Sau nhiều năm sụt giảm, khối lượng hành khách sử dụng xe buýt tại TP HCM "hồi sinh" khi đạt hơn 306,5 triệu lượt vào năm 2017. Nhằm tăng thêm nguồn thu và sử dụng hiệu quả trợ giá từ ngân sách, giá vé xe buýt phổ thông tại TP HCM đang được nghiên cứu tăng thêm 1.000 đồng/lượt.
Tăng để hoạt động hiệu quả
Khung giá vé xe buýt đang áp dụng tại TP HCM của các tuyến xe phổ thông hiện dao động từ 5.000 - 6.000 đồng/lượt đối với hành khách thường. Còn đối tượng là học sinh, sinh viên, giá vé là 2.000 đồng/lượt và 112.500 đồng/tập 30 vé tháng. Mức giá như trên áp dụng từ năm 2013 và hiện Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (gọi tắt là Trung tâm) - Sở Giao thông Vận tải TP HCM đang đề xuất tăng thêm 1.000 đồng/lượt đối với hành khách thường.
Theo ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm, đề xuất trên là một trong nhiều phương án mà Trung tâm đưa ra để giúp hệ thống xe buýt tại TP hoạt động hiệu quả hơn. Giá vé tăng cũng tạo thêm nguồn thu trong việc đầu tư mới phương tiện, giảm gánh nặng cho nguồn trợ giá từ ngân sách. Ông Trung khẳng định nếu tăng giá vé xe buýt thì chất lượng phục vụ cũng sẽ được nâng cao. Thực tế là hiện hệ thống phương tiện đang được đầu tư, thái độ phục vụ của đội ngũ tài xế, tiếp viên cũng đã được cải thiện đáng kể.
TP HCM đang tăng cường đầu tư xe buýt mới và nâng cao chất lượng phục vụ trên xe Ảnh: GIA MINH
Theo báo cáo của Trung tâm, từ năm 2017 tới nay, lượng người sử dụng xe buýt tại TP HCM bắt đầu tăng sau nhiều năm sụt giảm. Thống kê cho thấy khối lượng người sử dụng xe buýt tại TP năm 2017 vào khoảng 306,5 triệu lượt, đạt 101% so với kế hoạch và tăng 3% so năm 2016. Riêng trong quý I/2018, lượng người sử dụng xe buýt tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm trước. Sở dĩ đạt được mức tăng như trên, ông Trần Chí Trung cho biết do việc phát triển hệ thống xe buýt tại TP HCM đang là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, vì vậy thời gian qua, Sở Giao thông Vận tải đã thực hiện hàng loạt giải pháp.
Theo đó, ngoài việc tập trung đầu tư mới phương tiện theo Đề án 1.680 xe, các đơn vị cũng tăng cường tập huấn cho đội ngũ tài xế, tiếp viên xe buýt nhằm chấn chỉnh thái độ phục vụ. Vấn đề này được kiểm soát thông qua hệ thống camera lắp đặt trên khoảng 3.000 phương tiện và thực tế, cung cách phục vụ cũng như an ninh trên xe đã được cải thiện đáng kể trong thời gian gần đây. Ngoài ra, theo Trung tâm, nhiều tuyến xe buýt chất lượng cao thời gian qua cũng được đầu tư mới với lộ trình kết nối với sân bay, các bến xe và nhà ga trên địa bàn TP, tăng thời gian hoạt động... đã đáp ứng đáng kể nhu cầu đi lại của người dân.
Năm 2017, mức trợ giá từ ngân sách TP HCM cho hoạt động của xe buýt hơn 1.200 tỉ đồng, tăng khoảng 231 tỉ đồng so với năm 2016. Nguyên nhân có mức tăng này là do việc đầu tư thay mới xe buýt có chi phí khá lớn và hiện mới chỉ thay được khoảng 1.100 xe buýt trong đề án thay mới 1.680 xe, trong đó có cả xe buýt thường và xe buýt chạy bằng khí CNG. Theo tính toán, nếu giá vé xe buýt tăng thêm 1.000 đồng/lượt so với hiện nay thì mức trợ giá cho loại hình này từ ngân sách TP HCM sẽ giảm hơn 200 tỉ đồng/năm.
Chất lượng phục vụ sẽ quyết định
Ông Nguyễn Văn Triệu, Giám đốc HTX Vận tải 19-5, cho biết giá vé xe buýt tại TP HCM sau khi điều chỉnh tăng thêm 1.000 đồng/lượt vào năm 2013, thời gian đầu đã có tác động đến tâm lý của hành khách sử dụng loại hình này. Tuy nhiên, sau khi nhiều phương tiện được đầu tư mới cùng việc cải tạo, hiện đại hóa hạ tầng bến bãi, lượng người sử dụng xe buýt lại tăng mạnh so với trước. Vì vậy, ông Triệu nhìn nhận từ việc tăng giá năm 2013, việc nâng cao chất lượng phục vụ vẫn là yếu tố quyết định để người dân sử dụng xe buýt. "Thực tế cho thấy ở những tuyến xe buýt có trợ giá nếu phương tiện sạch đẹp, cung cách phục vụ bảo đảm thì tuyến đó đông khách. Vì vậy, chất lượng phục vụ phải là ưu tiên hàng đầu nếu tăng giá vé" - ông Triệu nhìn nhận và cho biết HTX Vận tải 19-5 hiện đã đầu tư thay mới được 370 phương tiện trên 13 tuyến xe buýt đang đảm nhận, lượng khách khá ổn định.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Xe khách liên tỉnh và Du lịch TP HCM, cho rằng nếu tăng giá vé xe buýt thêm 1.000 đồng có thể chấp nhận được và sẽ góp phần giảm gánh nặng trợ giá, giảm chi từ ngân sách TP. "Tuy nhiên, nếu tăng giá vé mà chất lượng dịch vụ không được cải thiện thì rất dễ khiến người dân quay lưng với xe buýt, không đạt được mục tiêu của TP đề ra" - ông Tính khuyến cáo.
Ông Nguyễn Minh Đồng, một chuyên gia giao thông, cho rằng nhiều nước trên thế giới không xem việc kinh doanh phương tiện giao thông công cộng để sinh lời mà nhằm mục đích chính trị, xã hội. Trong khi đó, tại TP HCM hiện nay, các phương tiện giao thông công cộng và chất lượng phục vụ còn hạn chế nên việc nâng giá vé là chưa phù hợp bởi dễ khiến người dân không mặn mà sử dụng. Chưa kể, hạ tầng giao thông tại TP còn nhiều thiếu thốn, phần lớn người dân đi lại bằng xe máy nên chính quyền cần tính việc nâng cao chất lượng phương tiện, giảm giá vé để thu hút người dân sử dụng các loại hình giao thông công cộng.
Dùng vân tay quản lý học sinh đi xe buýt
Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP HCM, hiện đơn vị đang cho thí điểm sử dụng dấu vân tay để quản lý khối lượng học sinh đi học bằng xe buýt tại một trường học ở quận 1.
Cụ thể, học sinh khi đi học và lên xe buýt sẽ được lấy dấu vân tay, thủ tục này sẽ thống kê chính xác số lượng học sinh đi học, thời điểm đi học..., giúp giảm nhiều thủ tục làm thủ công như trước.
Ông Trần Chí Trung cho biết hiện trên địa bàn TP HCM có khoảng 1,2 triệu học sinh với gần 2.000 trường nên nếu tới năm 2020, với việc phải đáp ứng từ 15%-20% việc đi lại của học sinh TP bằng phương tiện giao thông công cộng thì các thủ tục thủ công sẽ tốn rất nhiều thời gian. Vì thế, việc áp dụng công nghệ quản lý học sinh theo dấu vân tay là rất cần thiết.
Bình luận (0)