Ngày 13-9, UBND TP HCM tổ chức chương trình lãnh đạo thành phố gặp gỡ, đối thoại với cán bộ, hội viên Hội Nông dân TP HCM năm 2023.
Sự kiện có sự tham dự của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi; Phó Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Hồ Hải; Chủ tịch Hội Nông dân TP HCM Nguyễn Thanh Xuân cùng 100 đại biểu là đại diện hợp tác xã, tổ hợp tác nông nghiệp, lãnh đạo doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và cán bộ, hội viên Hội Nông dân thành phố.
Hiến giải pháp, gỡ khó khăn
Phát biểu mở đầu buổi đối thoại, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết tình hình kinh tế của thành phố 6 tháng đầu năm 2023 gặp không ít khó khăn, trong đó ngành nông nghiệp chịu nhiều ảnh hưởng.
Ông Phan Văn Mãi mong muốn các cấp hội và hội viên thẳng thắn trao đổi, nhìn lại những mặt làm được và chưa được, nêu ý kiến, đề xuất giải pháp để giúp Thành ủy, UBND thành phố tháo gỡ những vướng mắc của hội viên Hội Nông dân liên quan đến chuyển mục đích sử dụng đất; xây dựng công trình phụ trợ phục vụ sản xuất nông nghiệp; quy hoạch và phát triển vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; tiêu thụ sản phẩm cho nông sản chủ lực...
Từ đó, có những định hướng chỉ đạo phát triển đúng đắn, phù hợp, góp phần hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn thành phố hiệu quả, đạt được mục tiêu mà Thành ủy, UBND thành phố đã đề ra. "Người nông dân của thành phố phải thực sự có mức sống, có đời sống vật chất, tinh thần cao hơn mức bình quân của cả nước" - Chủ tịch UBND TP HCM nói.
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại buổi gặp gỡ, đối thoại
Sau gần 4 giờ, chương trình ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết của các đại biểu về những khó khăn trong lĩnh vực nông nghiệp, của nông dân cũng như những kiến nghị, hiến kế thúc đẩy ngành phát triển.
Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Nguyễn Thanh Xuân cho biết từ năm 2021, nhiều chương trình, đề án, kế hoạch, chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp, nông dân hết thời hạn thi hành như chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2017 - 2020. Tuy nhiên đến nay, thành phố chưa ban hành chính sách thay thế nên nông dân, các hợp tác xã lúng túng trong đầu tư phát triển sản xuất.
Bà Xuân cho rằng TP HCM cần nghiên cứu và đề xuất trung ương bổ sung quy định, tạo hành lang pháp lý giúp nông dân có thể chuyển đổi mục đích sử dụng đất để mở rộng quy mô sản xuất; bổ sung quy định cho phép xây dựng các công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp trên đất nông nghiệp... Bên cạnh đó, ban hành các chủ trương, chính sách nhằm đẩy mạnh xúc tiến thương mại cho sản phẩm nông nghiệp; xây dựng các điểm trưng bày, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái trên địa bàn.
Theo bà Xuân, thành phố cũng cần sớm ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp như chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị; chính sách hỗ trợ cơ sở vật chất ban đầu cho các hợp tác xã nông nghiệp - dịch vụ thành lập mới... Đồng thời, triển khai Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, trong đó quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp, khu vực sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn để nông dân an tâm đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.
Vận dụng cơ chế đặc thù
Ghi nhận ý kiến đại biểu, Phó Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Hồ Hải đề nghị UBND thành phố, các sở, ban, ngành khẩn trương thực hiện những vấn đề đã trao đổi, thống nhất trong buổi đối thoại để giải quyết kịp thời, hiệu quả những kiến nghị chính đáng của cán bộ, hội viên, nông dân.
Ông cũng đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành nghiên cứu, vận dụng Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội để thí điểm xây dựng công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp trên đất nông nghiệp. Theo ông, đất nông nghiệp ở TP HCM không lớn, cần suy nghĩ là mỗi mét vuông đất nông nghiệp của địa phương sẽ sinh ra bao nhiêu tiền.
Chia sẻ với những vất vả của người nông dân "một nắng hai sương", chịu nhiều thua thiệt, Phó Bí thư Thành ủy chỉ ra thực trạng người nông dân sản xuất được sản phẩm nhưng không tiếp cận được thị trường. Qua một vài chặng trong khâu phân phối, người tiêu dùng phải trả giá cao cho sản phẩm nhưng hưởng lợi lại là phía trung gian.
"Cần làm thế nào đó để người nông dân thành phố có thể làm giàu trên mảnh đất của mình. Người nông dân không phải phân đất nông nghiệp bán mà họ có thể sản xuất nông nghiệp thật sự, sống và làm giàu trên mảnh đất của mình" - ông Nguyễn Hồ Hải nói thêm.
Hướng tới nông nghiệp công nghệ cao
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho rằng phải nhìn thẳng vào hiện trạng nông thôn của thành phố. Đó là đời sống người nông dân còn nhiều khó khăn. Ông cho biết thành phố sẽ tổ chức lại dân cư gắn với quy hoạch chung, đầu tư hạ tầng dân cư và phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, tiến tới nông nghiệp công nghệ cao... để nâng cao đời sống người dân vùng nông thôn. Bên cạnh đó, sẽ có những công trình hỗ trợ cho hoạt động nông nghiệp và hoạt động nông nghiệp tích hợp với các hoạt động khác như du lịch nông nghiệp... nhằm gia tăng giá trị trên đất nông nghiệp.
Xây dựng đội ngũ nông dân thích ứng tốt
Hội Nông dân TP HCM cho biết giai đoạn 2018-2023, các cấp hội đã vận động 17.407 hội viên nông dân thành lập 95 hợp tác xã và 601 tổ hợp tác.
Từ các chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị của thành phố, nông dân thành phố đã có những bước tiếp cận, tổ chức thực hiện hiệu quả phong trào "Nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững". Phong trào này gắn với xây dựng, phát triển người nông dân TP HCM thời kỳ mới với những phẩm chất tốt đẹp "Yêu nước - Gương mẫu", "Năng động - Sáng tạo", "Đoàn kết - Nghĩa tình"... đã từng bước hình thành một đội ngũ nông dân thành phố dám nghĩ, dám làm, thích ứng hiệu quả với sự phát triển của nông nghiệp đô thị, nông nghiệp hiện đại.
Bình luận (0)