Như luật bất thành văn, khi doanh nghiệp được cấp đất sát bãi biển làm du lịch thì y rằng họ xem vùng bãi cát và biển sát đó là của mình. Nếu không phải khách của chính doanh nghiệp đó thì khó được bước vào và bảo vệ sẵn sàng hành hung nếu ai vi phạm. Cách đây chưa lâu, một chủ resort ở Khu Du lịch Mũi Né (tỉnh Bình Thuận) vác dao băm nát lưới bóng chuyền của du khách nước ngoài chỉ vì họ đánh bóng chuyền ngoài bãi biển. Bà chủ ngang ngạnh cho rằng đây là bãi biển của bà nên cấm du khách nơi khác đến vui chơi. Từ vụ việc này, cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận cảnh cáo, buộc chủ resort phải xin lỗi du khách và khẳng định không gian bãi biển là nơi công cộng, mọi du khách có quyền hưởng thụ.
Vụ việc căng thẳng hơn, người dân ở biển Nam Ô (TP Đà Nẵng) xung đột gay gắt với chủ doanh nghiệp du lịch khi được cấp đất kinh doanh ở vùng biển này. Doanh nghiệp này cho rào toàn bộ đường xuống biển, vốn là bến tàu đánh cá của người dân địa phương từ bao đời qua. Vụ việc cũng đến tai chính quyền địa phương và cơ quan chức năng TP Đà Nẵng yêu cầu doanh nghiệp mở lối xuống biển cho người dân. "Bài học" từ vụ xung đột tương tự như trên đã từng xảy ra với quy mô và tính chất lớn hơn cũng ở chính TP Đà Nẵng. Lúc đó, chính quyền địa phương cấp đất cho hàng chục dự án resort ven biển từ Đà Nẵng đến Hội An. Ngay lập tức họ cho rào kín đường xuống biển. Người dân khiếu nại nhiều năm, chính quyền địa phương mới yêu cầu các doanh nghiệp mở đường để người dân tự do tiếp cận vùng bãi biển.
Vấn đề này đã và đang diễn ra khắp các vùng biển tại nhiều địa phương khác. Để tránh xung đột cần phải phân định rạch ròi các vấn đề: Việc cấp phép các dự án du lịch ven biển có bao gồm quyền sử dụng mặt biển? Quyền cấp phép sử dụng mặt biển là thuộc cơ quan nào và đối tượng nào được cấp? Không thể cứ lập lờ mãi việc cấp phép kinh doanh du lịch để rồi doanh nghiệp tùy tiện xem tài nguyên biển và cảnh quan thiên nhiên là của riêng mình. Việc phát triển du lịch biển ồ ạt, thiếu quy hoạch đang dần chiếm cứ các bãi biển công cộng, thu hẹp quyền lợi của người dân và không công bằng trong việc sử dụng và hưởng thụ tài nguyên thiên nhiên của quốc gia.
Biển là tài nguyên quan trọng của một đất nước. Nó không chỉ có vai trò thiết yếu trong phát triển kinh tế mà còn liên quan đến vấn đề an ninh, quốc phòng. Bởi vậy hệ thống pháp luật của các quốc gia tiếp giáp biển luôn quy định chặt chẽ và rất cẩn trọng đối với việc cấp phép sử dụng mặt biển. Còn ở Việt Nam, vào tháng 2-2021 Chính phủ ban hành Nghị định số 11/2021/NĐ-CP quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển. Nghị định này quy định chặt chẽ đối tượng được giao, mục đích khai thác, việc tuân thủ quy định về an ninh, quốc phòng, nghĩa vụ tuân thủ quy hoạch biển từng vùng, liên vùng và của cả quốc gia... Đã có quy định thì phải thực hiện nghiêm túc. Không thể mãi để doanh nghiệp cứ cắm cái dù, đặt chiếc ghế thì tuyên bố vùng biển thuộc về mình.
Bình luận (0)