Nguy hiểm hơn là nhóm trẻ ăn xin ngay trước đầu xe ở đoạn đường dẫn cao tốc Long Thành - TP HCM giao với đường Mai Chí Thọ, quận 2. Xe dừng dãy dài, các em nhỏ túa ra, chặn trước đầu xe, bên cửa xe, ngả mũ xin tiền. Nếu tài xế không được cảnh báo hay chú ý quan sát, tai nạn rất dễ xảy ra, lúc đó khó nói trách ai gây nên nỗi này.
Người phụ nữ mặc áo carô và 3 đứa trẻ được người đàn ông đón về khu nhà trọ tại phường 16, quận 8, sau một ngày “hành nghề”. Ảnh: PHƯƠNG TRINH
Ăn xin là một thực trạng nhức nhối ở đô thị và không ít địa phương từng lên tiếng tuyên chiến, quyết tâm dẹp bỏ. TP HCM cũng tổ chức nhiều đợt truy quét, đưa vào trường trại, song qua "chiến dịch", những kẻ ăn xin lại ùa về như chẳng có chuyện gì xảy ra, vẫn nhởn nhơ hành nghề... Tại TP Đà Nẵng, từng khảng khái nói không với ăn xin, cũng từng "đẩy đuổi", ăn xin vắng bóng trên đường phố một thời gian dài. Nhưng rồi TP Đà Nẵng cũng không dẹp hết được, vẫn có tình trạng ăn xin biến tướng và các phiên họp HĐND chuyện này được nêu lên, yêu cầu giải pháp xử lý rốt ráo.
Tình trạng đáng lo ngại nhất là không phải người đi ăn xin do nghèo khó, bệnh tật, do hoàn cảnh đưa đẩy, mà nhiều năm qua đã thành phổ biến là do ăn xin được xem là công việc dễ làm, dễ kiếm tiền. Có những vùng, người dân cùng xóm, làng đã xem đây là nghề, cùng vào các đô thị lớn hành nghề ăn xin kiếm sống rồi đem tiền xin được về xây nhà khang trang. Hàng xóm láng giềng thấy làm ăn được cũng kéo nhau theo. Đáng lo hơn là những đối tượng giang hồ hoặc từ người nghèo bị tha hóa mà thành kẻ lưu manh, từ đó hình thành các đường dây "chăn dắt", làm giàu trên công sức, nhân phẩm của người già, trẻ em. Chúng lợi dụng tình thương của xã hội, vào lòng nhân đạo của nhiều người, thấy cảnh khổ người khó thì mủi lòng, ít nhiều cũng phải cho nhằm giúp đỡ, để có quay đi cũng không áy náy trong lòng.
Theo điều tra của các nhà báo, trong đó có Báo Người Lao Động, và không chỉ trên loạt bài đang đăng trong những số báo vừa qua, tình trạng giả làm sư, giả bệnh tật để xin ăn với các thủ đoạn hành nghề đều đã bị vạch trần. Những kẻ đó sau buổi giả tật nguyền, giả làm nhà sư đã trở về đời thường vào những chiều tối trong áo quần bảnh bao, ăn nhậu món ngon, bia lon sang chảnh. Còn những kẻ chăn dắt người già và trẻ em cũng chỉ cho họ những bữa ăn đạm bạc, chỗ ngả lưng qua đêm; còn lại chia chác những khoản tiền có được từ công sức của người già, trẻ em để sống phè phỡn... Người già và trẻ em bị bóc lột, hành hạ; không được an hưởng tuổi già, bị tước đoạt tuổi thơ và mất đi cơ hội đến trường cùng sự hồn nhiên trong trẻo...
Do đó, phải quyết tâm dẹp nạn "chăn dắt", trị thói giả dối, lười biếng lao động, sống dựa vào lòng nhân của người đời. Cơ quan chức năng phải vào cuộc điều tra, khởi tố và đưa ra xét xử với các mức án nghiêm khắc mới có tính răn đe. Mặt khác, những người có tấm lòng nhân ái nên đặt tình thương đúng chỗ, làm từ thiện đúng địa chỉ để kẻ xấu không thể lợi dụng làm điều phạm pháp.
Phải làm được như thế mới đem lại kết quả và những TP vắng bóng kẻ ăn xin mới là văn minh, đáng sống.
Bình luận (0)