Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đã đăng tải dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) để lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị. Theo đó, dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) gồm 17 chương, 221 điều, giảm 21 điều so với Bộ Luật Lao động hiện hành; sửa đổi, bổ sung khoảng 171 điều trong tất cả các chương. Một số nội dung lấy ý kiến được dư luận quan tâm là thời gian nghỉ Tết âm lịch.
Hiện, quy định nghỉ Tết trong Bộ Luật Lao động 2012 thực hiện từ 1-5-2013 và đã được đa số nhân dân ủng hộ. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng kỳ nghỉ Tết âm lịch của Việt Nam dài so với một số quốc gia trong khu vực, có thể làm ảnh hưởng gián đoạn kế hoạch sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp gia công sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu, hiệu quả thực hiện công việc không cao khi trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết dài.
Thực hiện nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 1-2019 của Chính phủ giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu, đề xuất cách thức nghỉ Tết Nguyên đán mới, bảo đảm vui tươi, đầm ấm, thiết thực và hiệu quả, ban soạn thảo đưa ra 2 phương án về thời gian nghỉ Tết âm lịch dự thảo Bộ Luật Lao động để lấy ý kiến như sau:
Phương án 1 (giữ nguyên hiện hành): Người lao động được nghỉ 5 ngày Tết âm lịch; nếu ngày nghỉ Tết âm lịch trùng với ngày nghỉ hằng tuần thì được nghỉ bù vào ngày kế tiếp.
Phương án 2: Người lao động được nghỉ 5 ngày Tết âm lịch; nếu ngày nghỉ Tết âm lịch trùng với ngày nghỉ hằng tuần thì không được nghỉ bù.
Quá trình thảo luận và tham vấn ý kiến chuyên gia, đa số ý kiến thể hiện sự đồng thuận với phương án 1.
Hiện, cả nước có 10 ngày nghỉ lễ: 1 ngày Tết dương lịch vào ngày 1-1 dương lịch, 1 ngày Giỗ Tổ Hùng Vương vào ngày 10-3 âm lịch, 1 ngày chiến thắng vào ngày 30-4, 1 ngày Quốc tế Lao động vào ngày 1-5, 1 ngày vào ngày Quốc khánh 2-9, và 5 ngày Tết Nguyên đán.
Bình luận (0)