xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đến lúc ngăn trẻ "nghiện" điện thoại thông minh!

Hải Yến thực hiện

Các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính bảng… tác động tiêu cực đến tinh thần và thể chất của trẻ em; khi tiếp xúc quá nhiều dễ bị "nghiện" dẫn đến mất kiểm soát hành vi

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP HCM), đã có cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Người Lao Động về những tác hại của việc sử dụng thiết bị điện tử đến trẻ em.

Quá nhiều tác hại

* Phóng viên: Ngày nay, tivi, điện thoại thông minh… đều xuất hiện trong các gia đình, bác sĩ cho biết nếu trẻ tiếp xúc thường xuyên với các thiết bị này sẽ đối mặt với nguy cơ gì?

- BSCK2 NGUYỄN MINH TIẾN: Muốn trẻ phát triển tốt cả thể chất lẫn tinh thần thì cần có sự tương tác với người thân trong gia đình (cha, mẹ, ông, bà…) và môi trường xung quanh như ở trường, lớp bạn bè… Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện đại có nhiều yếu tố tác động khiến trẻ tiếp xúc sớm với các thiết bị điện tử. Điều này khiến trẻ chỉ có sự tương tác một chiều trong thế giới ảo, gây cản trở khả năng giao tiếp.

Đến lúc ngăn trẻ nghiện điện thoại thông minh! - Ảnh 1.

BSCK2 NGUYỄN MINH TIẾN

Khi trẻ tiếp xúc với thiết bị điện tử nhiều không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý mà còn cả sức khỏe thể chất. Theo nghiên cứu của Hiệp hội Tâm lý học Anh quốc, trẻ em dành nhiều thời gian sử dụng điện thoại thông minh thường bị mất ngủ, trong khi giấc ngủ rất quan trọng, giúp trẻ phát triển trí não. Nếu trẻ thiếu ngủ sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển, học tập. Mất ngủ trong thời gian dài dẫn đến rối loạn tập trung, suy giảm nhận thức. Bên cạnh đó, mắt trẻ đang trong quá trình phát triển, nếu tiếp xúc với bức xạ từ điện thoại sẽ làm suy giảm thị lực và gây ra nhiều bệnh về mắt.

Một nghiên cứu của các chuyên gia Trường Sức khỏe công cộng thuộc ĐH Harvard (Mỹ) chỉ ra rằng những trẻ em dùng máy tính bảng hoặc điện thoại thông minh hơn 5 giờ/ngày thì tăng 43% nguy cơ bị béo phì. Không chỉ vậy, khi người lớn tập trung làm việc hoặc không kiểm soát những hình ảnh trẻ thấy trên màn hình sẽ vô tình tạo cơ hội cho trẻ tiếp thu những thông tin xấu.

Ngoài ra, thời gian qua, tỉ lệ trẻ đến bệnh viện khám vì mắc hội chứng Tic (cử động bất thường của các cơ, lặp đi lặp lại không kiểm soát được) có xu hướng cao hơn trước. Nguyên nhân cũng do trẻ xem tivi, chơi game quá nhiều.

* Ở độ tuổi nào thì cho trẻ dùng thiết bị di động thông minh là hợp lý? Thời gian sử dụng ra sao và cần lưu ý gì?

- WHO khuyến cáo rằng trẻ nhỏ dưới 2 tuổi tuyệt đối không nên sử dụng thiết bị điện tử. Với trẻ lớn hơn cũng không khuyến khích xem, nếu sử dụng thì chỉ nên tiếp xúc khoảng 60 phút/ngày.

Khi cho trẻ xem tivi, điện thoại…, phụ huynh cần chú ý đến khoảng cách từ mắt đến các thiết bị này. Đặc biệt, với trẻ nhỏ, cha mẹ cần để ý để giữ khoảng cách an toàn; ngồi cách tivi 4 - 5 lần kích thước đường chéo màn hình; kiểm soát thời gian xem cũng như chọn lọc nội dung cho trẻ… và tham gia cùng trẻ trong suốt thời gian sử dụng thiết bị.

Đến lúc ngăn trẻ nghiện điện thoại thông minh! - Ảnh 3.

Tiếp xúc với thiết bị điện tử nhiều, con trẻ không chỉ bị ảnh hưởng tâm lý mà còn suy giảm cả về sức khỏe thể chất Ảnh: Hải Yến

"Cai nghiện" từ bước đầu

* Với những hệ lụy đã được nhiều nghiên cứu chỉ rõ, nhiều quốc gia có quy định cấm trẻ sử dụng thiết bị điện tử, bác sĩ cho biết nếu ở Việt Nam thì việc áp dụng có khả thi?

- Nhằm hạn chế các tác động tiêu cực đối với trẻ, nhiều quốc gia trên thế giới đã có những quy định để điều tiết việc tiếp xúc của trẻ em với thiết bị số.

Tại Việt Nam, dù chưa có cuộc khảo sát nào về việc cho trẻ sử dụng thiết bị điện tử nhưng thực tế hầu như trẻ nhỏ, thậm chí dưới 2 tuổi, đã được tiếp xúc với tivi, điện thoại thông minh… Cha mẹ bận rộn hơn thường chọn giải pháp cho con xem điện thoại, máy tính bảng để dễ dàng làm việc, nghỉ ngơi hoặc để trẻ chịu ăn cơm...

Đến lúc ngăn trẻ nghiện điện thoại thông minh! - Ảnh 4.

Nguồn: CNBC, NPR, Asahi, Đồ họa: ANH THANH

Nếu áp dụng quy định cấm trẻ xem điện thoại vào luật thì sẽ gây tranh cãi. Do đó, cần phải có sự bàn thảo cẩn thận, đặc biệt nên tham khảo kinh nghiệm ở những quốc gia áp dụng thành công trên thế giới hoặc những tổ chức uy tín như WHO. Bên cạnh đó, cần phải có ý kiến của các chuyên gia ngành kỹ thuật, tâm lý, phục hồi chức năng, hoạt động trị liệu…

Ngoài ra, cần có sự phối hợp linh hoạt giữa gia đình, nhà trường, trong đó cha mẹ đóng vai trò then chốt. Ngay từ đầu không nên tạo điều kiện "thuận lợi" cho trẻ nhỏ tiếp xúc với thiết bị điện tử. Nếu trẻ đã lỡ sử dụng thì cần "cai" từ từ.

* Trẻ tiếp xúc với điện thoại đã quen, vậy bác sĩ cho biết làm sao để giúp trẻ "cai nghiện"?

- Khi trẻ nghiện thiết bị di động thông minh, cần phải hạn chế từ từ. Quan trọng nhất là phụ huynh phải "đầu tư" vào mối quan hệ với con bằng cách trò chuyện nhiều hơn. Cha mẹ cần làm gương, không sử dụng các thiết bị điện tử trước mặt con. Thay vào đó hãy dành thời gian chơi cùng con như xếp hình, đọc sách, tham gia các hoạt động thể dục hoặc cùng con làm việc nhà.

Đối với trẻ đang bị nghiện xem tivi, chơi điện thoại, cha mẹ không nên ép con ngừng một cách đột ngột, bởi như thế sẽ khiến trẻ cảm thấy ức chế, dẫn đến hành động quậy phá, chống đối. Với trẻ đi học thì giải thích cho con hiểu về tác hại của các thiết bị điện tử ảnh hưởng sức khoẻ như thế nào, sau đó giới hạn thời gian sử dụng, xem theo khung giờ nhất định.

Phụ huynh có thể hướng trẻ đến các hoạt động bên ngoài như: tăng cường giao lưu, giao tiếp với xung quanh; tham quan, dã ngoại; học kỹ năng mới… Quan trọng nhất là cha mẹ phải trò chuyện, có thời gian tương tác và chơi với con nhiều hơn. 

Hạn chế trò chơi trực tuyến và mạng xã hội

Năm 2021, Cơ quan Quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC) từng đưa ra quy định hạn chế trẻ em chơi trò chơi điện tử trực tuyến hơn 3 giờ mỗi ngày. Các quy tắc bao gồm yêu cầu điện thoại thông minh phải có một chế độ đặc biệt, dễ dàng tìm thấy dưới dạng biểu tượng trên màn hình chính và trong cài đặt hệ thống của thiết bị. Không chỉ giới hạn thời gian, chế độ này còn cho phép cha mẹ quản lý những gì con cái của họ xem và cho phép các nhà cung cấp dịch vụ internet hiển thị nội dung dựa trên độ tuổi người dùng.

Trước đó, một nhóm thượng nghị sĩ lưỡng đảng ở Mỹ đã công bố một dự luật vào tháng 4-2023, trong đó quy định độ tuổi tối thiểu của người dùng mạng xã hội là 13. Theo NPR, đối với người 13-18 tuổi, dự luật quy định cần có sự đồng ý của cha mẹ; với độ tuổi này, các nền tảng mạng xã hội bị cấm sử dụng thuật toán đề xuất nội dung. Tài khoản của các thiếu niên cũng phải do người lớn tạo giúp. Trẻ em dưới 13 tuổi vẫn được phép xem nội dung trên các mạng xã hội nhưng là những nội dung không yêu cầu đăng nhập - tức không được có tài khoản mạng xã hội riêng và sử dụng như cách người lớn thường dùng.

Anh Thư

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo