Chiều 3-9, lực lượng chức năng tỉnh Bình Thuận đã tìm thấy thi thể của anh Phạm Thành Nam (SN 1998; ngụ huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương). Trước đó, tối 1-9, lực lượng cứu hộ đã vớt thi thể chị Đoàn Trần Vi Linh (SN 1994; ngụ huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai). Cả 2 đều bị đuối nước trong chuyến phượt leo núi đến Hồ Tiên (xã Huy Khiêm, huyện Tánh Linh) của một nhóm bạn trẻ.
Ông Nguyễn Văn Tuyến, Phó Ban Quản lý rừng phòng hộ La Ngà (huyện Tánh Linh), cho biết vị trí các bạn trẻ bị nạn nằm sâu trong rừng phòng hộ. Nơi đây rất hiểm trở, từ đường lớn phải mất 4-5 giờ đi bộ, qua hơn 10 lần vượt sông, suối mới đến. Đối với những người đi rừng còn cảm thấy vất vả, dù có kinh nghiệm, kỹ năng và dụng cụ đặc dụng. Còn anh Nguyễn Tân (ở TP HCM), người đã vài lần cùng bạn bè đến khu vực Hồ Tiên, chia sẻ vào mùa mưa, cung đường này trơn trượt khó đi. Do đặc thù đường đi phải qua nhiều sông, suối và đá trơn, không có kinh nghiệm rất dễ trượt chân. Theo anh Tân, nếu gặp thời tiết tốt, có lẽ đã không xảy ra tai nạn đau lòng này. Trước đó, tháng 5-2018, sau hơn một tuần tìm kiếm trên cung đường phượt leo núi Tà Năng - Phan Dũng, dài hơn 50 km, thuộc địa phận 3 tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận, lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể của một phượt thủ gặp nạn tại một thác nước dưới vực sâu. Còn tháng 4 vừa qua, một thanh niên cũng tử nạn trên cung đường này.
Hồ Tiên (huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận), nơi thu hút nhiều bạn trẻ đến khám phá. Ảnh: NGUYỄN TÂN
Những tai nạn đau lòng luôn rình rập trên những cung đường phượt, với những chuyến đi bộ đường dài tới những vùng đồi núi hoang sơ, hiểm trở mà hiện thu hút khá nhiều bạn trẻ tham gia. Anh Đào Hà (ngụ tỉnh Phú Thọ), hiện quản lý một dịch vụ chuyên mở và dẫn tour, chia sẻ việc leo núi mang đến cảm giác vượt qua được thử thách, chiến thắng được bản thân. Các cung đường càng hiểm trở càng được ưa chuộng. Tuy nhiên đi kèm với đó là những tai nạn khó lường. Vì vậy, để leo núi an toàn, người tham gia phải có kỹ năng, thể lực và tinh thần kỷ luật. Mỗi chuyến đi nên nhờ các hướng dẫn viên chuyên nghiệp dẫn đường. Nếu đi tự túc theo nhóm phải có ít nhất 1 người hiểu về cung đường đó, để cảnh báo những nguy hiểm trên đường đi.
Anh Mull K Vang (ngụ tỉnh Lâm Đồng), hướng dẫn viên dẫn đường các cung leo núi hiểm trở ở Lâm Đồng, cho rằng hiện có nhiều bạn phụ thuộc vào các phương tiện công nghệ để tìm đường đi. Tuy nhiên, đối với những cung đường rừng núi hiểm trở, chỉ dẫn của công nghệ lại khác xa với thực tế. Thêm vào đó, rừng núi luôn ẩn chứa những mối nguy hiểm, chỉ cần sơ suất là có thể xảy ra tai nạn như: trượt chân xuống thác, bị các loài bò sát có độc tố tấn công hay lạc trong rừng...
Đam mê, thử thách nhưng nhớ trở về, đừng bỏ mạng vì sơ sẩy.
Bình luận (0)