Tại kỳ họp thứ hai đang diễn ra, Quốc hội dự kiến xem xét, quyết định về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển cho 4 địa phương, trong đó có TP Hải Phòng với đề xuất thành lập khu thương mại tự do (TMTD).
Chính sách đột phá, đặc thù
TP Hải Phòng có vị trí quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và là địa phương có cảng biển lớn nhất phía Bắc. Giai đoạn 2016-2020, kinh tế Hải Phòng tăng trưởng trung bình 13,94%/năm. Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bằng sông Hồng, Hải Phòng cùng Hà Nội, Quảng Ninh được xác định là các cực tăng trưởng của vùng kinh tế động lực trên hành lang kinh tế trọng điểm phía Bắc.
Để Hải Phòng phát triển mạnh mẽ, Bộ Chính trị năm 2003 đã có Nghị quyết 32 về xây dựng và phát triển TP Hải Phòng. Năm 2019, Bộ Chính trị tiếp tục có Nghị quyết 45 về xây dựng và phát triển TP Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu xây dựng và phát triển Hải Phòng thành thành phố đi đầu cả nước trong sự nghiệp xây dựng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và của cả nước; có công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững; kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối thuận lợi với trong nước và quốc tế bằng đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không; trọng điểm dịch vụ logistics; trung tâm quốc tế về giáo dục - đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ, kinh tế biển.
Với Khu công nghiệp DEEP C Hải Phòng, Hải Phòng hội đủ một trong những điều kiện để xây dựng khu thương mại tự do
Việc ban hành nghị quyết của Quốc hội để thí điểm một số cơ chế, chính sách mới, đặc thù trong một số lĩnh vực khác so với một số quy định hiện hành cho phù hợp với yêu cầu phát triển, quy mô kinh tế, trình độ và yêu cầu quản lý KT-XH đối với Hải Phòng, để thành phố có thêm cơ hội huy động nguồn lực, tập trung đầu tư, tiếp tục phát triển nhanh, bền vững hơn, có sức lan tỏa lớn hơn trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và cả nước như mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị. Trong đó, một trong các cơ chế, chính sách mang tính mới, đột phá, đặc thù của nghị quyết là thí điểm xây dựng khu TMTD tại TP Hải Phòng.
Cần nghiên cứu kỹ lưỡng
Theo tờ trình của Chính phủ tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước đó, trên thế giới hiện chưa có định nghĩa chung, thống nhất về khu TMTD. Tuy nhiên, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế cho thấy khu TMTD là mô hình kinh tế khá phổ biến trên thế giới. Trong đó, về nguyên tắc, các quốc gia thiết lập khu TMTD như một công cụ, chính sách thu hút đầu tư, thúc đẩy và thuận lợi hóa thương mại. Tựu trung, bản chất là xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh trên một khu vực nhất định, thông thường là gần cảng biển, cảng hàng không hay khu vực biên giới gắn với cơ chế, chính sách vượt trội, thuận lợi hơn, ưu đãi cao hơn so với phần còn lại của quốc gia.
TP Hải Phòng hội đủ 2 điều kiện tiên quyết để có thể xây dựng thành công khu TMTD ở Việt Nam. Thứ nhất, Hải Phòng có vị trí địa kinh tế chiến lược với cảng biển nước sâu quốc tế, đầu mối giao thông quan trọng của cả nước, kết nối dễ dàng với khu vực và quốc tế. Thứ hai, Hải Phòng có lợi thế "hậu phương công nghiệp" vững vàng, tiềm năng lớn gồm các KCN và Khu Kinh tế Đình Vũ - Cát Hải với những doanh nghiệp chế tác, chế tạo, lắp ráp linh kiện điện - điện tử.
Với cảng Lạch Huyện, Hải Phòng hội đủ một trong những điều kiện để xây dựng khu thương mại tự do
Theo đánh giá, việc xây dựng thí điểm thành công mô hình khu TMTD tại TP Hải Phòng sẽ tạo động lực khai thác toàn diện tiềm năng, thế mạnh của cảng biển nước sâu cửa ngõ phía Bắc; thu hút đầu tư FDI quy mô lớn trong những ngành nghề phù hợp, tạo công ăn việc làm; tăng kim ngạch xuất khẩu, chuyển giao công nghệ, xây dựng mạng lưới liên kết với sản xuất trong nước, nâng cao quy mô nền kinh tế của Hải Phòng và cả nước…
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết Chính phủ đã đề xuất xây dựng khu TMTD tại Hải Phòng. Theo ông, nghiên cứu một số khu TMTD thành công trên thế giới cho thấy việc hình thành khu TMTD là một yêu cầu tất yếu. Thời gian vừa qua, thế giới đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của các khu TMTD ở Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất, Singapore...
Đại diện cơ quan thẩm tra, ông Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, cho biết Thường trực Ủy ban nhận thấy đề xuất này thể hiện sự quyết tâm, tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ dám làm của Chính phủ và TP Hải Phòng. Tuy nhiên, một số khía cạnh cần được nghiên cứu thận trọng.
Theo ông Nguyễn Phú Cường, căn cứ quy định của hệ thống pháp luật hiện hành, đây là mô hình hoàn toàn mới ở Việt Nam, chưa có văn bản quy định về mô hình khu TMTD (hiện mới chỉ có mô hình KCN, khu kinh tế mở, khu chế xuất…). Trong khi đó, việc quy định hình thành khu TMTD là vấn đề quan trọng, không chỉ dưới giác độ kinh tế mà còn liên quan đến yếu tố quốc phòng, an ninh, hội nhập, ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Theo cơ quan thẩm tra, việc thành lập khu TMTD không chỉ dừng ở phạm vi của cơ chế, chính sách đặc thù riêng lẻ mà còn gắn với việc xây dựng các thể chế, thiết chế pháp luật có tác động lớn, phạm vi ảnh hưởng rộng...
Để bảo đảm tính khả thi, đại diện cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ đối chiếu với mô hình đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt đã được Chính phủ trình Quốc hội năm 2018. Hai dự thảo này có nhiều điểm tương đồng về dự kiến đề xuất chính sách (đất đai, mô hình tổ chức, cơ chế tài chính). Tại thời điểm đó, nhiều đại biểu Quốc hội, cử tri đã đề nghị tạm dừng việc thông qua dự án Luật Đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt. Vì vậy, lần này cần nghiên cứu thận trọng, kỹ lưỡng để bảo đảm tính thuyết phục, tạo sự đồng thuận cao.
Bình luận (0)