Gần 50 tiểu thương tại chợ Pơng Drang, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk vừa gửi đơn tới cơ quan quan chức năng "kêu cứu" về việc không được bồi thường kinh phí xây dựng chợ cũ và khi di dời qua chợ mới thì không thể kinh doanh buôn bán vì không có người mua.
Chợ Pơng Drang cũ nhếch nhác, xuống cấp
Theo tìm hiểu của phóng viên, năm 2017, UBND tỉnh Đắk Lắk đã quyết định chủ trương đầu tư xây dựng chợ xã Pơng Drang cho Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và kinh doanh chợ HTC.
Chợ xã Pơng Drang mới nằm trên diện tích gần 1 ha với tổng kinh phí hơn 37 tỉ đồng, quy mô 312 quầy sạp.
Sau khi chợ được xây dựng xong vào tháng 9-2021, UBND huyện Krông Búk đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu các tiểu thương tại chợ Pơng Drang cũ vào chợ mới để buôn bán. Điều đáng nói, chính quyền địa phương đã "quên" bồi thường, hỗ trợ trong khi tiểu thương phải bỏ tiền mua quầy sạp tại chợ mới.
Chưa được đền bù, tiểu thương quay về chợ tạm lụp xụp buôn bán
Theo đơn "cầu cứu" của các tiểu thương, thực hiện chủ trương của nhà nước, phần lớn tiểu thương đã mua quầy sạp và di dời qua chợ mới. Tuy nhiên, do chưa được bồi thường tại chợ cũ và chính quyền không đóng cửa chợ cũ nên người dân không vào chợ mới mua mà quay lại chợ cũ. Sau 1 năm cầm cự, đến nay phần lớn tiểu thương đã bỏ chợ mới quay về chợ cũ buôn bán.
Bà N.T.N. cho biết trước đây các tiểu thương đã bỏ ra số tiền lớn để mua quầy sạp từ chính quyền xã, có giấy tờ đầy đủ nhưng giờ giải tỏa lại không được đền bù, hỗ trợ theo quy định.
Hầu hết tiểu thương đều mong muốn về chợ mới để buôn bán cho sạch sẽ, an toàn nhưng phải có chính sách đền bù thỏa đáng và đóng chợ tạm.
Chợ Pơng Drang được đầu tư xây dựng khang trang đang trong tình trạng đóng cửa
Một tiểu thương khác cho biết khi có chủ trương di dời chợ, tiểu thương đã chấp hành đi vay mượn, cầm cố tài sản thuê điểm kinh doanh, mua sắm vật dụng để buôn bán tại chợ Pơng Drang mới.
"Chúng tôi thực hiện đúng chủ trương của nhà nước nhưng không thể kinh doanh, buôn bán được, dẫn đến thua lỗ, rơi vào cảnh nợ nần. Hàng hóa không bán được nên bị hư hỏng, hết hạn sử dụng" - một tiểu thương bức xúc.
Tiểu thương bỏ chợ mới quay về chợ cũ
Trao đổi về vấn đề này, một lãnh đạo UBND huyện Krông Búk cho biết trước đây chính quyền xã thu tiền và cấp hợp đồng mua bán sạp cho tiểu thương. Do không còn phù hợp với quy hoạch, UBND tỉnh Đắk Lắk quyết định đóng chợ tạm để quy hoạch thành công viên, cây xanh.
UBND huyện đang xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ vật kiến trúc trên đất. Theo UBND huyện, những vật kiến trúc xây dựng trên diện tích đất mà có thu tiền thì bồi thường, còn những phần cơi nới không quản lý được thì huyện xin đề nghị hỗ trợ cho tiểu thương.
"Tiểu thương cũng đồng tình ủng hộ chủ trương di dời chợ" - lãnh đạo này nói và thừa nhận có sự chậm trễ trong việc thực hiện bồi thường, hỗ trợ tiểu thương.
Một tiểu thương kiên trì bám trụ tại chợ mới
Không chỉ tiểu thương, đại diện Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và kinh doanh chợ HTC cho biết doanh nghiệp đang rơi vào cảnh khó khăn khi chợ đưa vào hoạt động hơn 1 năm nhưng hiện chỉ được ít người vào buôn bán.
"Chợ có 312 quầy sạp nhưng đến nay chỉ có khoảng 90 quầy sạp được đặt cọc thuê, doanh nghiệp đang phải gồng mình đóng lãi mẹ, lãi con" - vị này băn khoăn.
Bình luận (0)