xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Di cư bất hợp pháp: Máu và nước mắt: Trở về từ nơi chết chóc

Bài và ảnh: HOÀNG PHÚC

Hành trình sang Anh trồng cần sa của một lao động nữ, nạn nhân của đường dây di cư bất hợp pháp, là lời cảnh tỉnh cho những ai bất chấp rủi ro, bán mạng để đổi đời nơi xứ người

Đến giờ, chị T.B.N (SN 1984; ngụ phường Bắc Lý, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) vẫn còn bị ám ảnh khi kể lại những ngày tháng lưu lạc trên hành trình sang Anh vào 10 năm trước với phóng viên Báo Người Lao Động.

Nín thở ở khu rừng "chết chóc"

Là con gái út trong một gia đình nghèo có tới 12 anh chị em ở một vùng quê huyện Bố Trạch, chị N. quyết tâm xuất ngoại với hy vọng đổi đời. Năm 2008, nghe lời mồi chài của người môi giới trong đường dây đưa người sang Anh trái phép, chị bàn với gia đình cầm cố 2 sổ đỏ được 500 triệu đồng để chung chi.

Từ sân bay Nội Bài, chị N. qua Cộng hòa Czech bằng visa du lịch. Ngay sau đó, chị được một người Việt trong đường dây đưa qua Pháp và tìm cách vượt biên sang Anh. Người này nói các đường dây đưa người sang Anh theo 2 hình thức: Loại "VIP" được giấu trên xe tải (tài xế biết có người trên xe) và được chở trực tiếp qua Anh. Loại "cỏ" thì được cho xuống gầm xe (thường không xác định được hành trình của xe nên may mắn thì sang được Anh, còn không thì phải đi lại nhiều lần).

Để có suất "VIP", mỗi người phải chung chi 8.000 bảng Anh, còn suất "cỏ" ít hơn, khoảng 5.000 bảng. Dù biết hiểm nguy khi phải đi theo vé "cỏ" nhưng chị N. buộc phải chọn vì không đủ tiền. Khi đến Pháp, bọn chúng gom tất cả những người đi vé "cỏ" tập trung tại một khu rừng gần với bãi xe hàng ở TP cảng Calais (Pháp) - đầu bên này của đường hầm xuyên eo biển Manche, nối liền Anh với châu Âu.

Khu rừng ấy được ví như "trại tị nạn" bởi ngoài chị N. thì mỗi ngày có hàng trăm lao động từ nhiều quốc gia khác nhau, chủ yếu là người đến từ Việt Nam, Trung Quốc và một số nước châu Phi được bọn mafia đưa về tập kết tại đây và chờ cơ hội để vượt biên.

Những ngày tháng sống ở khu rừng, chị N. nhiều lần chứng kiến bọn mafia dùng ma túy, rồi tìm phụ nữ hãm hiếp. Nếu ai chống cự thì bị bọn chúng đánh đập tàn nhẫn, bỏ đói. Mỗi lần bọn chúng tìm tới, chị N. cùng một số phụ nữ khác phải nhanh chân chạy trốn. Tại khu rừng này có nhiều lao động người Việt, cả nam và nữ, họ tựa vào nhau để vượt qua nỗi sợ hãi.

Gần 1 năm ở đất Pháp, chị N. không nhớ rõ mình đã "nhảy" bao nhiêu chuyến xe container để tìm đường sang Anh. Có những chuyến đi không đúng lộ trình, chị phải lội bộ giữa tuyết lạnh để về lại bãi tập kết. Thậm chí, phải qua đêm ở góc phố, gầm cầu nào đó hay chui vào thùng rác để nằm cho đỡ lạnh.

Di cư bất hợp pháp: Máu và nước mắt: Trở về từ nơi chết chóc - Ảnh 1.

Những ngôi nhà mới ở các vùng quê Quảng Bình mọc lên nhờ tiền tích cóp nhờ sang nước ngoài làm việc của người dân

Sinh con trong tù và bị trục xuất

Cuối năm 2009, sau hàng chục lần chui gầm xe container, chị N. cũng trót lọt qua được đất Anh. "Năm giờ trong gầm xe là thời khắc sợ hãi nhất trong đời. Trời đen tối, không thở nỗi, tôi không ăn uống, tiểu tiện tại chỗ vì không thể cựa quậy. Tôi cứ tưởng mình đã chết rồi, cho đến khi thấy ánh sáng" - chị N kể lại trong sợ hãi.

Khi nhảy xuống xe, vì ở Pháp quá lâu, mất số liên lạc với tay "cò" đưa đường nên chị N. bơ vơ giữa xứ lạ. Chị đi vào rừng và lạc vào một trang trại nuôi đà điểu. Tại đây, chị may mắn gặp được một người đàn ông Việt, cũng thuộc diện lao động bất hợp pháp. Người này đưa chị về nơi ở, cũng là chỗ trồng cần sa, giới thiệu cho chủ trang trại. Sau đó, chị N. cũng được phân cho một căn nhà gần đó để trồng cần sa. Đến mùa thu hoạch, chủ trang trại cho người tới lấy và trả tiền công.

Chị N. cho biết trong thời gian ở đây, 3 lần chị bị cướp tấn công. Sau mỗi lần như thế, chủ trang trại chuyển chị đến một căn nhà khác và bắt đầu trồng lại. "Bị cướp vẫn còn đỡ vì tiếp tục được làm việc, hơn là bị cảnh sát ập vào bắt thì sẽ đi tù ngay" - chị N. chua xót.

Trong quá trình sinh sống, làm việc, chị N. nảy sinh tình cảm với người đàn ông dìu dắt chị khi đặt chân sang Anh. Nhưng cũng thật không may, trong một lần ra ngoài, chị bị cảnh sát Anh phát hiện và bắt giữ. Vào tù, chị mới phát hiện mình có thai được hơn 2 tháng. Khi chưa hết án phạt 1 năm thì chị sinh được 1 bé trai ngay trong trại tù.

Khi cháu bé được 3 tháng tuổi, hai mẹ con bị trục xuất về nước và gánh thêm khoản nợ hơn 150 triệu đồng. Phải hơn 5 năm sau, khi bươn chải đủ nghề, chị mới hoàn trả được số tiền vay mượn của người thân, bạn bè để đi Anh trước đó... 

Khó kiểm soát người đi "chui"

Theo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) huyện Bố Trạch (tỉnh Quảng Bình), toàn huyện có 11.640 người đang làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài. Ngoài khoảng 1.200 lao động xuất ngoại hợp pháp thì cũng rất nhiều người đi trái phép. Bà Lê Thị Thủy, Phó trưởng Phòng LĐ-TB-XH huyện Bố Trạch, nói: "Việc di cư bất hợp pháp gây rất nhiều khó khăn cho công tác quản lý của địa phương, ảnh hưởng đến chương trình hợp tác và những lao động đang có mong muốn đi làm việc ở nước ngoài chính đáng. Đó là chưa nói những người đi "chui" rất dễ bị lạm dụng, bị cưỡng bức, bóc lột lao động, sát hại do không có tổ chức nào quản lý, bảo vệ".

Ông Phạm Thành Đồng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Quảng Bình, thừa nhận không thể nắm được số lượng lao động ra nước ngoài bất hợp pháp, nhất là ở Anh, Úc, Pháp. "Từ vụ việc 39 người thiệt mạng ở Anh, chúng tôi kêu gọi người dân địa phương không nên đi làm việc bất hợp pháp ở nước ngoài, nhất là các nước châu Âu, vì rủi ro cao" - ông Đồng khuyến cáo.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo