Bà Nguyễn Thị Nhu (ngụ thôn Bình Hòa, xã Bình Giang) vừa đem đi tiêu hủy con heo nái nặng hơn 2 tạ bị dịch tả châu Phi. "Heo nhà tôi bỏ ăn rồi nằm miết. Tôi gọi thú y đến tiêm thuốc thì được báo là heo bị dịch bệnh, cần thông báo cho lực lượng chức năng của xã. Tôi để heo nằm vậy 4 ngày rồi gọi lực lượng chức năng đến cân và mang đi tiêu hủy. Ở xung quanh đây, người chăn nuôi có heo mắc dịch tả châu Phi cách đây hơn một tháng rồi. Gần nhà tôi, có người mới nuôi heo nhưng cũng bị dịch. Hiện tôi rất sợ tái đàn, cũng không có tiền bỏ ra mua giống nữa" - bà Nhu thở dài.
Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Nam, dịch tả heo châu Phi đã tái phát từ ngày 10-7 đến nay. Tới ngày 18-12, tỉnh Quảng Nam ghi nhận dịch xảy ra tại 43 xã của 12 huyện, thị xã, TP, gồm: Quế Sơn, Phước Sơn, Tam Kỳ, Thăng Bình, Núi Thành, Hiệp Đức, Điện Bàn, Bắc Trà My, Đại Lộc, Phú Ninh, Tiên Phước, Nam Giang. Theo thống kê, tổng số heo mắc bệnh buộc phải tiêu hủy là 1.341 con, trọng lượng tiêu hủy 87,2 tấn. Đến thời điểm này, toàn tỉnh Quảng Nam vẫn còn 32 xã/10 huyện, thị xã, TP có dịch chưa qua 21 ngày.
Heo của người dân ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam mắc dịch tả châu Phi phải đưa đi tiêu hủy
Về nguyên nhân xảy ra dịch bệnh, UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng do tổng đàn gia súc tăng cao vào những tháng cuối năm, chăn nuôi quy mô nông hộ nằm trong khu dân cư chiếm tỉ lệ lớn; việc áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh, khử trùng, tiêu độc phòng bệnh còn hạn chế; công tác quản lý giết mổ ở nhiều nơi chưa được chính quyền địa phương vào cuộc, số lượng cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, trái quy định quá nhiều (toàn tỉnh hơn 550 điểm). Bên cạnh đó, việc tổ chức tiêm vắc-xin phòng bệnh bắt buộc cho đàn gia súc tại một số địa phương đạt tỉ lệ thấp; công tác chủ động giám sát, phát hiện dịch bệnh còn hạn chế.
Ngày 18-12 vừa qua, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành chỉ thị về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Trong đó, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các ngành chức năng, các địa phương tập trung mọi nguồn lực để kiểm soát, khống chế, không để dịch tả heo châu Phi tiếp tục lan rộng.
Bình luận (0)