Ngày 25-10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).
Trước khi các đại biểu thảo luận, ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật này.
Đối với nội dung về thanh tra viên (quy định tại chương III của dự thảo luật), ông Hoàng Thanh Tùng cho biết có ý kiến đề nghị bổ sung quy định cụ thể ngạch, điều kiện, tiêu chuẩn bổ nhiệm thanh tra viên và thống nhất quy trình bổ nhiệm; bổ sung quy định về thủ tục tuyên thệ của thanh tra viên.
Đại biểu Phạm Văn Hòa góp ý về dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi)
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với ý kiến đại biểu cần có quy định cụ thể ngạch, điều kiện, tiêu chuẩn bổ nhiệm thanh tra viên, thống nhất quy trình bổ nhiệm, theo đó trong dự thảo luật đã chỉnh lý, bổ sung các quy định liên quan.
Đối với đề nghị bổ sung quy định về thủ tục tuyên thệ của thanh tra viên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy theo quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội chỉ có 4 chức danh phải tuyên thệ sau khi được bầu, gồm Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao. Do đó, đề nghị không quy định về thủ tục tuyên thệ của thanh tra viên.
Nêu quan điểm về đề nghị bổ sung quy định về thủ tục tuyên thệ của thanh tra viên, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp), Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cũng cho rằng không cần thiết.
Theo ông Hòa, Hiến pháp đã quy định rõ các chức danh phải tuyên thệ sau khi được bầu. Hơn nữa, vị đại biểu Quốc hội cho rằng nếu tổ chức tuyên thệ không đáp ứng yêu cầu thì sẽ không mang nhiều ý nghĩa.
Trong phần thảo luận tại hội trường, đại biểu Phạm Văn Hòa cũng nhất trí với dự thảo luật về việc thành lập thanh tra cấp huyện; thanh tra tổng cục, cục; thành lập thanh tra sở tùy theo tính chất đặc thù của mỗi tỉnh. Theo ông Hòa, việc quy định hệ thống thanh tra 3 cấp là cần thiết, đặc biệt với việc thành lập thanh tra huyện.
Theo đại biểu, dù ở huyện với quy mô dân số nhỏ cũng cần có cơ quan thanh tra. "Điểm yếu của các cơ quan này là do chưa được bố trí nguồn lực đầy đủ, chưa bảo đảmđiều kiện hoạt động. Nhưng nếu thiếu thanh tra huyện thì ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý nhà nước ở cấp huyện, nhất là trong giải quyết khiếu nại, tố cáo" - đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.
Về quy định tổ chức thanh tra sở, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (đoàn Bắc Giang) cho rằng vẫn nên quy định việc thanh tra sở được thành lập ở những sở thuộc UBND tỉnh. Theo đại biểu, xuất phát từ chức năng, vị trí, vai trò của thanh tra đối với cơ quan quản lý nhà nước, ngành, lĩnh vực, thanh tra là một chức năng thiết yếu của cơ quan quản lý nhà nước, là việc xem xét, đánh giá, xử lý của cơ quan nhà nước đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật, thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
"Thanh tra là nội dung không thể thiếu của quản lý nhà nước, là giai đoạn cuối cùng của chu trình quản lý, có vai trò kiểm định, đánh giá hiệu quả. Thanh tra làm cho chu trình quản lý nhà nước được khép kín, các hoạt động quản lý nhà nước được gắn bó chặt chẽ hơn" - đại biểu Đỗ Thị Việt Hà nhấn mạnh.
Vị đại biểu đoàn Bắc Giang cho rằng qua thanh tra sẽ có các kiến nghị để khắc phục những sơ hở, yếu kém, đề xuất những biện pháp đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý cũng như sửa đổi cơ chế chính sách nhằm quản lý tốt hơn và hiệu quả hơn.
Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà nêu quan điểm về thành lập Thanh tra sở tại các sở thuộc UBND tỉnh
Chính vì vậy, trong hoạt động quản lý nhà nước phải có thanh tra, và thanh tra phải phục vụ cho yêu cầu quản lý nhà nước. Ở đâu có quản lý nhà nước thì ở đó phải có thanh tra, quản lý nhà nước mà không có thanh tra sẽ dẫn tới quan liêu, xa rời thực tiễn.
Cũng theo đại biểu Đỗ Thị Việt Hà, giống thanh tra huyện, thanh tra sở đã có cả một quá trình hình thành, phát triển ổn định, lâu dài, góp phần quan trọng không thể thiếu cho việc nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước. Vì vậy, đại biểu Hà cho rằng vẫn nên quy định việc thanh tra sở được thành lập ở những sở thuộc UBND tỉnh.
Về xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra và giữa hoạt động thanh tra với kiểm toán cũng là một trong những nội dung được quan tâm tại dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi). Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát dự thảo Luật để chỉnh lý, bổ sung các quy định nhằm bảo đảm thống nhất với quy định của Luật Kiểm toán nhà nước; khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, giữa hoạt động thanh tra với kiểm toán làm tăng chi phí, gây phiền hà, bức xúc cho đối tượng thanh tra, kiểm toán như một số trường hợp diễn ra thời gian qua (quy định tại điều 53 của dự thảo luật).
Góp ý về dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (đoàn Quảng Bình) đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định chế tài xử lý sau thanh tra đối với các sai phạm về kinh tế của các tổ chức, đơn vị, cá nhân là đối tượng thanh tra có sai phạm nhưng thực hiện không nghiêm túc, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Bình luận (0)