Ngay sau khi Bộ Công an đưa ra đề xuất người dân được ghi hình CSGT, dư luận quan tâm và tranh luận nhiều về đề xuất này.
"Khoảng cách nhất định" là bao nhiêu?
Đề xuất trên được Bộ Công an đưa ra trong dự thảo lần 3 thông tư quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT), thay thế Thông tư 54 ban hành từ năm 2009. Nếu được thông qua, thông tư mới sẽ có hiệu lực từ cuối năm 2019.
Theo dự thảo, người dân được thực hiện quyền giám sát hoạt động của công an nhân dân (CAND), trong đó có lực lượng CSGT về nội dung tuân thủ các quy định của pháp luật trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; giám sát việc chấp hành điều lệnh, thái độ, tác phong của cán bộ, chiến sĩ công an khi làm nhiệm vụ. Với quyền giám sát này, người dân được phép dùng thiết bị ghi âm, ghi hình.
Lực lượng CSGT Hà Nội làm thủ tục kiểm tra hành chính người tham gia giao thông Ảnh: NGUYỄN HƯỞNG
Nêu quan điểm về việc đưa ra đề xuất này mà trong dự thảo lần 2 Bộ Công an cân nhắc không đưa vào, Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng, Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an), khẳng định việc bổ sung ghi âm, ghi hình là nhằm cụ thể hóa hơn quyền giám sát của người dân. Tuy nhiên, Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng nêu rõ quan điểm: "Người dân có quyền ghi âm, ghi hình theo quy định của pháp luật nhưng trong quá trình giám sát tránh gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của lực lượng CSGT. Trong những khu vực có lực lượng CSGT làm nhiệm vụ, người dân muốn giám sát CSGT bằng cách ghi âm, ghi hình sẽ phải giữ những khoảng cách nhất định để không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của lực lượng. Trong trường hợp CSGT phối hợp với lực lượng khác truy bắt tội phạm, người dân cũng cần biết để không cản trở đến hoạt động phòng chống tội phạm của công an và bảo đảm an toàn cho mình cũng như cho lực lượng thực thi công vụ".
Về đề xuất này, một cán bộ Phòng CSGT Hà Nội cho rằng cần phải quy định cụ thể về "khoảng cách nhất định" là bao nhiêu để tránh bị lợi dụng, ngăn chặn hành vi cố tình quay phim, chụp ảnh CSGT để thực hiện ý đồ xấu.
Còn theo đại biểu Quốc hội Bùi Văn Xuyền (tỉnh Thái Bình), việc giám sát các cơ quan chức năng thực thi nhiệm vụ là một yêu cầu đặt ra trong tình hình hiện nay để chống các hành vi vi phạm trong quá trình thực thi công vụ. Nhưng để bảo đảm cho hoạt động thực thi công vụ của các cơ quan chức năng, kể cả CSGT hiệu quả, tránh bị lợi dụng thì việc ghi âm, ghi hình phải có hướng dẫn thật cụ thể để người dân thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
"Cần có hướng dẫn cụ thể về khoảng cách để người dân được thực hiện quyền giám sát của mình mà không ảnh hưởng tới hoạt động của CSGT " - ông Xuyền góp ý.
Chế tài mạnh để ngăn ngừa hành vi, ý đồ xấu
Đội trưởng một đội CSGT thuộc Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an TP HCM cho biết việc người dân tự ý quay phim, ghi hình CSGT lúc đang làm nhiệm vụ trên địa bàn TP là khá phổ biến. Tuy nhiên, không ít trường hợp là những người vi phạm, khi bị xử phạt thì phản ứng và không hợp tác, sử dụng thiết bị, điện thoại để ghi hình, quay phim, thậm chí chửi bới, xô xát, hành hung CSGT. Nhiều người sau đó còn đưa lên mạng xã hội những thông tin sai lệch, gây ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh trật tự xã hội và hình ảnh của lực lượng công an, CSGT.
"Có nhiều người vi phạm lúc bị yêu cầu dừng xe thì lập tức gí điện thoại vào sát mặt CSGT để quay phim và thách thức. Những lời nói và hành động như vậy hết sức phản cảm và thiếu tôn trọng lực lượng làm nhiệm vụ. Do đó, cần cân nhắc khi đưa nội dung này vào thông tư. Trên cơ sở đó, có quy định chặt chẽ, cụ thể để bảo đảm quyền giám sát của người dân nhưng đồng thời không gây trở ngại đến nhiệm vụ của lực lượng chức năng" - đội trưởng đội CSGT này đề nghị.
Một cán bộ CSGT thuộc quận Thủ Đức, TP HCM cũng bày tỏ băn khoăn việc quay phim, chụp hình khó tránh khỏi ảnh hưởng đến hoạt động nghiệp vụ của lực lượng chức năng, như trong những trường hợp CSGT phối hợp các lực lượng khác thực hiện chuyên án hoặc theo dõi, xử lý các đối tượng khả nghi. Vì vậy, nếu cho phép người dân quay phim, chụp ảnh thì cũng nên có quy định chế tài cụ thể để ngăn chặn hành vi cố ý, lạm dụng để bôi xấu, tuyên truyền sai sự thật, ảnh hưởng đến cơ quan, tổ chức, người thi hành công vụ.
Đại diện lãnh đạo Phòng CSGT - Công an TP Đà Nẵng cũng nêu quan điểm: "Việc người dân ghi hình, ghi âm lực lượng CSGT lâu nay vẫn được thực hiện bởi việc này không thuộc điều cấm nào và việc đưa quy định này vào dự thảo thông tư là hoàn toàn phù hợp, phát huy được quyền giám sát của nhân dân. Tuy nhiên, cần có chế tài, quy định xử lý vi phạm cụ thể đối với những hành vi cản trở lực lượng CSGT làm nhiệm vụ, hoặc lợi dụng để thông tin sai sự thật. Không thể để xảy ra tình trạng người dân lợi dụng quyền trên làm ảnh hưởng đến hoạt động của lực lượng chức năng".
CSGT sẽ không phải đeo "thẻ xanh" khi làm nhiệm vụ
Bộ Công an đang lấy ý kiến dự thảo (lần 2) thông tư quy định quyền hạn, chức năng, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của CSGT, thay thế cho Thông tư 01/2016. Theo đó, dự thảo lần này không còn quy định bắt buộc cán bộ, chiến sĩ khi làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát phải đeo bảng hiệu (thẻ màu xanh có hình và số hiệu, cấp bậc). Thay vào đó, CSGT chỉ đeo số hiệu CAND theo quy định của Bộ Công an.
Quy định CSGT phải đeo "thẻ xanh" được thực hiện từ năm 2013 đến nay.
Bình luận (0)