Cụm tháp Bánh Ít (xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) trở thành đề tài nóng trong dư luận những ngày qua. Người dân và giới chuyên môn cho rằng trong quá trình tu bổ, tôn tạo, các đơn vị thi công đã đưa phương tiện cơ giới đến cày xới, đào múc, có dấu hiệu xâm hại vùng bảo vệ nghiêm ngặt của di tích quốc gia này.
Đơn vị thi công đưa máy đến đào múc đất tại cụm di tích tháp Bánh Ít trong quá trình tu bổ, tôn tạo
Du khách không cần ngắm hoa hòe, cây cỏ!
Cụm di tích tháp Bánh Ít được xây dựng vào cuối thế kỷ XI, đầu thế kỷ XII. Đây là quần thể kiến trúc độc đáo với dáng vẻ đa dạng, trang trí đẹp, có giá trị nghệ thuật cao, được xếp hạng Di tích cấp quốc gia vào năm 1982. Cụm tháp Chăm ngàn năm tuổi này đã được đưa vào tập sách "1.001 công trình kiến trúc phải đến trong cuộc đời" của nhóm tác giả người Anh. Mỗi năm, tháp Bánh Ít thu hút hàng ngàn du khách trong và ngoài nước đến tham quan, du lịch.
Trước thực trạng di tích tháp Bánh Ít xuống cấp, tháng 9-2021, UBND tỉnh Bình Định có chủ trương tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị. Dự án tu bổ, tôn tạo do Sở Văn hóa - Thể thao (VH-TT) tỉnh Bình Định làm chủ đầu tư, với tổng vốn 25,6 tỉ đồng.
Ngày 27-10-2021, Bộ VH-TT và Du lịch có văn bản thỏa thuận dự án tu bổ, tôn tạo di tích tháp Bánh Ít. Đến tháng 12-2021, dự án được chính thức khởi công cho đến nay.
Đầu tháng 3-2022, các nhà thầu đã đưa máy múc vào vùng bảo vệ nghiêm ngặt của tháp Bánh Ít để thi công, dùng gạch không nung rồi quét màu để xây bồn hoa xung quanh di tích. Nhiều khu vực bị đào bới san gạt mà không có chuyên gia văn hóa giám sát. Không chỉ vậy, đơn vị thi công còn đào hố móng, đổ bê-tông xây dựng công trình bên trong khu di tích... Vụ việc đã khiến nhiều chuyên gia và người dân bức xúc.
TS Đinh Bá Hòa, nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bình Định, cho rằng việc đưa máy đào vào bên trong di tích tháp Bánh Ít để đào múc đất cạnh các tháp là sai. Theo quy định của Luật Di sản, đó là khu vực bất khả xâm phạm, chỉ được làm thủ công. "Du khách tới đây là để ngắm tháp cổ, ngắm không gian tự nhiên từ xa xưa ông bà để lại, chứ không phải để ngắm hoa hòe trồng dưới chân tháp hay ngắm cảnh quan thay đổi, trồng cỏ này kia" - ông Hòa thẳng thắn.
Nhận thấy tháp Bánh Ít có dấu hiệu bị xâm phạm, Cục Di sản văn hóa đã gửi văn bản đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Bình Định kiểm tra thực tế, chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương có giải pháp bảo vệ cụm di tích này. Ngoài ra, Sở VH-TT tỉnh Bình Định căn cứ nội dung dự án được thẩm định và văn bản thỏa thuận, rà soát các biện pháp thi công, bảo đảm không ảnh hưởng đến di tích gốc và cảnh quan, môi trường - sinh thái của di tích.
UBND tỉnh Bình Định ngay sau đó cũng đã cho tạm dừng thi công các hạng mục đang còn có nhiều ý kiến khác nhau tại cụm di tích tháp Bánh Ít; đồng thời yêu cầu 2 đoàn công tác của Sở Xây dựng và Sở VH-TT đến hiện trường kiểm tra, làm rõ để xử lý theo quy định.
Tuy nhiên, mới đây, ngày 17-3, tại tháp Bia của cụm tháp Bánh Ít vẫn còn công nhân đào bới, thi công và đổ hàng móng bê-tông khu vực gần chân tháp này. Chân tháp Cổng được trồng cỏ, tưới nước rất nhiều. Hàng gạch sơn giả bao quanh chân tháp Chính, tháp Hỏa vẫn còn dang dở, chưa được tháo bỏ…
Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Định Trần Viết Bảo cho biết lãnh đạo UBND tỉnh và các cơ quan chức năng thống nhất phải tháo dỡ hàng gạch sơn giả bao quanh chân tháp Chính, tháp Hỏa vì có nguy cơ làm ảnh hưởng tuổi thọ gạch dưới chân tháp. Tuy nhiên, chủ đầu tư là Sở VH-TT tỉnh Bình Định cho rằng trước đó đã lấy ý kiến Cục Di sản văn hóa về hạng mục này, giờ muốn tháo dỡ hay làm gì tiếp theo cần phải chờ đại diện cục thẩm định, lên tiếng.
Đơn vị thi công dùng gạch không nung rồi quét màu để xây bồn hoa xung quanh di tích trong thời gian tiến hành tu bổ, tôn tạo
Bàn biện pháp thực hiện phù hợp
Đại diện chủ đầu tư vẫn khẳng định việc triển khai thi công dự án được thực hiện đầy đủ theo quy định pháp luật, đúng theo hồ sơ thiết kế, không xâm hại di tích.
Trong khi dư luận đang bức xúc về việc tháp Bánh Ít có dấu hiệu bị xâm hại trong quá trình trùng tu thì ngày 11-3, liên Sở VH-TT - Sở Xây dựng tỉnh Bình Định phát đi thông cáo báo chí khẳng định việc triển khai thi công được thực hiện đầy đủ theo quy định của pháp luật; đúng theo hồ sơ thiết kế được Cục Di sản văn hóa thỏa thuận; không có đào xới, xâm hại di tích.
"Khi triển khai thi công vị trí mái ta-luy tháp Cổng, nhà thầu đã dùng máy đào đặt trên bệ cao với cần để múc các bụi rậm hai bên tháp. Sau khi phát dọn cây cỏ, bụi rậm chung quanh chân tháp Cổng để chuẩn bị mặt bằng, xếp đá ong, trồng hoa theo thiết kế thì lộ ra một số hố rỗng ở chân tháp (có thể do nhiều lần tu bổ trước đây đầm len không kỹ nên qua thời gian sụt đất, lộ chân tháp). Do đó, đơn vị thi công đã lấp đất mới để tạo mặt bằng lát đá ong, không xâm hại di tích" - thông cáo nêu.
Theo ông Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, sau khi báo chí phản ánh, lãnh đạo tỉnh đã tiếp thu ý kiến và cho dừng thi công các hạng mục liên quan trực tiếp đến việc bảo tồn di tích tháp Bánh Ít. UBND tỉnh cũng giao Sở VH-TT mời Cục Di sản văn hóa vào để bàn biện pháp tổ chức triển khai thực hiện dự án cho phù hợp.
Đến ngày 25-3, Sở VH-TT tỉnh Bình Định đã gửi văn bản báo cáo Bộ VH-TT và Du lịch về dự án tôn tạo, tu bổ và phát huy di tích tháp Bánh Ít. Sở đề xuất mời Cục Di sản văn hóa cử đơn vị chuyên môn vào tỉnh Bình Định kiểm tra, góp ý kiến để tiếp tục thi công tôn tạo cụm tháp ngàn năm tuổi này.
Cục Di sản văn hóa sẽ sớm vào Bình Định kiểm tra lại việc thi công, cùng các chuyên gia đầu ngành cho ý kiến để điều chỉnh một số hạng mục ở khu vực bảo vệ vòng 1 tháp Bánh Ít (cụm 4 tháp: Cổng, Chính, Hỏa, Bia).
Thu hồi văn bản "lạ"
Ngày 18-3, Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Bình Định Tạ Xuân Chánh ký văn bản yêu cầu Giám đốc Bảo tàng tỉnh khẩn trương kiểm tra, làm rõ việc cán bộ, viên chức tại đơn vị cung cấp thông tin, hình ảnh, video cho báo chí về việc xây dựng, tu bổ và tôn tạo các hạng mục tại di tích tháp Bánh Ít; yêu cầu xử lý trường hợp cung cấp thông tin không đúng quy định và báo cáo kết quả thực hiện trước ngày 21-3.
Thế nhưng, đến chiều 21-3, ông Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, đã chỉ đạo giám đốc Sở VH-TT thu hồi văn bản "lạ" nêu trên.
(Còn tiếp)
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 28-3
Bình luận (0)