêm anh chỉ còn biết thức trắng.
Rồi trời mưa, dưa chưa đến kỳ chín rộ, dù cố gắng hái cũng không thể bán được cho ai nên anh đành bất lực. Anh đứng nhìn đám dưa hồi lâu rồi tháo mô-tơ bơm nước đưa lên bờ, để mình tôi đứng đó với câu chuyện đau đáu của anh. Còn chiếc lều với những tấm bạt anh cũng chẳng buồn tháo dỡ.
Sau đợt mưa to, gió lớn thì trời nắng to, giá dưa tiêu thụ nội địa nhích dần lên. Nhưng bãi dưa sau trận mưa lớn nhiều trái nứt toác nên nông dân cắt bán chỉ vớt vát được phần nào tiền đầu tư. Riêng anh Tây thì khoản nợ của em gái sau vụ dưa thất bát vẫn không thể trả nổi.
Tôi về xã Tịnh Hiệp, huyện Sơn Tịnh trong mùa dưa buồn. Đi ngang đồng Năng, thôn Mỹ Danh, xã Tịnh Hiệp đã thấy những khuôn mặt buồn rười rượi của người trồng dưa. Chị Nguyễn Thị Hương, ở thôn Mỹ Danh, thở dài: "Năm nay, giá phân bón tăng cao mà dưa không xuất khẩu được, đem tiêu thụ nội địa thì giá thấp quá nên cầm chắc thêm một vụ thua lỗ nữa".
Còn trên cánh đồng thôn Đức Sơn, vợ chồng anh Lý Văn Thanh vào mùa thu hoạch dưa mà chẳng thể nào cười. Anh tính toán: "Với giá phân lên cao như năm nay, trồng dưa phải thật tốt, đa phần trái đạt 3 kg trở lên và giá thu mua 5.000 đồng/kg thì mới có lãi. Còn như thế này thì đành chịu".
Hỏi sao trồng dưa không xuất khẩu được dẫn đến thua lỗ đã nhiều năm mà vẫn trồng, anh Thanh mếu máo: "Ở đất này, trồng cây gì bằng dưa? Khi xuất khẩu thuận lợi, giá dưa 7.000 - 9.000 đồng/kg thì bà con có thu nhập khá hơn rất nhiều so với các loại cây trồng khác. Vì thế, 3 năm qua, xuất khẩu dưa sang Trung Quốc gặp khó nhưng đến vụ bà con vẫn trồng và hy vọng đến khi thu hoạch thì việc xuất khẩu sẽ thông thương. Sự thể không như mong muốn nên tiếp tục thua lỗ".
Ngồi bệt trên bờ ruộng dưa, vợ anh Thanh thở dài: "Chú tính coi, dưa hấu không xuất khẩu được, rớt giá đã đành. Còn cây mì thì bị bệnh khảm lá. Cây lúa trồng đến khi sắp thu hoạch thì mưa và gió lớn làm ngã đổ. Ngước mắt nhìn lên đồi thì cây keo năm 2020 bị bão lớn, mới trồng lại nên chưa có nguồn thu. Trong khi đó, giá phân bón tăng cao nên nông dân giờ khó sản xuất quá. Những năm chưa xảy ra dịch Covid-19, một số gia đình có con em đi làm ăn ở các tỉnh phía Nam gửi tiền về phụ giúp ít nhiều. Dịch Covid-19 kéo dài, con cái không làm ăn được, chạy về quê. Giờ mới kéo nhau vào Nam trở lại, cuộc sống chưa ổn định, lấy tiền đâu mà gửi về".
Hướng đến xuất khẩu chính ngạch
Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Ngãi, ông Nguyễn Thế Vĩnh, cho hay vụ đông xuân 2021-2022, toàn tỉnh trồng 740 ha dưa hấu, tương đương với năm 2021.
Theo ông Vĩnh, năng suất dưa vụ này ước khoảng 275 tấn/ha, thấp hơn năm trước 25 tấn/ha và lượng dưa loại 1 có trọng lượng 3 kg trở lên không nhiều.
"Với diện tích đã trồng, Quảng Ngãi có sản lượng dưa vụ này khoảng 203.500 tấn. Xuất khẩu gặp trở ngại, nông dân sao tránh khỏi khó khăn. Dưa xuất khẩu gặp khó đã mấy năm rồi nên ngành nông nghiệp động viên bà con trồng dưa rải vụ để khi gặp khó thì tiêu thụ nội địa. Khuyến cáo là vậy nhưng đến vụ ai nỡ để đất trống nên bà con cứ trồng. Đến khi tiêu thụ gặp khó thì chuyện đã rồi" - ông Vĩnh nói.
Ông Nguyễn Quang Trung, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi, cho hay: "Vấn đề hiện nay là xuất khẩu dưa theo đường tiểu ngạch gặp khó nên Quảng Ngãi hướng đến xuất khẩu theo đường chính ngạch. Muốn làm được như vậy thì vùng trồng dưa phải được Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp mã số vùng trồng, để khi cần thì nước ngoài có thể truy xuất nguồn gốc".
Trước đây, Quảng Ngãi cũng đã được Cục Trồng trọt cấp mã số cho 37 vùng trồng dưa với mỗi vùng 10 ha trở lên. Nhưng cái khó là diện tích trồng dưa của các hộ dân không lớn, khi bán thì qua tư thương nên nông dân ở vùng được cấp mã số chẳng được lợi gì. Do vậy, muốn xuất được dưa theo đường chính ngạch, chỉ còn cách vận động doanh nghiệp đứng ra kết nối với nông dân để thu mua dưa với mức giá hấp dẫn hơn so với xuất khẩu tiểu ngạch, trên cơ sở nông dân phải thực hiện nghiêm việc cấp mã số vùng trồng.
Câu chuyện hướng đến việc xuất khẩu dưa theo đường chính ngạch còn dở dang thì trên vùng trồng dưa, nông dân do thuê đất trồng theo năm nên hết vụ đông xuân lại phải làm đất ngay để trồng vụ hè thu và tiếp tục nuôi hy vọng xuất khẩu sớm thông thương.
Bình luận (0)