VRDF lần thứ nhất năm nay diễn ra vào dịp kỷ niệm tròn 25 năm của một tiến trình tư vấn, tài trợ, đối thoại với các đối tác tài trợ và phát triển kể từ Hội nghị CG đầu tiên vào tháng 12-1993 tại thủ đô Paris của Pháp. Cũng kể từ đó, điều được quan tâm hàng đầu và cũng là "thước đo" để đánh giá về thành công của mỗi hội nghị là "các nhà tài trợ cam kết tài trợ cho Việt Nam bao nhiêu?".
Hội nghị CG năm 1993 ở Paris là hội nghị tư vấn các nhà tài trợ đầu tiên sau khi Mỹ dỡ bỏ bao vây cấm vận chống Việt Nam. Đất nước Việt Nam khi đó mở ra cánh cửa lớn hội nhập với chồng chất khó khăn, thiếu thốn đủ đường, rất cần các nguồn lực hỗ trợ cho sự phát triển và xóa đói giảm nghèo. Mỗi đồng vốn tài trợ cho Việt Nam khi đó đều đáng quý, "một miếng khi đói bằng một gói khi no".
Tổng vốn ODA lũy kế trong suốt hơn 20 năm tiến trình CG, các nhà tài trợ đã cam kết cho Việt Nam đạt 89,5 tỉ USD, trong đó tổng vốn đã ký kết đạt 73,68 tỉ USD, bình quân 3,5 tỉ USD/năm. Thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn vốn phát triển ưu đãi đóng vai trò quan trọng hỗ trợ Việt Nam xóa đói giảm nghèo, hội nhập, thực hiện các cải cách kinh tế vươn lên trở thành quốc gia có thu nhập trung bình.
Vị thế và sức lực của một quốc gia thu nhập trung bình cũng đánh dấu sự thay đổi căn bản mối quan hệ giữa Việt Nam với cộng đồng các nhà tài trợ, từ nhận tài trợ để đáp ứng các cam kết phát triển và cải cách sang đối thoại và đối tác để phát triển. Các quan hệ hợp tác của Việt Nam với các nhà tài trợ được nâng từ hội nghị CG lên tầm đối tác thông qua Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam (VDPF) từ năm 2013. Kể từ đây, con số tài trợ là các cam kết song phương chứ không còn được tổng kết khi kết thúc VDPF. Việt Nam đã chủ yếu dựa vào nội lực để phát triển và thực sự đi lên bằng đôi chân của chính mình từ tiến trình VRDF vừa bắt đầu.
Trở thành quốc gia thu nhập trung bình thay đổi hoàn toàn vị thế và mối quan hệ của nước ta song cũng đưa chúng ta đối mặt với điều mà thế giới từng thấy với không ít bài học, đó là bẫy thu nhập trung bình.
Làm thế nào để thoát bẫy thu nhập trung bình để trở thành nước có thu nhập trung bình cao với mức thu nhập đầu người 10.000 USD vào năm 2035 như mục tiêu được đặt ra? Câu trả lời đã có. Đó là giải quyết được 3 điểm nghẽn chiến lược đang cản trở sự phát triển, gồm: thể chế, cơ sở hạ tầng và chất lượng nguồn nhân lực. Đây cũng là những vấn đề được Chính phủ quyết liệt giải quyết, thể hiện qua các nghị quyết 19 cải thiện môi trường kinh doanh; cắt giảm điều kiện kinh doanh; thúc đẩy năng lực sáng tạo và ứng dụng công nghệ 4.0...
Những điểm nghẽn chiến lược đã được nhận diện và đề ra giải pháp. Tuy nhiên, đó hoàn toàn chưa phải tất cả nếu còn những mối nguy hại khác đã được cảnh báo như "trên nóng dưới lạnh", "trên rải thảm dưới rải đinh"... Những "điểm nghẽn" cùng các mối nguy hại này sẽ níu giữ chúng ta từ nước thu nhập trung bình phát triển thành nước thu nhập trung bình cao.
Bình luận (0)