Lý do chính vẫn là sợ gây ô nhiễm môi trường. Trong lĩnh vực năng lượng, nhiệt điện than là nguồn phát thải lớn nhất gồm bùn than, tro xỉ và các loại khí thải nhà kính, rất nguy hiểm đối với sức khỏe con người, đe dọa môi trường sinh thái.
Trong khi đó, đơn vị tư vấn quy hoạch điện VIII là Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) cho biết các nhà máy nhiệt điện than như: Nam Định I, Thái Bình II, Vũng Áng II, Vân Phong I, Duyên Hải II... đưa vào giai đoạn 2021-2035 đều là những dự án chắc chắn xây dựng. Sau năm 2035 vẫn cần tiếp tục phát triển một phần nhỏ nhiệt điện than để bảo đảm an ninh năng lượng, giữ cho giá điện không tăng quá cao. Viện Năng lượng trấn an: Quy hoạch điện VIII đã yêu cầu các nhà máy nhiệt điện than xây mới sử dụng công nghệ tiên tiến, đáp ứng nhu cầu giảm tiêu hao năng lượng và bảo đảm về môi trường.
Vậy là quan điểm của Viện Năng lượng đi ngược với xu thế chung trên thế giới và nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia, Philippines... là giảm dần, tiến tới giảm mạnh việc sản xuất năng lượng từ nhiệt điện than. Nhiều tổ chức tín dụng và định chế tài chính trong ASEAN đã từ chối cho vay phát triển nhiệt điện than. Lý do cũng chính là nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ gây hại môi trường và sức khỏe con người.
Viện Năng lượng "đã yêu cầu các nhà máy nhiệt điện than xây mới sử dụng công nghệ tiên tiến", đó mới chỉ là yêu cầu chung chung, còn thực tế công nghệ nhiệt điện than luôn là mối lo, sợ nhất là hàng "second-hand" nhập về từ Trung Quốc. Nếu cứ bám vào nhiệt điện than theo quy hoạch thì chúng ta trong 15 năm tới, từ nay tới 2035, phải chịu sống chung với mối nguy ô nhiễm nặng!
Nghị quyết 55-NQ/TW ngày 11-2-2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2045 nêu: Nhiệt điện than sẽ phát triển ở mức hợp lý, ưu tiên những tổ máy công suất lớn, hiệu suất cao, sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại. Dù Quy hoạch điện VIII đã bám sát Nghị quyết 55, song cũng cần phải lưu ý đến một nội dung khác mà nghị quyết đã chỉ đạo rõ: "Ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch"...
Về năng lượng khác, 4 năm trước, Chính phủ có Quyết định 11/2017 khuyến khích phát triển điện mặt trời, từ đó năng lượng tái tạo bước vào giai đoạn phát triển bùng nổ. Tính đến ngày 31-12-2020, tổng công suất lắp đặt điện mặt trời cả nước đạt khoảng 19.400 MWp, tương ứng 16.500 MW, chiếm khoảng 25% tổng công suất lắp đặt nguồn của hệ thống điện quốc gia. Các nhà đầu tư từ quy mô lớn đến nhỏ lẻ cùng háo hức đổ tiền vào điện mặt trời, để rồi mới đây rơi vào trạng thái hụt hẫng, lo lắng bởi chính sách mới: Cắt điện luân phiên, giảm giá mua (đối với trường hợp hòa lưới sau 31-12-2020) vì lý do thừa cung, lưới truyền tải chịu không nổi.
Yêu cầu của chính sách là phải nhất quán, có tầm nhìn, minh bạch. Với mảng năng lượng, đã là điện thì đừng để... tù mù!
Bình luận (0)