Ngày 28-11, tại kỳ họp thứ 17 HĐND tỉnh Quảng Nam khóa X, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết thông qua Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là quy hoạch tỉnh Quảng Nam).
Kỳ họp thứ 17 HĐND tỉnh Quảng Nam khóa X dự kiến được tổ chức trong 1 ngày 28-11
Theo tờ trình, quan điểm phát triển đối với quy hoạch tỉnh Quảng Nam gồm một số nội dung đáng chú ý như: Chủ động kiến tạo, đổi mới mạnh mẽ tư duy, phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của tỉnh, hài hòa giữa các ngành kinh tế, gắn với tăng trưởng xanh, quan tâm phát triển kinh tế tuần hoàn; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo động lực phát triển nhanh và bền vững.
Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, y tế, giáo dục, đào tạo, an sinh xã hội và giảm nghèo; phát triển kinh tế gắn với giữ gìn cảnh quan, bảo tồn di sản, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường.
Quảng Nam xác định quan điểm phát huy tối đa nhân tố con người, lấy con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển; khơi dậy khát vọng xây dựng quê hương phồn vinh, hạnh phúc, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa truyền thống, ý chí tự cường, mạnh mẽ, bền bỉ của con người Xứ Quảng…
Cảng Chu Lai ở tỉnh Quảng Nam
Mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ; là cực tăng trưởng quan trọng của khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Có mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ theo hướng hiện đại; hình thành cụm hàng không, cảng biển, dịch vụ logistics, du lịch; chế biến phát triển silicat, trung tâm công nghiệp cơ khí ôtô, cơ khí chế tạo, điện khí mang tầm khu vực; trung tâm công nghiệp dược liệu, chế biến sâu sản phẩm nông lâm nghiệp quốc gia; có cơ sở đào tạo nghề chất lượng cao; có nền văn hóa giàu bản sắc; đa số các cơ sở y tế, giáo dục đạt chuẩn quốc gia; có hệ thống đô thị gắn kết với nông thôn.
Ông Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, phát biểu khai mạc kỳ họp vào sáng 28-11
Tầm nhìn đến năm 2050, Quảng Nam có kinh tế, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; đóng góp lớn cho ngân sách Trung ương; hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, tiên tiến; các khu công nghiệp, khu du lịch biển, cảng biển, sân bay, trung tâm giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ hiện đại; di sản văn hóa thế giới bản sắc, ấn tượng; chất lượng môi trường tốt; xã hội phát triển hài hoà, chỉ số phát triển con người và thu nhập của người dân ở mức cao, đời sống hạnh phúc...
Quảng Nam xác định các đột phá để phát triển gồm hoàn thiện hệ thống hạ tầng; nâng cao năng lực cạnh tranh; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phúc lợi xã hội; nâng cao năng lực khoa học công nghệ.
Các hoạt động kinh tế - xã hội được đầu tư, phát triển theo mô hình cấu trúc không gian "hai vùng, hai cụm động lực, sáu hành lang phát triển", phát huy tiềm năng và lợi thế địa kinh tế - văn hóa - chính trị để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trong đó, "hai vùng" là vùng Đông và vùng Tây; "hai cụm động lực" gồm cụm Điện Bàn - Hội An - Đại Lộc - là cực tăng trưởng phía Bắc của tỉnh, kết nối với các không gian kinh tế của thành phố Đà Nẵng; cụm Tam Kỳ - Núi Thành - Phú Ninh, kết nối các không gian kinh tế của 3 đơn vị hành chính này thành khu vực phát triển, trong đó Chu Lai là khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, với hạt nhân là THACO Trường Hải. "Sáu hành lang phát triển" gồm 3 hành lang Bắc - Nam và 3 hành lang Đông – Tây…
Bình luận (0)