Ngày 14-6, ông Lê Văn Tùng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tỉnh Bình Định, xác nhận Cục Hàng hải Việt Nam vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Bình Định đề xuất chủ trương xin nạo vét, đổ thải ở luồng hàng hải cảng Quy Nhơn.
Luồng hàng hải ra vào cảng Quy Nhơn
Theo đó, khối lượng nạo vét ở luồng cảng Quy Nhơn dự kiến khoảng 300.000 m3. Đơn vị này cũng đưa ra 3 phương án đổ thải, trong đó có phương án nhận chìm vật chất nạo vét ra khu vực biển Quy Nhơn.
Ngoài ra, Cục Hàng hải Việt Nam cũng đã có văn bản gửi Sở TN-MT tỉnh Bình Định về vấn đề nạo vét, đổ thải ở luồng lạch vào cảng Quy Nhơn. Qua đó, Sở TN-MT đã mời đại diện Cục Hàng hải Việt Nam và các đơn vị liên quan, cùng họp và có đề xuất lên UBND tỉnh Bình Định.
Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Bình Định đã có chủ trương đồng ý cho thực hiện nạo vét, đồng thời yêu cầu các đơn vị phải lập phương án nạo vét và tính toán khối lượng đề xuất vị trí đổ thải đảm bảo đúng quy định, báo cáo lại UBND tỉnh. Quá trình thực hiện phải đảm bảo theo đúng quy định.
"Theo đề xuất của Cục Hàng hải Việt Nam, khối lượng bùn thải khoảng 300.000 m3. Tuy nhiên, đây mới chỉ là đề xuất, còn khối lượng cụ thể thì cần phải dựa theo những tính toán cụ thể đánh giá thể hiện theo phương án. Cục Hàng hải Việt Nam mới chỉ có đề xuất chủ trương, chưa có gì hết. Hiện chúng tôi cũng đã đề xuất ưu tiên cho phương án tận dụng nguồn vật chất này. Tuy nhiên, phải chờ Cục Hàng hải Việt Nam đề xuất cụ thể thì mới quyết định được…", ông Tùng cho hay.
Theo ông Tùng, hiện luồng ra vào cảng biển Quy Nhơn bị bồi lắng nên vừa qua, Cục Hàng hải Việt Nam có kế hoạch nạo vét. Theo quy định, chất bùn thải sau khi nạo vét muốn đổ ở đâu phải được cấp giấy phép nhấn chìm ở đó.
Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà trong chuyến khảo sát trên vùng biển Quy Nhơn
Trước đó, trong chuyến khảo sát trên vùng biển Quy Nhơn, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho rằng việc nạo vét luồng hàng hải Quy Nhơn là rất cần thiết để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, việc nhận chìm bùn cát nạo vét xuống biển phải hết sức thận trọng, cần tính toán tất cả các mục tiêu để đảm bảo lợi ích môi trường và nhiều lĩnh vực khác. Trong quá trình nạo vét, nhận chìm phải nghiên cứu thật kỹ tác động, có quy hoạch và điều tra khảo sát khu vực nhận chìm.
Ngoài ra, cũng cần phân biệt quá trình nhận chìm không phải là chất thải mà là dạng phù sa, bùn cát, một trầm tích vật chất của biển. Thực tế, nhiều quốc gia trên thế giới còn nhận chìm cả chất thải nguy hại nhưng nó được kết hợp với các chất để cứng hóa, bê tông hóa hoặc cô lập hóa, hoàn toàn không gây hại đến môi trường.
"Nếu là khu vực bảo tồn, nuôi trồng thủy sản thì không thể nhận chìm được, phải cấm. Vì vậy, địa phương, đơn vị chức năng sẽ tiến hành khảo sát, điều tra, đánh giá tác động môi trường nghiêm ngặt. Trong quá trình nhận chìm phải luôn luôn giám sát chặt chẽ, đảm bảo các quy định, quy trình hiện hành", ông Hà nói.
Bình luận (0)