Ngày 18-1, tại TP Long Xuyên, tỉnh An Giang, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự lễ khởi công dự án đầu tư xây dựng tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP Long Xuyên.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với các đại biểu tại lễ khởi công dự án đầu tư xây dựng tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP Long Xuyên. Ảnh: QUANG TRƯỜNG
Tuyến nối Quốc lộ 91: Mảnh ghép quan trọng
Dự án đầu tư xây dựng tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP Long Xuyên được Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với tỉnh An Giang và TP Cần Thơ triển khai nhằm giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, từng bước kết nối hoàn chỉnh mạng lưới giao thông, bảo đảm an toàn giao thông khu vực ĐBSCL theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Dự án này được đầu tư bằng nguồn vốn vay ODA của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam với tổng vốn đầu tư 2.106,7 tỉ đồng.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình, dự án có ý nghĩa to lớn đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh. An Giang sẽ đồng hành với chủ đầu tư và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà thầu thi công, triển khai thực hiện dự án an toàn, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng theo kế hoạch đề ra.
Phát biểu tại lễ khởi công, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng tiếp nối sự thành công của các dự án cầu Cao Lãnh, tuyến nối cầu Cao Lãnh - cầu Vàm Cống và cầu Vàm Cống, tuyến cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi đã được đưa vào khai thác sử dụng thì dự án xây dựng tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP Long Xuyên sẽ là một "mảnh ghép" rất quan trọng. "Mảnh ghép" này góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông hiện hữu, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và củng cố an ninh quốc phòng của tỉnh An Giang, TP Cần Thơ nói riêng và khu vực Tây Nam Bộ nói chung.
Theo Chủ tịch nước, Đảng và Nhà nước sẽ tiếp tục chú trọng đầu tư, tạo mọi thuận lợi cho vùng ĐBSCL phát triển. Cụ thể là đầu tư hoàn thiện hệ thống đường cao tốc mà Chính phủ vừa phê duyệt quy hoạch như các tuyến Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng - Trần Đề, Mỹ An - Cao Lãnh - Lộ Tẻ - Rạch Giá… ngay trong nhiệm kỳ 2021-2025, để đáp ứng nhu cầu phát triển và nâng vị trí xứng đáng của khu vực, trong đó có An Giang và Tứ giác Long Xuyên.
Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận nhìn từ trên cao. Ảnh: MINH SƠN
Thông xe tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận
Dự kiến sáng nay (19-1), UBND tỉnh Tiền Giang và Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận tổ chức lễ thông xe kỹ thuật dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ đến dự, cắt băng thông xe kỹ thuật dự án lớn này.
Tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là dự án được Thủ tướng Chính phủ qua các thời kỳ rất quan tâm, trực tiếp đến công trường kiểm tra, thúc đẩy tiến độ, động viên và chúc mừng những dấu mốc đạt được. Hiện nay, dự án đã hoàn thành tuyến chính, cơ bản hoàn thành các tuyến nối. Doanh nghiệp sẽ phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải, UBND tỉnh Tiền Giang và các cơ quan liên quan kiểm soát các vấn đề an ninh, trật tự trong quá trình tổ chức lưu thông trong dịp Tết Nhâm Dần (từ ngày 25-1 đến 10-2) nhằm bảo đảm an toàn, thuận tiện cho người dân.
Tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có vai trò đặc biệt quan trọng trong giao thương kết nối khu vực ĐBSCL với TP HCM và các khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. Dù vậy, suốt gần 10 năm đầu triển khai với 2 lần thay đổi nhà đầu tư, 3 lần thay đổi tổng mức đầu tư, 4 lần lùi thời hạn hoàn thành, dự án này chỉ đạt được 10% khối lượng.
Tháng 3-2019, liên danh các nhà đầu tư đã mời Tập đoàn Đèo Cả tham gia quản trị, điều hành thông qua doanh nghiệp dự án là Công ty Cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận. Tháng 4-2019, với sự nỗ lực vượt khó của hàng ngàn cán bộ, kỹ sư, Tập đoàn Đèo Cả đã hoàn thành thông tuyến cao tốc trước ngày 31-12-2020, đúng theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chỉ hơn 1 năm rưỡi sau ngày tái khởi động.
Trong 2 năm (2020 - 2021), dự án chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19. Tháng 6-2021, hơn 40 cán bộ và người lao động nhiễm bệnh; hàng trăm cán bộ, kỹ sư, công nhân phải thực hiện cách ly y tế, 13 gói thầu phải tạm ngưng thi công...
Nhờ nhiều giải pháp linh hoạt, đồng bộ và quyết tâm cao, sau gần 3 năm, Tập đoàn Đèo Cả đưa dự án cán mốc thông xe kỹ thuật và sẽ đưa vào khai thác chính thức trong thời gian tới.
Thúc đẩy triển khai các dự án đường vành đai tại Hà Nội và TP HCM
Sáng 18-1, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên về chủ trương đầu tư xây dựng dự án đường Vành đai 4 - vùng thủ đô Hà Nội. Trước đó, ngày 15-1, Thủ tướng đã chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành, TP HCM và các tỉnh: Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu về chủ trương đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 và đường Vành đai 4 TP HCM.
Tại các cuộc họp, Thủ tướng nhấn mạnh đây là các dự án hạ tầng rất quan trọng, có ý nghĩa lớn, tạo bước đột phá về phát triển kinh tế - xã hội, đô thị cho các địa phương trong vùng thủ đô và vùng Đông Nam Bộ. Thủ tướng yêu cầu với dự án đường Vành đai 4 thủ đô Hà Nội, thành lập một tổ công tác do chủ tịch UBND TP Hà Nội làm tổ trưởng. Với các dự án đường Vành đai 3 và 4 TP HCM, lập một tổ công tác do chủ tịch UBND TP HCM làm tổ trưởng. Lãnh đạo các bộ ngành, địa phương liên quan làm thành viên 2 tổ công tác để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, dưới sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành.
B.T.Q
Bình luận (0)