Ngày 11-10, tiếp tục phiên họp thứ 16, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ôtô thông qua đấu giá.
Đề xuất một mức giá khởi điểm
Thay mặt Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long trình dự thảo. Nếu được QH thông qua tại kỳ họp thứ 4 theo quy trình, nghị quyết sẽ được thực hiện thí điểm trong 3 năm, kể từ ngày có hiệu lực thi hành hoặc thí điểm cho đến khi nội dung này được quy định trong luật nhưng cũng không quá 3 năm kể từ ngày nghị quyết có hiệu lực thi hành.
Theo ông Nguyễn Văn Long, dự thảo quy định biển số đưa ra đấu giá là biển số ôtô cấp cho tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân (nền màu trắng, chữ và số màu đen) trong kho biển số chưa được đăng ký. Giá khởi điểm của một biển số đưa ra đấu giá là mức lệ phí đăng ký cao nhất đang áp dụng tại địa phương nhân với hệ số.
Dự thảo quy định về đấu giá trong trường hợp chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá; về quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá, người nhận chuyển nhượng, người được cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá theo xe và quy định sử dụng nguồn thu từ đấu giá. Số tiền thu được từ đấu giá sau khi trừ các khoản chi phí tổ chức đấu giá sẽ nộp toàn bộ vào ngân sách trung ương.
Thứ trưởng Bộ Công an cho hay thực tế có nhiều cá nhân, tổ chức có nhu cầu sở hữu những biển số theo sở thích, thường gọi là "biển số đẹp" và việc cấp quyền lựa chọn sử dụng "biển số đẹp" bằng hình thức đấu giá vừa đáp ứng nhu cầu của cá nhân, tổ chức, tạo sự công bằng giữa các chủ thể có nhu cầu và cũng tăng nguồn thu cho ngân sách. Tuy nhiên, quá trình triển khai đấu giá đã gặp vướng mắc, có những quy định mang tính đặc thù so với các quy định của pháp luật hiện hành.
Đại diện cơ quan thẩm tra - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh (QP-AN) Lê Tấn Tới nhấn mạnh việc cấp quyền sử dụng biển số ôtô thông qua đấu giá đáp ứng nhu cầu và tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, tránh dư luận cho rằng có sự thiếu minh bạch, có trục lợi trong việc cấp biển số xe, nhất là "biển số đẹp".
Thường trực Ủy ban QP-AN nhất trí giới hạn thí điểm chỉ đấu giá đối với biển số ôtô nền trắng trong kho biển số chưa được đăng ký, mà không thí điểm với biển số ôtô nền vàng chữ đen, biển số môtô, xe gắn máy, vì mở rộng thì số lượng quá lớn dẫn đến thiếu tập trung, ảnh hưởng việc thí điểm.
Cơ quan thẩm tra cho rằng việc quy định giá khởi điểm khác nhau giữa vùng 1 và vùng 2 không có ý nghĩa khi người tham gia đấu giá trên phạm vi toàn quốc, không giới hạn và phân biệt giữa vùng 1 và vùng 2. Trên cơ sở đề xuất giá khởi điểm của Chính phủ (40 triệu đồng, 20 triệu đồng), Thường trực Ủy ban QP-AN đề xuất áp dụng thống nhất một mức giá khởi điểm trên toàn quốc là 40 triệu đồng.
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long thay mặt Chính phủ trình Dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ôtô thông qua đấu giáẢnh: Phạm Thắng
Minh bạch để kiểm soát
Theo Tổng Thư ký QH Bùi Văn Cường, cần quy định quyền của người trúng đấu giá được mở rộng hơn, như liên quan đến thừa kế, cho tặng, được gắn vào xe mới (khi xe cũ hỏng), nếu được vậy thì người tham gia đấu giá sẵn sàng trả mức giá cao.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng bày tỏ cần làm rõ cách thức lựa chọn "1 tổ chức đấu giá", điều kiện, tiêu chí nào, công khai, minh bạch ra sao để qua đó kiểm soát, hạn chế rủi ro dẫn đến tiêu cực.
Chủ tịch QH Vương Đình Huệ nhất trí chủ trương thí điểm và hồ sơ đủ điều kiện trình ra QH. Theo Chủ tịch QH, dự thảo chỉ nên thể hiện các nguyên tắc lớn, còn lại giao Chính phủ quy định và thực hiện. Về giá khởi điểm, đề nghị nghiên cứu có thể quy định một mức chung. Mức giá khởi điểm quá cao chưa chắc đã thu hút được người dân tham gia. Về trình tự thủ tục, cần rà soát để tạo thuận lợi nhất cho người dân, bảo đảm cao nhất quyền lợi cho người dân, từ đó tạo hấp dẫn cho người dân tham gia đấu giá.
Giải trình các ý kiến góp ý, Thứ trưởng Nguyễn Văn Long cho biết giá khởi điểm là vấn đề khó khăn nhất, vướng mắc dẫn đến việc nhiều năm qua không thực hiện đấu giá được. Vì đối với biển số ôtô, hiện không có cơ quan xác định giá khởi điểm và cũng không có đơn vị thẩm định. Việc lấy mức giá khởi điểm ở Hà Nội và TP HCM là 40 triệu đồng, gấp đôi mức lệ phí đăng ký hiện nay; các địa phương khác là 20 triệu đồng. Mức giá này tương đương 5% giá trung bình của một phương tiện.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch QH Trần Quang Phương cho biết UBTVQH nhất trí ban hành nghị quyết và đề nghị Chính phủ rà soát bảo đảm tính thống nhất với Luật Giao thông Đường bộ.
Cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ
Cùng ngày, UBTVQH đã họp cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ: Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 (tỉ lệ phần trăm phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương giai đoạn 2023-2025); kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022; dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2023.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra báo cáo của Chính phủ.
Bình luận (0)