Áp dụng quy định này chúng ta có thêm biện pháp ngăn chặn những "hung thần đường phố" xem thường tính mạng người khác.
Hậu quả khủng khiếp của tai nạn giao thông đối với tính mạng và tài sản của người dân quá rõ ràng. Các cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều quy định xử lý, ban hành nhiều luật liên quan để hạn chế và đến nay đã mang lại hiệu quả tương đối tốt. Nhưng như thế là chưa đủ, bởi số người thương vong vì tai nạn giao thông hằng năm vẫn rất lớn, lên đến hàng vạn.
Từ năm 2003, Cục Đường bộ Việt Nam ban hành văn bản hướng dẫn việc đổi giấy phép lái xe có đánh dấu vi phạm (bấm lỗ). Đến năm 2005, Chính phủ ban hành Nghị định 152 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, có riêng một điều về "đánh dấu số lần vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường bộ của lái xe". Theo đó, nếu giấy phép lái xe bị đánh dấu 2 lần vi phạm thì tài xế phải thi lại Luật Giao thông đường bộ khi đổi giấy phép lái xe; nếu bị đánh dấu 3 lần thì giấy phép lái xe hết giá trị sử dụng, tài xế phải thi lại cả lý thuyết và thực hành để được cấp giấy phép mới. Biện pháp này đã làm nhiều tài xế chùn tay nhưng đáng tiếc chỉ duy trì một thời gian, đến năm 2007 đã bị bãi bỏ.
Với việc trừ điểm bằng lái, nhiều người còn băn khoăn về quy định này, cho rằng sẽ vướng với nhiều quy định khác, khó thiết lập hệ thống kiểm soát điểm... Nhưng những lo lắng này chẳng qua che lấp một thực tế rằng nhiều người vẫn xem thường việc tuân thủ luật giao thông và sợ rằng mình sẽ rơi vào trường hợp bị trừ điểm. Dù biện hộ cách nào cũng không khỏa lấp nổi thực trạng cả ngàn sinh mạng bị tước đoạt mỗi năm bởi các hành vi vi phạm luật giao thông.
Trừ điểm chỉ là một trong những biện pháp khá nhẹ nhàng và mang tính răn đe chứ không thật nghiêm khắc và trực tiếp như tước bằng lái, xử lý hình sự... Từ số điểm bị trừ, mỗi người có thể thường xuyên được nhắc nhở về thái độ, cách thức tham gia giao thông của mình. Đó như những điểm hạnh kiểm trong giao thông để mỗi người tự vấn liệu ta có trở thành mối nguy hiểm cho cộng đồng khi ra đường và có lúc chính ta là nạn nhân!
Vấn đề cốt lõi là ở con người. Không trực tiếp cầm lái nhưng những người xem thường pháp luật vẫn có thể gián tiếp gây tai nạn cho người khác. Mới đây, trong cuộc họp quan trọng về chấn chỉnh trật tự an toàn giao thông, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đề cập đến vấn đề truy trách nhiệm chủ nhà xe bao che, dung túng cho tài xế sai phạm dẫn đến những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Họ không thể vô can khi những người làm việc cho họ gây ra hậu quả không thể bù đắp cho người khác.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng quy trách nhiệm từng người đứng đầu cơ quan liên quan, đứng đầu địa phương không có biện pháp chấn chỉnh vi phạm. Làm rõ cơ chế trách nhiệm và xử lý rốt ráo vấn đề này thì chúng ta tin chắc tai nạn giao thông sẽ giảm thêm và bao gia đình sẽ thôi phải khóc cho người thân dưới bánh xe hung thần.
Bình luận (0)