Trong hơn 2 năm qua, đại dịch Covid-19 đã diễn biến nhanh, phức tạp với sự xuất hiện của các biến thể mới. Như các quốc gia trên thế giới, bên cạnh nỗ lực phòng chống dịch, Việt Nam đang từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế.
BƯỚC NGOẶT TRONG CHỐNG DỊCH
Việt Nam ghi nhận ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên vào ngày 23-1-2020. Với 4 đợt dịch Covid-19, tùy theo diễn biến thực tế mà Chính phủ đã đề ra các chiến lược phòng chống dịch khác nhau. Kiên định mục tiêu đặt sức khỏe, tính mạng của nhân dân lên trên hết, Chính phủ đã có quyết định chuyển hướng kịp thời để ứng phó với đại dịch. Tháng 10-2021, Chính phủ ra Nghị quyết 128/NQ-CP về việc ban hành Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", đây được đánh giá là bước ngoặt quan trọng. Phương châm phòng chống dịch chuyển từ "Zero Covid" (không Covid) sang thích ứng linh hoạt, bảo đảm mục tiêu vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế.
Nhắc lại thời điểm chuyển hướng chống dịch với Nghị quyết 128, PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, nêu rõ với chiến lược thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, Việt Nam đã đi đúng hướng, ghi nhận kết quả tích cực trong kiểm soát dịch. "Kết quả chống dịch, phục hồi và phát triển kinh tế đã thể hiện sự mạnh dạn, táo bạo trong việc ra quyết định chuyển hướng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Chúng ta đã thành công khi luôn thể hiện được sự "ứng vạn biến" để linh hoạt kiểm soát dịch trong mỗi giai đoạn mà vẫn phát triển kinh tế" - ông Phu nhấn mạnh.
Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, với quyết định linh hoạt của Chính phủ bằng Nghị quyết 128 đã giúp thực hiện mục tiêu phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế vừa bảo đảm an sinh xã hội.
Như nhiều nước trên thế giới, nền kinh tế của Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Các biện pháp phòng chống dịch triển khai trên diện rộng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh, đặc biệt ở những thời điểm thực hiện giãn cách xã hội. Tuy nhiên, nhờ có quyết sách đúng đắn, linh hoạt, đồng bộ và hiệu quả, Việt Nam đã thành công trong ứng phó đại dịch và duy trì khá tốt động lực tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội năm 2020-2021, trở thành quốc gia có mức tăng trưởng kinh tế cao hàng đầu khu vực và trên thế giới.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, cho biết năm 2020, tăng trưởng của các nền kinh tế lớn đều giảm sâu do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19, nhưng kinh tế Việt Nam vẫn duy trì với tốc độ tăng GDP đạt 2,91%. Hàng loạt chính sách hỗ trợ đã được ban hành kịp thời để "trợ lực" cho người dân và doanh nghiệp.
Theo PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, bước sang năm 2021, sau đợt bùng phát dịch bắt đầu từ tháng 4, dẫn đến phải thực hiện giãn cách kéo dài và gây ra những tổn thất kinh tế nặng nề. Những đợt giãn cách xã hội kéo dài tại các trung tâm kinh tế của đất nước như TP HCM, Hà Nội... và các vùng lân cận khiến GDP quý III/2021 giảm hơn 6%. Tính chung cả năm 2021, GDP tăng 2,58%, vẫn là điểm sáng trên bản đồ kinh tế thế giới.
Nói về những khó khăn trong năm 2021, ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), cho biết đó là năm tưởng như "tuyệt vọng" với tập đoàn nhưng cuối cùng đã kết thúc với "thắng lợi lớn". Đây là năm chưa từng có trong lịch sử của tập đoàn khi hàng chục ngàn công nhân phải tạm nghỉ việc do giãn cách xã hội ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, việc Chính phủ chuyển hướng chiến lược phòng chống dịch đúng thời điểm đã giúp doanh nghiệp sớm khôi phục sản xuất.
Theo ông Hiếu, sau khi các biện pháp phòng chống dịch được nới lỏng, người lao động ngành dệt may trở lại làm việc với tỉ lệ cao, góp phần giúp doanh nghiệp này đạt lợi nhuận hợp nhất 1.200 tỉ đồng năm 2021, bằng 202% so với năm 2020, thậm chí cao hơn 70% so với thời điểm trước dịch là năm 2019.
Khi dịch Covid-19 được kiểm soát, TP HCM đã có nhiều giải pháp để phát triển kinh tế. Trong ảnh: Các doanh nghiệp khảo sát tour “Ngắm TP HCM từ trên cao” bằng máy bay trực thăng. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
NHỮNG CON SỐ ẤN TƯỢNG
Vượt qua khó khăn trong đại dịch trong 2 năm qua đã tô đậm thêm những thành tựu trong bức tranh chung của kinh tế Việt Nam sau hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới. Với công cuộc đó, đất nước ta đã thoát ra khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, với một nền kinh tế thị trường năng động, hội nhập mạnh mẽ. Tăng trưởng kinh tế đạt tốc độ cao, quy mô nền kinh tế được mở rộng và dịch chuyển theo hướng tích cực, hiện đại.
Trong đó, từ năm 2001 đến nay, nước ta bước vào thời kỳ hội nhập kinh tế sâu rộng với phương châm "Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế trên nguyên tắc tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, bình đẳng cùng có lợi, không can thiệp công việc nội bộ, cùng phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển". Cùng với đó, cơ cấu kinh tế dịch chuyển theo hướng tích cực và phù hợp hơn với mô hình tăng trưởng kinh tế.
Nền kinh tế dịch chuyển theo hướng hiện đại, tỉ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ tăng nhanh, trở thành động lực tăng trưởng chính. Đặc biệt, cơ cấu nội ngành cũng dịch chuyển phù hợp trình độ phát triển của nền kinh tế. Chỉ tính riêng quý I/2022, giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp là 7,07%, cao hơn so với mức tăng chung của toàn nền kinh tế. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế.
Báo cáo của Chính phủ cho biết trong giai đoạn 2011-2019, GDP tăng 6,3%/năm, trong đó năm 2018 tăng 7,08% và là mức tăng cao nhất kể từ năm 2008. Mặc dù năm 2020-2021, kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19 nhưng tốc độ tăng GDP của Việt Nam vẫn thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới như đã nêu ở trên. Năm 2020, quy mô nền kinh tế Việt Nam đạt khoảng 343 tỉ USD, đứng thứ tư trong ASEAN. Đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, nếu năm 1985, bình quân thu nhập đầu người mới đạt 159 USD/năm thì đến năm 2020 đạt khoảng 2.750 USD/năm. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy năng suất lao động của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2021 đạt 171,3 triệu đồng/lao động (tăng 538 USD so với năm 2020); năng suất lao động năm 2021 tăng 4,7% so với năm 2020 do trình độ của người lao động được cải thiện.
Đặc biệt, trong năm 2021, theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước ước đạt gần 670 tỉ USD, tăng gần 23% so với năm 2020. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu cả năm ước đạt trên 336 tỉ USD, tăng 19% so với năm 2020, đánh dấu năm thứ 6 liên tiếp Việt Nam đạt xuất siêu với mức thặng dư khoảng 4 tỉ USD trong bối cảnh hoạt động thương mại toàn cầu chịu tác động nặng nề, chưa từng có của đại dịch Covid-19 và đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Các chuyên gia kinh tế đánh giá kết quả tăng trưởng xuất khẩu năm 2021 là điểm sáng trong phát triển kinh tế đất nước với sự nỗ lực của Chính phủ; các cấp, ngành, địa phương; người dân, doanh nghiệp.
Trong hơn 35 năm qua, Việt Nam luôn nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư lớn trên thế giới. Ngày 7-4-1988, Việt Nam cấp phép dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đầu tiên. Từ đó đến nay, chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam luôn linh hoạt trong đón nhận dòng vốn đầu tư phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Trong 2 năm bùng phát dịch Covid-19 với muôn vàn khó khăn, Việt Nam vẫn là điểm đến tin cậy, an toàn của dòng vốn quan trọng này, khi đạt gần 29 tỉ USD năm 2020 và trên 31 tỉ USD năm 2021.
Sau khi tổng kết 30 năm thu hút FDI, với Nghị quyết 50/NQ-TW được ban hành, Việt Nam đã xác định việc nâng cao chất lượng dòng vốn này, thu hút đầu tư các dự án công nghệ cao, có tác động lan tỏa lớn. Cụ thể hóa mục tiêu đó, cuối tháng 3-2022, UBND tỉnh Bình Dương đã trao Giấy chứng nhận đầu tư cho Tập đoàn LEGO (Đan Mạch) xây dựng nhà máy sản xuất trên diện tích 44 ha, với tổng vốn đầu tư hơn 1 tỉ USD. Dự án được phát triển bền vững bằng cách sử dụng năng lượng mặt trời mái nhà và cánh đồng năng lượng mặt trời.
Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương (bìa trái), trao giấy chứng nhận đầu tư cho Tập đoàn LEGO. Ảnh: THẢO NGUYỄN
NỀN KINH TẾ CÓ ĐỘ MỞ LỚN
Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn với 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) kết nối hơn 60 nước, có thị trường gần 100 triệu dân năng động và hội tụ đầy đủ các yếu tố về thể chế, hạ tầng, vị trí địa lý, ổn định chính trị, xã hội.
Kể từ thời điểm được kết nạp vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2006 đến nay, Việt Nam đã có một bước tiến dài trên con đường hội nhập và phát triển. Gần đây nhất, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2022. RCEP sẽ tạo thành một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, với quy mô 2,2 tỉ người tiêu dùng, chiếm 30% dân số thế giới và GDP hơn 27.000 tỉ USD, tương đương 30% GDP toàn cầu.
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thương mại đa biên - Bộ Công Thương, cho biết nhờ việc hài hòa quy tắc xuất xứ trong RCEP, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng khả năng đáp ứng điều kiện để hưởng ưu đãi thuế quan do nguồn cung nguyên liệu đầu vào chủ yếu đều nằm trong các thị trường khu vực RCEP.
Bên cạnh đó, "cao tốc" EVFTA nối gần Việt Nam với Liên minh châu Âu (EU). Trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, doanh nghiệp xuất khẩu đã nắm bắt cơ hội phục hồi từ các thị trường nhập khẩu, khai thác hiệu quả các FTA. Theo Bộ Công Thương, sau 1 năm rưỡi thực thi, EVFTA đã đem lại những kết quả tích cực. Năm 2021, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU đạt 63,6 tỉ USD, tăng trưởng 14,8% so với năm 2020. Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sử dụng giấy chứng nhận xuất xứ (C/O, mẫu EUR.1) đạt khoảng 7,8 tỉ USD, cho thấy nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng cơ hội từ việc cắt giảm thuế quan của EU theo EVFTA.
Ngoài ra, Việt Nam được coi là điểm sáng nhờ sự tăng hạng vượt bậc về giá trị thương hiệu quốc gia đi cùng những kết quả về kinh tế, xã hội đã đạt được, khẳng định uy tín và vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế, đồng thời thể hiện sự chủ động và tầm vóc của Việt Nam trong hội nhập quốc tế. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết với 20 năm triển khai chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam, giá trị thứ hạng của thương hiệu quốc gia Việt Nam liên tục được cải thiện và nằm trong nhóm thương hiệu mạnh - theo đánh giá từ Brand Finance. Năm 2021, thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá 388 tỉ USD, tăng 21,6% so với năm 2020, duy trì ở hạng 33 thế giới cho dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Lực lượng quân đội tham gia đưa thực phẩm đến tận nhà hỗ trợ người dân TP HCM khi dịch Covid-19 bùng phát. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
ĐÁNH GIÁ CAO TRIỂN VỌNG KINH TẾ
Chặng đường phát triển nói chung và công tác vừa phòng chống dịch Covid-19 vừa bảo đảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam nói riêng được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Trong bản cập nhật Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á 2022 vừa được công bố, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đánh giá nền kinh tế Việt Nam đã sẵn sàng phục hồi mạnh mẽ trong bối cảnh kinh tế toàn cầu mất ổn định. Kinh tế Việt Nam dự kiến phục hồi ở mức 6,5% trong năm 2022 và tăng trưởng mạnh mẽ hơn ở mức 6,7% trong năm 2023.
Ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam, nhận định nguồn vốn FDI sẽ tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam mặc dù nhiều nước phát triển đang thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ. "Việt Nam với dân số 100 triệu và tầng lớp thu nhập trung bình cao đang gia tăng nhanh chính là địa điểm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Những ưu đãi mà Việt Nam được hưởng thông qua các FTA sẽ giúp họ tiếp cận được với các thị trường xuất khẩu khác" - ông Andrew Jeffries phân tích.
Bên cạnh đó, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings tiếp tục khẳng định xếp hạng mức trần tiền gửi ngoại tệ dài hạn của Việt Nam ở mức BB, triển vọng "Tích cực". Cơ sở để Fitch Ratings khẳng định giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam phản ánh các chỉ số tài chính đối ngoại vững chắc so với các nước cùng xếp hạng. Triển vọng phục hồi tăng trưởng mạnh mẽ trong trung hạn của Việt Nam giữa bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn phức tạp và hiệu ứng lan tỏa của xung đột địa chính trị gần đây đối với kinh tế toàn cầu.
Fitch Ratings ghi nhận sự phục hồi nhanh chóng của các hoạt động kinh tế nhờ vào chính sách linh hoạt của Chính phủ trong việc ứng phó với đại dịch và tốc độ bao phủ vắc-xin nhanh chóng. Tổ chức này đánh giá Việt Nam tiếp tục hưởng lợi từ lĩnh vực xuất khẩu nhờ vào việc thực hiện các hiệp định thương mại quan trọng, dòng vốn FDI vẫn duy trì tăng trưởng cao và dòng chảy du lịch đang dần nối lại từ năm 2022.
Fitch Ratings cũng dự báo tăng trưởng của Việt Nam sẽ phục hồi lên mức 6,1% vào năm 2022 và 6,3% vào năm 2023, dẫn dắt bởi sự phục hồi của cầu trong nước, xuất khẩu và dòng vốn FDI.
Cơ cấu thu ngân sách chuyển dịch theo hướng bền vững hơn
Theo Bộ Tài chính, cơ cấu thu ngân sách Nhà nước (NSNN) được điều chỉnh theo hướng tăng tỉ trọng nguồn thu nội địa, giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn thu từ tài nguyên khoáng sản và hoạt động nhập khẩu. Tỉ trọng thu nội địa (không kể thu từ dầu thô) trong tổng thu NSNN tăng, từ mức trung bình 59,5% trong giai đoạn 2006-2010 lên 68,7% trong giai đoạn 2011-2015 và 81,6% trong giai đoạn 2016-2020. Năm 2020, tỉ trọng thu nội địa (không kể thu từ dầu thô) trong tổng thu NSNN đạt khoảng 85,6%.
Cùng với đó, cơ cấu thu theo sắc thuế có sự chuyển dịch tích cực, phù hợp với hệ thống thuế hiện đại và thông lệ quốc tế. Tỉ trọng thu dầu thô trong giai đoạn 2016 - 2020 giảm xuống dưới 4% tổng thu NSNN, so với mức trung bình 12,7% của giai đoạn 2011-2015. Tỉ trọng thu cân đối từ hoạt động xuất - nhập khẩu so với tổng thu NSNN giảm trung bình từ 20,0% giai đoạn 2006-2010 xuống còn 17,7% giai đoạn 2011-2015 và còn khoảng 14,2% giai đoạn 2016-2020. Thu từ các sắc thuế gắn với sản xuất - kinh doanh và tiêu dùng trong nước như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng được củng cố và chiếm tỉ trọng ngày càng cao trong cơ cấu thu NSNN.
Doanh nghiệp Việt tăng mạnh đầu tư ra nước ngoài
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 3 tháng đầu năm 2022 có 24 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 180,2 triệu USD, tăng 28,5% so với cùng kỳ năm trước; có 3 lượt dự án điều chỉnh vốn tăng 31,2 triệu USD. 12 quốc gia và vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam, trong đó Lào là nước dẫn đầu với 64,3 triệu USD (chiếm 30,4%); Mỹ 34,5 triệu USD (chiếm 16,3%)...
Trong năm 2021, dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng nhiều doanh nghiệp của Việt Nam đã "rót" vốn đầu tư ra nước ngoài. Trong đó, Vingroup đầu tư vào 4 dự án với tổng vốn 448,5 triệu USD, riêng tại Mỹ được đầu tư thêm 300 triệu USD. Doanh nghiệp này đang tăng đầu tư để hiện thực hóa mục tiêu đưa VinFast trở thành hãng ôtô điện thông minh toàn cầu.
Bình luận (0)