xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

“Điểm đen” tai nạn giao thông ở cầu Cao Lãnh

NHA MÂN

(NLĐO) - Cầu Cao Lãnh và các tuyến nối đưa vào sử dụng khoảng 7 tháng nay nhưng nơi đây trở thành “điểm đen” xảy ra các vụ tai nạn giao thông khiến nhiều người thương vong.

Anh Bùi Công Chánh, nhân viên Đội Quản lý cầu Cao Lãnh, cho biết từ khi khánh thành cầu đến nay, trên cầu thường xuyên xảy ra các vụ tai nạn giao thông (TNGT). Điển hình có 2 vụ làm 3 người chết và nhiều vụ va chạm xe gây thương tích, hư hỏng phương tiện.

Chạy ngược chiều

Theo Ban An toàn giao thông tỉnh Đồng Tháp, mới đây nhất, vụ TNGT do điều khiển xe ngược chiều, khiến 2 nữ sinh viên tử vong trên cầu Cao Lãnh. Cụ thể, 22 giờ 15 phút, ngày 19-11, xe môtô biển số 66V1-553.27 do Nguyễn Thị Thu H. (20 tuổ; ngụ huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) điều khiển, chở Nguyễn Thị Kim T. (20 tuổi; ngụ huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre) đã va chạm với xe ôtô tải biển số 29H-038.57 do Hồ Thanh Văn (45 tuổi; ngụ huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) điều khiển từ hướng TP Cao Lãnh (Đồng Tháp) đi huyện Lấp Vò.

“Điểm đen” tai nạn giao thông ở cầu Cao Lãnh - Ảnh 1.

Cầu Cao Lãnh mới khánh thành và đưa vào sử dụng khoảng 7 tháng nay. Ảnh: SONG ANH

Qua quan sát của chúng tôi, nhiều dấu vết nước sơn màu trắng của hiện trường TNGT còn hiện trên mặt nhựa, khiến người đi đường cảm thấy bất an về TNGT thường xuyên xảy ra trên cầu Cao Lãnh và các tuyến nối. "Mỗi lần đi qua cầu Cao Lãnh, bắt gặp dấu vết hiện trường còn màu nước sơn trắng làm tôi cảm thấy ớn lạnh trong người. Chạy xe tốc độ cao lên cầu Cao Lãnh lộng gió thì càng cảm thấy lo lắng hơn", chị Nguyễn Thanh Tâm (28 tuổi; ngụ huyện Lấp Vò), chạy xe từ hướng TP Cao Lãnh về huyện Lấp Vò, nói.

“Điểm đen” tai nạn giao thông ở cầu Cao Lãnh - Ảnh 2.

Nhưng nhiều vụ tai nạn giao thông chết người đã xảy ra. Ảnh: NHA MÂN

Kể từ khi khánh thành cầu Cao Lãnh và các tuyến nối, bà Trần Thị Hồng Hoa (61 tuổi; ngụ TP Cao Lãnh) bắt đầu bán nước giải khát bên lề đường nên bà từng chứng kiến nhiều trường hợp người đi đường chạy xe ngược chiều. "Tôi ngồi bán nước từ sáng sớm đến chiều, mỗi ngày không biết có bao nhiêu người khách ghé xe lại hỏi đường. Có người, lỡ đi ngược chiều họ quay đầu lại chạy liều vì dải phân cách kéo dài nên không qua đường được. Họ chạy xe như vậy rất nguy hiểm, tôi đã từng chứng kiến vụ tai nạn chết người do đi ngược chiều", bà Hoa chỉ ra nguyên nhân.

Đang đứng bán nước cho khách đi đường, bà Hoa chỉ tay lại hiện trường mới xảy ra vụ TNGT trên tuyến nối lên cầu Cao Lãnh, nơi đó còn xuất hiện dấu vết nước sơn màu trắng trên mặt nhựa. Bà Hoa nói: "Vụ TNGT mới xảy ra ngày 15-12, do người đàn ông chạy xe ngược chiều đụng vào xe tải, chết tại chỗ".

Bất chấp nguy hiểm

Anh Lê Văn Luận, nhân viên Đội Quản lý cầu Cao Lãnh, cho biết anh canh gác trên cầu Cao Lãnh và trực tiếp điều tiết giao thông, bảo vệ hiện trường khi có TNGT xảy ra nên từng chứng kiến nhiều vụ việc. "Nhiều vụ TNGT xảy ra trên cầu Cao Lãnh chủ yếu là va chạm vào nhau do làn đường hẹp (làn đường dành cho xe 2 bánh lưu thông rộng có 3 m). Khi xe chạy phía sau vượt qua mặt xe phía trước, tay lái 2 xe va chạm vào nhau, hoặc xe chở đồ vật cồng kềnh dẫn đến va chạm khi qua mặt. Người điều khiển xe biết làn đường hẹp nhưng họ vẫn cố chạy qua mặt, bất chấp nguy hiểm", anh Luận cho biết nguyên nhân.

“Điểm đen” tai nạn giao thông ở cầu Cao Lãnh - Ảnh 3.

Tại nạn ở làn dành cho xe máy. Ảnh: NHA MÂN

Chị Trần Thị Nhung (30 tuổi; ngụ xã Tân Mỹ, huyện Lấp Vò), chủ quán nước giải khát trên đường Vĩnh Thạnh, nói: "Cầu Cao Lãnh khánh thành gần 7 tháng nay mà hằng ngày vẫn có nhiều người tấp xe vào hỏi tôi đường lên cầu hoặc hướng chạy về cầu Vàm Cống (huyện Lấp Vò). Có khi, tôi trả lời mệt luôn".

Chị Nhung còn lý giải thêm: "Nhiều biển báo chỉ dẫn người đi đường, có khi họ xem không hiểu hoặc có biển chỉ dẫn đặt không phù hợp với tầm quan sát của người đi đường" - chị Nhung vừa nói, vừa chỉ tay lại biển chỉ dẫn "Hướng đi cầu Vàm Cống" đặt chưa phù hợp khi quan sát.

Bà Trần Thị Hồng Hoa cho biết một số người dân có nhà gần cầu Cao Lãnh và tuyến nối chạy xe từ nhà ra đường họ phải đi ngược chiều bất chấp nguy hiểm, bởi dải phân cách kéo dài đâu có chỗ chuyển sang lề phải để chạy xe cho an toàn.

“Điểm đen” tai nạn giao thông ở cầu Cao Lãnh - Ảnh 4.
“Điểm đen” tai nạn giao thông ở cầu Cao Lãnh - Ảnh 5.

Hiện trường nhiều vụ tai nạn. Ảnh: NHA MÂN

Anh Bùi Công Chánh chia sẻ: "Để hạn chế TNGT đáng tiếc xảy ra trên cầu Cao Lãnh, trước hết, người tham gia giao thông cần nâng cao ý thức và biết nhường nhau do làn đường dành cho xe 2 bánh hơi hẹp, hạn chế vượt qua mặt nhau sẽ dễ dẫn đến va chạm giao thông".

Cầu Cao Lãnh được khánh thành và đưa vào sử dụng vào ngày 27-5. Theo thiết kế, cầu dài hơn 2.027,7 m, nhịp chính dài 350 m, bề rộng mặt cầu 24,5 m, có 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ; vận tốc thiết kế lên đến 80 km/h. Tại lễ khánh thành, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho rằng việc đưa cầu Cao Lãnh vào sử dụng sẽ tạo ra mạng lưới giao thông đường bộ hoàn chỉnh, kết nối đồng bộ với trung tâm khu vực đồng bằng Mekong, cũng như việc kết nối ĐBSCL với khu vực trọng điểm phát triển kinh tế Nam bộ. Đồng thời, việc hoàn thành dự án này cũng mở ra tuyến đường mới từ Tây Nam bộ với các khu vực trong nước, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế, an ninh chính trị, nâng cao đời sống người dân. Đặc biệt là việc giảm tải, chia sẻ giao thông các tỉnh trong khu vực ĐBSCL. SONG ANH


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo