Gần đây, báo chí lại lên tiếng về việc bảo tồn, trùng tu di tích lịch sử - văn hóa ở một số địa phương. Giới quản lý di sản văn hóa và các nhà chuyên môn lại đứng trước những câu hỏi mà dư luận đặt ra rất nhiều lần: Tại sao khi tiến hành trùng tu, bảo tồn thì một số di tích lại bị làm mới, bị biến dạng, cảnh quan không còn vẻ đẹp tự nhiên phù hợp với di tích cổ?
Đầu tiên là từ nhận thức
Thực ra, từ nhiều năm nay, chuyện này vẫn thường xảy ra ở mức độ này khác nhưng hình như mỗi năm lại phổ biến hơn. Có thể nhận thấy nguyên nhân đầu tiên của tình trạng này là nhận thức về "giá trị di sản" và "bảo tồn di sản".
Di sản văn hóa (vật thể và phi vật thể) đều được coi là "ký ức tập thể" vì đây là "chứng tích" của lịch sử hình thành, phát triển của một cộng đồng. Di sản văn hóa không chỉ là công trình kiến trúc nghệ thuật đồ sộ hay cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, mà còn là những "nơi chốn" cụ thể, thân thuộc gắn bó với cộng đồng nói chung và từng con người; vì vậy, là dấu hiệu nhận biết sự đa dạng văn hóa của các cộng đồng, các quốc gia trên thế giới.
Di sản có sự biến đổi qua thời gian vì cộng đồng dân cư là chủ thể của di sản đã duy trì và góp phần biến đổi để di sản phù hợp hơn với môi trường tự nhiên và môi trường văn hóa. Nhưng sự biến đổi này chỉ được coi là phù hợp khi nó làm tăng thêm giá trị văn hóa mà không làm tổn hại những giá trị truyền thống vốn có của di sản.
Tích lũy qua thời gian, giá trị nhiều mặt của các công trình di sản là khách quan nhưng đánh giá giá trị để từ đó ứng xử với di sản thế nào thì hoàn toàn chủ quan. Tính nhân văn của xã hội loài người thể hiện ở việc luôn có xu hướng tìm hiểu quá khứ và quý trọng quá khứ. Các di tích khảo cổ học nằm sâu dưới lòng đất được khai quật và nghiên cứu, nâng niu trưng bày trong bảo tàng dù chỉ còn "những mảnh vỡ"; các công trình vĩ đại của những nền văn minh cổ xưa nay chỉ là phế tích đổ nát vẫn được bảo tồn và trùng tu... bởi vì tất cả chứng tích ấy mang lại sự "hồi tưởng lịch sử" mạnh mẽ, bù đắp cho sự "thiếu hụt" của tính toàn vẹn hay tính mỹ thuật. Giá trị lịch sử là yếu tố quan trọng nhất đòi hỏi các thế hệ sau phải tôn trọng và bảo vệ di sản văn hóa.
Nguy cơ di sản bị biến dạng và phá hủy
Ở nước ta, do nhiều nguyên nhân như hoàn cảnh lịch sử chiến tranh và "đấu tranh giai cấp" lâu dài, định kiến phân biệt sắc tộc và văn hóa vùng miền, nhận thức và trình độ quản lý xã hội, sự hiểu biết không đầy đủ về các loại hình và giá trị di sản các thời kỳ lịch sử khác nhau, việc xây dựng quy hoạch phát triển địa phương chưa mang tầm chiến lược... đã làm cho di sản văn hóa vật thể và phi vật thể luôn đứng trước nguy cơ bị biến dạng và phá hủy. Sự hiểu biết lệch lạc nhưng khá phổ biến: "hiện đại hóa" là phải có những công trình xây dựng mới, hoành tráng, sao chép, "nhân bản vô tính" công trình và cảnh quan một số nơi nổi tiếng... tác động đến việc nhiều di tích được trùng tu kiểu "làm mới", việc chỉnh trang cảnh quan di tích, không gian công cộng làm mất đi tính riêng biệt, độc đáo.
Nhiều di tích đang bị xâm hại nghiêm trọng trong thời gian gần đây, gây bức xúc công luận, bất bình trong nhân dân và giới chuyên môn
Mặt khác, sử dụng nguồn kinh phí để thực hiện các dự án trùng tu, bảo tồn như thế nào cho hợp lý, bảo đảm tính khoa học mà không lãng phí, dù nguồn kinh phí đó từ ngân sách hay từ "xã hội hóa" cũng đang là vấn đề. Nhiều nơi có hiện tượng dùng nguồn kinh phí "xã hội hóa" cho việc trùng tu, bảo tồn di tích hoặc chỉnh trang không gian văn hóa công cộng (cũng là một loại hình di sản) được tiêu xài "cho hết" nhưng không mang lại kết quả tốt, thậm chí tạo ra sự phản cảm về văn hóa và tâm lý đối với cộng đồng.
Tầm nhìn, nhận thức và trách nhiệm của cơ quan quản lý và bảo tồn di sản văn hóa; công tác quản lý của chính quyền địa phương; sự phối hợp liên kết giữa các cơ quan quản lý có liên quan (văn hóa, tài nguyên - môi trường, quy hoạch, xây dựng, luật pháp, chính sách...) là điều kiện đầu tiên để các dự án bảo tồn di sản được thực hiện nghiêm túc, khoa học. Cần bắt đầu từ các đề tài nghiên cứu khoa học cơ bản như khảo sát hệ thống di tích, khảo sát thực trạng di tích, khai quật nghiên cứu di tích khảo cổ học, khai quật, trùng tu và "bảo tàng hóa" những di chỉ, di tích quan trọng... Từ đó mới có thể hạn chế tình trạng phá hủy di tích bừa bãi bằng cách xây mới hay "hiện đại hóa" cảnh quan di tích cổ xưa; hoặc phải "khai quật chữa cháy" để cứu vãn di tích khảo cổ.
Chủ trương và quá trình thực hiện những dự án "Quy hoạch bảo tồn di sản văn hóa" ở từng địa phương, ngoài mục đích bảo vệ di sản văn hóa còn góp phần vào mục tiêu thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiểu biết của cộng đồng về ý nghĩa về lịch sử - văn hóa của địa phương.
Ứng xử với di sản là đụng chạm vào sự nhạy cảm của ký ức truyền thống của cộng đồng. Mỗi thời đại đều có cách thích ứng của mình với quá khứ nên việc ứng xử với di sản văn hóa thể hiện thái độ của thế hệ sau đối với lịch sử và văn hóa. Đồng thời và quan trọng hơn, là thể hiện trình độ văn minh trong quản lý xã hội nói chung và di sản văn hóa nói riêng.
Di sản văn hóa cần được coi là "vốn xã hội"
Từ góc độ khoa học và thực tiễn, để có thể hạn chế và tiến tới chấm dứt những ứng xử và hành vi sai lầm, thậm chí là tội ác đối với di sản văn hóa, cần thực hiện một số nguyên tắc khi trùng tu, bảo tồn các di tích lịch sử văn hóa, chỉnh trang những không gian công cộng mang tính lịch sử của địa phương.
Trước hết, cần xác định việc bảo tồn di sản hay chỉnh trang không gian lịch sử - không gian công cộng đều góp phần vào mục tiêu quan trọng nhất của chính quyền các cấp, các địa phương là an dân, an sinh và an cư, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân đặc biệt là đời sống tinh thần. Do đó phải bảo đảm các nguyên tắc: công ích - công khai - công cộng.
- Công ích: Là việc làm công ích từ nguồn ngân sách nhà nước hoặc đóng góp của các doanh nghiệp, của cộng đồng để bảo tồn di sản văn hóa, hướng đến xây dựng không gian văn hóa đa dạng phục vụ cộng đồng, điều tiết lợi ích và sự hưởng thụ văn hóa của mọi tầng lớp dân cư.
- Công khai: Minh bạch về quy hoạch tổng thể, kế hoạch thực hiện, nguồn kinh phí, tham góp của các nhà khoa học, chuyên gia tư vấn... Nguyên tắc này hướng đến sự giám sát của cộng đồng và các cơ quan liên quan, giảm thiểu lãng phí nhân lực, vật lực dù từ nguồn nào, tránh những sai lầm về khoa học.
- Công cộng: bảo đảm chức năng sinh hoạt văn hóa và gắn kết cộng đồng. Tôn trọng và bảo vệ các yếu tố lịch sử - truyền thống. Hướng đến bảo đảm quyền lợi và trách nhiệm và nghĩa vụ của cộng đồng với di sản văn hóa.
Bảo tồn di sản văn hóa gắn liền với việc nâng cao đời sống tinh thần của cộng đồng thông qua việc nâng cao kiến thức và sự hiểu biết cho người dân, phát huy giá trị di sản gắn liền với kinh tế di sản, đưa cộng đồng tham gia và trực tiếp được hưởng lợi từ việc bảo tồn di sản. Bởi vì di sản văn hóa cần được coi là một loại "vốn xã hội", có giá trị văn hóa - tinh thần đồng thời cũng có giá trị kinh tế - vật chất.
Giá trị kinh tế của di sản văn hóa cần nhìn nhận trong một phạm vi rộng, tầm vĩ mô chứ không chỉ là nguồn lợi của một nhóm lợi ích hay một địa phương. "Diện mạo" và trình độ văn minh của mỗi quốc gia, mỗi địa phương chính từ sự phong phú đa dạng của di sản văn hóa chứ không chỉ là những công trình "hiện đại, hoành tráng". Sự giàu có từ tài nguyên văn hóa góp phần cực kỳ quan trọng cho phát triển bền vững chứ không chỉ sự phát triển kinh tế.
Thách thức lớn của những quốc gia đang phát triển
Thách thức lớn nhất đối với những quốc gia đang phát triển như Việt Nam là trong quá trình hiện đại hóa phải bảo toàn và khẳng định được bản sắc văn hóa của mình. Do áp lực về kinh tế, áp lực phải đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của đời sống... những quốc gia này đã phải phát triển bằng việc tăng cường xây dựng hạ tầng cơ sở hiện đại từ nông thôn đến thành thị. Không chỉ có quá trình "đô thị hóa" phá hủy và làm biến dạng nhiều di sản văn hóa, mà ngay trong việc cố gắng bảo tồn, trùng tu di tích cũng để lại những hậu quả khó lường, chủ yếu do hạn chế về nhận thức đối với tính chất và giá trị của di sản văn hóa.
Bình luận (0)