Giải thích cho việc đề xuất, Bộ Công Thương cho biết là vì các dự án điện gió đều khó khăn trong vấn đề thu hồi vốn. Vả lại, mức giá này cũng xếp trong nhóm giá năng lượng tái tạo thấp nhất thế giới.
Gần như là minh họa cho đề xuất của Bộ Công Thương, một chủ đầu tư dự án điện gió cho biết với giá điện gió đang áp dụng là thấp nên việc thu hồi vốn lâu, dự án của họ đang đạt doanh thu đạt 100 tỉ đồng/năm nhưng phải trả nợ vốn vay và lãi mất 80 tỉ đồng/năm, chưa kể chi cho vận hành, bảo dưỡng và trả lương...
Việc Bộ Công Thương gỡ khó cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực ngành phụ trách là đáng khen. Nhưng việc nên tăng giá mua điện gió vào lúc này hay chưa thì rất cần cân nhắc.
Trước hết, cần thấy mức giá 7,8 cent hiện nay là áp dụng theo Quyết định 37/2011/QĐ-TTg ngày 29-6-2011 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió, ban hành căn cứ trên chính đề xuất của Bộ Công Thương. Tại thời điểm đó, nhiều dự án điện gió đã được cấp phép và chưa đầy 1 năm sau thì dự án điện gió đầu tiên của cả nước đã chính thức đi vào hoạt động tại tỉnh Bình Thuận (tháng 4-2012). Nói như thế để thấy khi đề xuất mức giá để ban hành Quyết định 37/2011/QĐ-TTg hẳn Bộ Công Thương và các nhà đầu tư đều biết rất rõ mức giá là bao nhiêu để các nhà đầu tư có thể yên tâm bỏ đồng vốn vào sản xuất điện gió.
Một dự án điện gió tại tỉnh Bình Thuận hiện đã có sản phẩm hòa vào lưới điện
Năng lượng gió, mặt trời, sinh khối đang là xu hướng tất yếu của cả thế giới. Việt Nam chúng ta thì đã khai thác gần hết tài nguyên thủy điện, nguồn than đá sản xuất nhiệt điện cũng đã phải nhập khẩu từ nước ngoài, nhiệt điện chạy dầu đang bộc lộ hạn chế về ô nhiễm môi trường và giá thành không ổn định. Trong bối cảnh đó, việc tạo các vận hội cho đầu tư vào điện gió là rất cần thiết. Dù vậy, trong bối cảnh với mức giá đang áp dụng nhưng cả nước vẫn đang có 48 doanh nghiệp đăng ký làm điện gió với quy mô xấp xỉ 5.000 MW, vượt xa mục tiêu đề ra trong tổng sơ đồ điện VII điều chỉnh là 800 MW vào năm 2020 thì rất cần cân nhắc về sự cần thiết phải tăng mức giá mua điện gió vào lúc này. Ngay cả trong số các nhà đầu tư đã thu được tiền từ bán điện gió vẫn có doanh nghiệp đăng ký tiếp tục đầu tư. Nếu giá bán đang thấp quá thì chắc chẳng ai dại gì đăng ký đầu tư tiếp.
Đấy là chưa nói đến chỉ mới có 2-3 dự án điện gió đi vào khai thác mà việc kết nối lưới điện đã rất khó khăn do đường dây không đáp ứng được. Rồi nếu mức giá mua mà Bộ Công Thương đề xuất được chuẩn y thì sẽ làm tăng chi phí sản xuất điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là 0,08 đồng/KWh trong năm 2017 và 0,23 đồng/KWh năm 2019.
Tăng chi phí sản xuất điện của EVN thì ai sẽ gánh nếu không là khách hàng?
Bình luận (0)