Dự án đầu tư tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội có chiều dài 12,5 km, gồm 8,5 km đi trên cao và 4 km đi ngầm (đoạn Kim Mã - ga Hà Nội, với 4 ga ngầm). Dự án có tổng mức đầu tư 1,176 tỉ euro, từ nguồn vốn vay viện trợ phát triển chính thức (ODA) của Ngân hàng Đầu tư châu Âu, chính phủ Pháp, Ngân hàng Phát triển châu Á và vốn đối ứng trong nước. Dự án khởi công từ năm 2008 với dự kiến hoàn thành năm 2022.
Thế nhưng, đến nay, gần giữa năm 2022, tiến độ dự án tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội mới đạt 74,4%, trong đó đoạn trên cao đạt 95,1%, đoạn ngầm đạt 33%. Vì thế, dự án được điều chỉnh tiến độ với thời gian dự kiến hoàn thành mới nhất là tháng 12-2027, tức là chậm đến hơn 5 năm.
Không chỉ chậm tiến độ, dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội còn đội vốn hàng ngàn tỉ khi tăng thêm hơn 4.905 tỉ đồng (khoảng gần 203 triệu euro), nâng tổng mức đầu tư dự án lên 34.532 tỉ đồng.
Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành trong việc theo dõi, kiểm tra và tổng hợp tình hình thực hiện, giám sát, Bộ Giao thông Vận tải chỉ ra hàng loạt nguyên nhân dẫn đến việc dự án metro Nhổn - ga Hà Nội chậm tiến độ và đội vốn. Trong đó, nguyên nhân đầu tiên được cho là dự án có công nghệ phức tạp, lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam, trong khi các đơn vị thực hiện chưa có kinh nghiệm. Các gói thầu ngoài việc tuân thủ theo pháp luật của Việt Nam còn phải thực hiện đầy đủ thủ tục theo quy định của nhà tài trợ, trong khi những yêu cầu ràng buộc theo hiệp định vay đan xen khác nhau theo các nhà tài trợ, vì vậy khi triển khai gặp nhiều vướng mắc.
Đặc biệt, việc giải phóng mặt bằng cho dự án gặp nhiều khó khăn khi hầu hết mặt bằng thi công là trên các tuyến chính của thành phố có lưu lượng giao thông lớn; tổ chức thi công trong điều kiện mặt bằng chật hẹp... Thêm vào đó, sự chỉ đạo, điều hành của địa phương còn lúng túng, chưa kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc, nhất là khâu giải phóng mặt bằng.
Tóm lại, hầu hết nguyên nhân đều đã thấy từ lâu, khi mới triển khai thực hiện dự án cũng như từ dự án tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Nói cách khác, điệp khúc buồn chậm tiến độ - đội vốn từ dự án Cát Linh - Hà Đông vừa mới đi vào vận hành, khai thác thương mại lặp lại với dự án Nhổn - ga Hà Nội.
Nguyên nhân đã rõ nhưng địa chỉ trách nhiệm, nhất là chế tài trách nhiệm, lại chưa rõ. Không chỉ 2 dự án trên, các dự án đường sắt đô thị khác ở Hà Nội đều chậm tiến độ. Nếu chỉ nêu nguyên nhân, nhất là những nguyên nhân khách quan, mà không chỉ rõ trách nhiệm và chế tài đi kèm thì e rằng điệp khúc buồn chậm tiến độ - đội vốn còn lặp lại.
Bình luận (0)