Cuối cùng thì cơ quan chức năng của TP Hà Nội và Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL)cũng đã vào cuộc nhưng những gì đã xảy ra tại công trình tu bổ di tích đền Chèm mà công luận lên tiếng sẽ không thể hoặc khó phục hồi nguyên trạng.
Tự ý hạ cây đa cổ xưa trong đình
Đình Chèm là một trong những ngôi đình cổ nhất Việt Nam có niên đại cách đây hơn 2.000 năm. Đình thờ đức Thánh làng Chèm, tức Lý Thân (còn gọi là Lý Ông Trọng hay Đức Thánh Chèm) được xây dựng theo lối kiến trúc "nội công ngoại quốc", là công trình kiến trúc có nghệ thuật chạm khắc độc đáo. Với những giá trị tổng hợp về kiến trúc và lễ hội, ngày 25-6-2018, đình Chèm được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt. Lễ hội đình Chèm được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào ngày 17-6-2016.
Hiện trạng cây đa ở đình Chèm được cho là hơn 2.000 năm tuổi đã bị chặt hạ, còn trơ gốc .Ảnh: HÀ TRẦN
Việc Ban Khánh tiết đình Chèm tự ý chặt hạ cây đa trước cửa nghi môn của đình Chèm vào ngày 18-3 khiến dư luận ngỡ ngàng; rất nhiều người bày tỏ bức xúc, phản đối gay gắt; bởi không chỉ vì mất đi cổ thụ được người dân cho là hơn 2.000 tuổi trước cổng đình mà còn ảnh hướng lớn tới cảnh quan di tích.
Hiện việc tu sửa tại đình Chèm cũng được giới chuyên môn nói "có vấn đề": di chuyển cổng phụ làm sai quy định, do không có trong hồ sơ báo cáo các cấp phê duyệt năm 2020; tu sửa bậc thềm cũng không đúng quy định, làm ảnh hưởng giá trị gốc của di tích.
Bộ VH-TT-DL ngày 31-3 cho biết Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương vừa ký công văn gửi UBND TP Hà Nội đề nghị chỉ đạo Sở VH-TT TP Hà Nội khẩn trương báo cáo về việc thực hiện tu sửa cấp thiết di tích đình Chèm (phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm) đồng thời đề xuất phương án xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ, phát huy giá trị di tích theo đúng quy định pháp luật về di sản văn hóa.
Chính quyền xã "dắt mối"
Thật khó tin khi chính quyền xã "dắt mối" cho chủ đầu tư vào đất cấm của di tích cấp quốc gia xây chùa, vi phạm nghiêm trọng Luật Di sản.
Nhiều công trình tại TP Vinh, nằm trong hành lang bảo vệ của di tích kênh nhà Lê.Ảnh: ĐỨC NGỌC
Chuyện này xảy ra tại đền Hữu (làng Xuân Bảng, xã Thanh Yên, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An). Đền này được xây dựng vào thời Lê Trung Hưng, thờ Thái phó Tấn quốc công Nguyễn Cảnh Hoan (1521 - 1576) và hợp tự các vị sơn thần của làng; được Bộ VT-TT-DL xếp hạng Di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.
Từ tháng 8-2019, chùa Linh Sâm được khởi công xây dựng cạnh đền Hữu, với kinh phí ước tính khoảng 34 tỉ đồng. Sau khi chùa Linh Sâm xây xong, người dân xã Thanh Yên gửi đơn khiếu nại cho rằng chùa xây dựng vào khu vực bảo vệ đền Hữu.
Lòng kênh nhà Lê đoạn từ huyện Nghi Lộc qua TP Vinh bị thu hẹp do người dân lấn chiếm. Ảnh: ĐỨC NGỌC
Qua kiểm tra, Sở VH-TT tỉnh Nghệ An kết luận chủ đầu tư chùa Linh Sâm xây dựng trái phép, lấn chiếm diện tích khuôn viên được khoanh vùng bảo vệ của đền Hữu 5.700 m², bao gồm 6 hạng mục: tam quan, tam bảo, nhà tổ, tả - hữu vu, điện mẫu và nghi môn. Bộ VH-TT-DL cũng xác định vị trí xây dựng chùa Linh Sâm thuộc khu vực khoanh vùng bảo vệ II của di tích đền Hữu.
Liên quan đến sự việc chùa Linh Sâm xây dựng trái phép, xâm hại đến di tích đền Hữu, UBND huyện Thanh Chương đã họp hội đồng kỷ luật các cán bộ xã liên quan. Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương, giải thích việc giới thiệu địa điểm để xây chùa là do chính quyền xã Thanh Yên quyết định, khi xây rồi mới biết chồng lấn lên phần khoanh vùng bảo vệ của khu di tích.
Cũng may là lãnh đạo huyện đã xuống kiểm tra và yêu cầu xã Thanh Chương phải đình chỉ công trình. UBND tỉnh Nghệ An sau đó đã xử phạt hành chính đối với cơ sở tôn giáo chùa Linh Sâm 110 triệu đồng, yêu cầu cơ sở tôn giáo chùa Linh Sâm phải trả lại đất đã lấn chiếm của đền Hữu, khôi phục tình trạng ban đầu.
Sự việc xảy ra cách đây vài năm và chưa để lại hậu quả nghiêm trọng nhưng là bài học cho các địa phương và cơ quan quản lý chức năng trong việc giám sát, quản lý di sản.
(Còn tiếp)
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 28-3
Kênh nhà Lê "nghẹt thở"
Kênh nhà Lê - di tích lịch sử cấp quốc gia dài gần 30 km từ huyện Nghi Lộc vào TP Vinh, tỉnh Nghệ An - đang bị xâm hại nghiêm trọng. Dòng kênh bị thu hẹp do bị lấn chiếm, nhiều đoạn trở thành nơi chứa rác, nước thải.
Kênh nhà Lê được đào từ thời Tiền Lê và được các triều đại về sau đào đắp liên tục, tạo nên tuyến đường thủy liên hoàn từ tỉnh Ninh Bình vào Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh. Đoạn kênh nhà Lê tại Nghệ An dài 128 km, xuyên suốt qua thị xã Hoàng Mai; các huyện: Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, Hưng Nguyên và TP Vinh. Trong kháng chiến chống Mỹ, con kênh này là tuyến vận tải đường thủy huyết mạch trên đất liền, góp phần chi viện kịp thời cho chiến trường.
Ngày 7-7-2016, Bộ VH-TT-DL đã ký quyết định xếp hạng di tích cấp quốc gia kênh nhà Lê đoạn từ huyện Nghi Lộc đến TP Vinh (dài khoảng 28 km).
Có mặt tại khu vực kênh nhà Lê đoạn từ sông Cấm chảy qua xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc, chúng tôi chứng kiến dòng kênh nhiều đoạn bị công trình nhà dân lấn chiếm, rác thải tràn xuống kênh; nhiều đoạn kênh trước đây vốn rộng 20-25 m nay bị thu hẹp chỉ còn 5-7 m. "Tuyến kênh nhà Lê chảy qua địa bàn xã dài khoảng 4 km, hiện nhiều đoạn bị lấn chiếm, bồi lấp, trở thành nơi chứa nước thải" - ông Đậu Xuân Luận, Chủ tịch UBND xã Nghi Yên, thừa nhận.
Tại các xã Nghi Phương, Nghi Diên, Nghi Vạn..., theo quan sát của chúng tôi, nhiều đoạn kênh nhà Lê đang trong tình trạng bị "bức tử" mỗi ngày. Ông Nguyễn Bá Điệp, Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc, cho biết nguyên nhân: "Di tích được công nhận nhưng chưa được cắm mốc, khoanh vùng nên không có hành lang rõ ràng để bảo vệ. Ngoài ra, việc xử lý các vi phạm cũng khó vì không có căn cứ rõ ràng".
Tại đoạn chảy qua huyện Hưng Nguyên, TP Vinh, kênh nhà Lê cũng bị nhiều công trình như trạm trộn bê-tông, nhà dân xây mới, bãi cát lấn chiếm. Đặc biệt là đoạn qua phường Vinh Tân, TP Vinh; nhiều công trình lớn, quy mô đã được cấp phép ngay trong hành lang bờ kênh. Hậu quả là lòng kênh ngày càng bị thu hẹp, nhiều chỗ trở thành nơi chứa rác, nước thải. Theo ông Vũ Hồng Đức, Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT và Truyền thông TP Vinh, để bảo tồn di tích kênh nhà Lê, cần sớm có kế hoạch khoanh vùng, bảo vệ di tích.
Ông Bùi Công Vinh, Phó Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Nghệ An, thừa nhận thực trạng di tích kênh nhà Lê bị lấn chiếm; tuy nhiên, ông cho rằng theo phân cấp, trách nhiệm quản lý di tích trước hết là do chính quyền các địa phương có kênh đi qua. "Thời gian tới, sở sẽ phối hợp chặt chẽ với các huyện có di tích đi qua và TP Vinh tiến hành cắm mốc, khoanh vùng để có thể bảo vệ di tích một cách tốt nhất" - ông Vinh khẳng định.
Bình luận (0)