xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Dịch tả heo châu Phi bùng phát

Văn Duẩn - NGỌC ÁNH - THANH NHÂN

Sau hơn 10 ngày công bố dịch tả heo châu Phi tại Hưng Yên và Thái Bình, hiện dịch này đã xuất hiện ở 7 tỉnh, thành phố. Thủ tướng Chính phủ sẽ chủ trì cuộc họp khẩn triển khai giải pháp khống chế dịch bệnh

Rạng sáng 2-3, lực lượng thú y đã chôn tiêu hủy 90 con heo của gia đình ông Hoàng Văn Chinh (xã Hiến Thành, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương); đồng thời lấy mẫu, tiêu hủy heo tại 2 trại kế bên, tổ chức tiêu độc, sát trùng, lập vành đai, chốt kiểm soát dịch.

Lo bán heo "chạy dịch"

Như vậy, sau khi Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) chính thức công bố 2 tỉnh có dịch ngày 19-2 là Hưng Yên và Thái Bình, đến nay, đã có thêm 5 tỉnh, thành xuất hiện dịch gồm: Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nam, Hà Nội, Hải Dương.

Dịch tả heo châu Phi bùng phát - Ảnh 1.

Đoàn cán bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra công tác phòng chống dịch tả heo châu Phi tại tỉnh Thanh Hóa Ảnh: KHƯƠNG LỰC

Trước đó, theo thống kê của Cục Thú y, tính đến ngày 27-2, lực lượng chức năng đã tiêu hủy 2.349 con heo mắc bệnh, gây thiệt hại hàng chục tỉ đồng.

Dịch tả heo châu Phi bùng phát - Ảnh 2.

Giá thịt heo tại TP HCM giảm nhẹ những ngày gần đâyẢnh: THANH NHÂN

Tại cuộc họp bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình ứng phó với dịch do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì mới đây, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường lo ngại dịch tả heo châu Phi đang có nguy cơ ảnh hưởng nặng nề đến ngành chăn nuôi. Nếu không quyết liệt khống chế thì nguy cơ nhiều năm sau mới có thể hồi phục được.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận định theo quy luật chung, dịch bệnh phải lên cực điểm, sau đó mới đi xuống. Thời điểm này đang là giai đoạn dịch có nguy cơ tiếp tục bùng phát trên diện rộng.

Bộ NN-PTNT đánh giá mức giá hỗ trợ hiện nay đối với heo buộc phải tiêu hủy vì dịch bệnh theo quy định là 38.000 đồng/kg heo hơi, thấp hơn so với giá thị trường. Chưa kể, thủ tục đề nghị hỗ trợ còn vướng mắc dễ dẫn đến người dân bán chạy heo bệnh, nghi bệnh. Do đó, bộ này kiến nghị Chính phủ quy định giá hỗ trợ bằng giá thị trường, sử dụng quỹ phòng chống thiên tai để hỗ trợ người chăn nuôi ngay.

Dù xác nhận chưa bị tác động ảnh hưởng trực tiếp từ dịch tả heo châu Phi nhưng tại thị trường TP HCM, khoảng 2-3 ngày nay, giá thịt heo có chiều hướng giảm nhẹ. Hiện giá bán heo hơi, heo mảnh lẫn pha lóc đã giảm 2.000-5.000 đồng/kg so với tuần trước. Nguyên nhân là do một số vùng chăn nuôi heo ở miền Bắc đang bán tháo đàn heo để "chạy" dịch, nguồn cung từ Bắc vào Nam gia tăng trong khi nhu cầu tiêu thụ không tăng.

"Trong tình hình hiện nay, điều cần nhất là không giấu dịch và công khai, minh bạch thông tin để mọi người chủ động ứng phó. Để nhanh chóng dập dịch trên diện nhỏ, hạn chế lây lan, cần nâng cao ý thức và sự phối hợp của người dân, trong đó có chính sách hỗ trợ cho người dân phù hợp để tránh tình trạng "bán chạy" - ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, đề nghị.

"Căng như dây đàn"

Ông Nguyễn Trí Công cũng cho hay người chăn nuôi đang "căng như dây đàn" vì lo ngại dịch tả heo châu Phi sẽ xuất hiện tại vựa chăn nuôi heo lớn nhất nước. Bởi lẽ, từ trước đến nay, hầu như dịch bệnh gì có mặt ở phía Bắc thì cũng sẽ xuất hiện ở phía Nam.

Ông Công dẫn chứng cách đây hơn 1 tuần, nhiều xe chở heo từ phía Bắc vận chuyển vào Nam dẫn đến nguy cơ xâm nhập bệnh. Tuy nhiên, tình hình đã giảm sau thông tin người dân sẽ được hỗ trợ 70% theo giá thị trường, thay vì 38.000 đồng/kg như hiện nay.

Để phòng chống dịch, theo ông Công, các trang trại cần bảo đảm an toàn sinh học, không để mật độ heo nuôi quá dày khiến bệnh dịch dễ phát sinh, nhất là khi miền Nam đang vào mùa nắng nóng. Đối với các hộ nuôi nhỏ lẻ, tận dụng thức ăn thừa có nguy cơ cao nhiễm bệnh, bà con cần nấu chín để hạn chế tối đa nguy cơ.

Ngay từ khi dịch tả heo châu Phi chưa xuất hiện tại Việt Nam, UBND TP HCM đã ban hành kế hoạch hành động ứng phó khẩn với bệnh để chủ động tình hình. Theo ông Lê Việt Bảo, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP HCM, tuần trước có vài xe heo từ phía Bắc đưa vào TP HCM tiêu thụ nhưng nay không còn. Đơn vị đã lấy 10 mẫu từ các xe heo trên để kiểm nghiệm và kết quả đều âm tính. Về tình hình tiêu thụ, do người dân đã biết được bệnh không lây sang người qua báo, đài nên không có tình trạng e dè với thịt heo. Sản lượng tiêu thụ thịt heo tại TP HCM thời gian qua vẫn ổn định, trung bình khoảng 10.000 con/ngày.

Phần lớn thịt heo tiêu thụ tại TP HCM do các vùng nuôi ở Đồng Nai và một số tỉnh ĐBSCL cung cấp. Trước diễn biến bệnh dịch ở một số tỉnh, thành phía Bắc, UBND TP HCM đã chỉ đạo các sở ngành, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP kết hợp cùng ban quản lý 2 chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn theo dõi, kiểm soát chặt an toàn vệ sinh đối với mặt hàng thịt heo tại chợ.

Ông Lê Văn Tiển, Phó Giám đốc chợ đầu mối Hóc Môn, cho biết theo quy định, tất cả thịt heo về chợ đầu mối là thịt "nóng", có đeo vòng truy xuất nguồn gốc và vào chợ trong khung thời gian từ 22 giờ đến 5 giờ hôm sau. Ngoài thời gian này, buổi sáng tại chợ Hóc Môn có giao dịch thịt heo pha lóc. Ban quản lý chợ, lực lượng bảo vệ và Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP HCM đang tăng cường công tác kiểm tra giám sát, kiên quyết không cho đưa heo đông lạnh không rõ nguồn gốc xuất xứ vào chợ.

Để kiểm soát diễn biến nguồn hàng, giá cả mặt hàng thịt heo trong giai đoạn này nhằm kịp thời nắm tình hình, điều tiết thị trường, Sở Công Thương TP HCM đã đề nghị các chợ đầu mối báo cáo tình hình hoạt động hằng ngày về sở. 

Cấp bách khống chế dịch

Sáng mai, 4-3, tại trụ sở Bộ NN-PTNT sẽ diễn ra hội nghị trực tuyến triển khai giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả heo châu Phi, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường.

Các bộ, ngành, địa phương đã có dịch bệnh và các tỉnh, thành có nguy cơ cao; các tổ chức quốc tế như: Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc, Tổ chức Thú y thế giới; đại diện một số nước như Mỹ, Úc... sẽ tham dự hội nghị nêu trên.

V.Duẩn

Cảnh báo truyền bệnh khác cho người

Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, bệnh tả heo châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây lan nhanh trên heo với tỉ lệ chết lên đến 100%. Tuy nhiên, dịch bệnh này không gây bệnh trên người. Do đó, người dân không nên hoang mang, tẩy chay tiêu dùng các sản phẩm thịt heo an toàn, không bị bệnh dịch và được chế biến hợp vệ sinh.

Dịch tả heo châu Phi không có mối đe dọa trực tiếp nào đối với sức khỏe con người - khác cúm heo hay cúm gia cầm (A/H5N1) - nhưng có thể lây truyền sang ruồi, muỗi, chuột, mèo, gà, vịt. Heo bị tả có thể mắc thêm những loại bệnh nguy hiểm khác như tai xanh, cúm, thương hàn, liên cầu khuẩn... Đây là những bệnh gây nguy hiểm cho sức khỏe con người khi tiếp xúc và sử dụng sản phẩm chưa được nấu chín.

Đặc biệt, với bệnh tai xanh và liên cầu khuẩn ở heo, vi khuẩn này tồn tại trong miệng, mũi con vật sẽ bùng phát khi những người tiếp xúc trực tiếp bị trầy xước hoặc có vết thương. Các cơ sở y tế hằng năm đều ghi nhận hàng chục trường hợp tử vong do nhiễm liên cầu khuẩn heo dẫn đến xuất huyết, nhiễm độc tiêu hóa, viêm não, viêm màng nào hoặc để lại di chứng suốt đời.

D.Thu

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo