Mặc dù xả Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (BOG) ở mức khá cao, khoảng 1.300-2.000 đồng/lít nhưng giá xăng dầu từ chiều 2-4 vẫn tăng rất mạnh. Cụ thể, E5 RON 92 tăng thêm 1.377 đồng/lít, lên mức 18.588 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 1.484 đồng/lít, lên mức 20.033 đồng/lít; các mặt hàng dầu tăng 1.086-1.219 đồng/lít - kg tùy loại.
Không ai có lợi
Người tiêu dùng ghi nhận đã tránh được một kỳ tăng giá mạnh cách đây nửa tháng với quyết định xả Quỹ BOG kỷ lục đến 2.800 đồng/lít xăng. Tuy nhiên, bất ổn nằm ở chỗ Quỹ BOG sau nhiều đợt xả mạnh đã cạn kiệt, thậm chí âm lớn. Ngay số dư quỹ của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam cũng chỉ còn 9,6 tỉ đồng - con số chưa từng tồn tại trước nay.
Điều này tất nhiên gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp (DN) bởi khi quỹ âm, DN phải tự bỏ tiền tạm ứng để xả quỹ trước rồi thu lại sau hoặc phải vay ngân hàng nếu nguồn lực tài chính không còn dồi dào. Trong khi đó, khả năng thu quỹ lại một cách nhanh chóng rất khó bởi giá xăng dầu thế giới đang có xu hướng tăng khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) đã đạt thỏa thuận giảm mạnh sản lượng khai thác để nâng giá và nguồn dự trữ dầu của Mỹ cũng đến ngưỡng thấp nhất.
Các mặt hàng xăng, dầu tăng giá mạnh từ ngày 2-4 Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Đáng lưu ý, tổn hại trên không dành riêng cho các DN kinh doanh xăng dầu mà còn có nguy cơ tác động mạnh đến người tiêu dùng. Theo PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, không DN nào chịu âm vốn quá sâu để gánh giá xăng trong một thời gian dài. "Đặc biệt, khi giá điện vừa được phê duyệt tăng 8,36% từ ngày 20-3 thì động thái tăng giá xăng sẽ bồi thêm áp lực đến chỉ số giá tiêu dùng và tăng thêm gánh nặng cho sản xuất - kinh doanh. Việc tăng giá các mặt hàng thiết yếu là không thể chống được bởi phải tuân thủ tín hiệu thị trường. Song, tôi lo ngại sai lầm của kỳ điều hành giá xăng cách đây nửa tháng khi cố chi quỹ quá lớn để giữ giá bán lẻ sẽ khiến thị trường phản ứng lại như một cú bật lò xo, tức bị nén quá sẽ bật ra mạnh, giá xăng tăng sốc, kéo theo các mặt hàng khác tăng giá khó lòng kiểm soát" - PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cảnh báo.
Phải bám sát thị trường
Dễ hiểu vì sao nhiều năm qua, dù nhận được không ít ý kiến phản đối, Quỹ BOG vẫn tồn tại với ý nghĩa là cái van điều tiết giá xăng dầu. Còn với điện, việc tăng giá được bàn thảo rất nhiều nhưng số lần tăng lại không lớn. Đó là bởi 2 mặt hàng chiến lược này gánh trên vai trách nhiệm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Mỗi quyết định tăng, giảm giá xăng, điện đều được đặt trên bàn cân với chỉ tiêu CPI, GDP cùng nhiều mục tiêu khác trong năm.
Một chuyên gia kinh tế có nhiều năm nghiên cứu về giá điện, xăng nhận xét: "Trong nhiều thời điểm, công tác bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu của nhà nước đã thể hiện vai trò và hiệu quả rõ rệt trong việc kiểm soát CPI, tránh được biến động lớn trên thị trường nhưng cách điều hành này không đúng trong mọi thời điểm. Khi giá xăng có xu hướng tăng thì kiểu kiểm soát giá "ăn đong" như vừa qua sẽ dẫn đến tăng giá không phanh. Điện cũng vậy, nếu tiếp diễn tình trạng giá điện chưa phản ánh hết giá thành thì ngành điện sẽ không thu hút được đầu tư bên ngoài, hạn chế nguồn tiền, nhất là khi Chính phủ siết bảo lãnh tín dụng thì nguy cơ thiếu điện hiện hữu. Tới một thời điểm buộc phải bung ra để tăng giá, các mặt hàng này không những đánh mất vai trò ổn định kinh tế vĩ mô mà còn tạo thêm gánh nặng cho điều hành vĩ mô".
Dự báo giá dầu có thể tăng đến hơn 70 USD/thùng trong những tháng cuối năm, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh lưu ý cơ quan quản lý nhà nước nên điều hành hài hòa theo thị trường và chấp nhận tăng giá trong những thời điểm cần thiết. Mặt khác, cần tăng cường quản lý giá đối với các mặt hàng cần sự quản lý nhằm hạn chế tối đa hiệu ứng tăng giá dây chuyền, "té nước theo mưa".
Nhiều chuyên gia cũng bày tỏ quan điểm nhà nước cần giải pháp điều hành giá sát với thị trường, không nên chạy theo thành tích chỉ số vĩ mô để thị trường trở nên méo mó. Các phiên điều hành giá các mặt hàng thiết yếu không phản ánh đúng nhịp điệu thị trường. Cần thiết từng bước trả điện, xăng về đúng với thị trường và gỡ bỏ sứ mệnh ổn định kinh tế vĩ mô cho 2 mặt hàng này.
Lúc cần tăng thì không tăng
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan bày tỏ sự thất vọng, suốt cả năm 2017, cơ quan quản lý không cho tăng giá điện trong khi phải thừa nhận giá điện cần tăng để thu hút đầu tư, khiến cho đến lúc buộc phải tăng thì lại tăng ở mức cao. Nếu cho phép chia nhỏ mức tăng giá điện ra 2 lần thì thời điểm hiện tại, áp lực tăng giá sẽ không lớn. Giá xăng cũng tương tự, để "nhường" cho giá điện tăng, xăng dầu đã bị kìm hãm tăng giá không cần thiết.
"Tăng giá các mặt hàng thiết yếu ở mức mạnh và rơi vào gần như cùng thời điểm thì rõ ràng là điều hành quá vụng, gây ra những biến động xã hội nhiều hơn so với việc để tăng giá đúng tín hiệu" - bà Phạm Chi Lan nhận định.
Bình luận (0)