Tại sao bà Trần Thị Hoàng Phương, Giám đốc Công ty Youko, có dấu hiệu lừa đảo hàng trăm nạn nhân, với số tiền hàng chục tỉ đồng nhưng vẫn chưa bị xử lý? Đem những câu hỏi này đến cơ quan chức năng, chúng tôi nhận được nhiều điều bất ngờ.
Quyết định gây bức xúc
Như Báo Người Lao Động đã thông tin, tháng 4-2015, bà Trần Thị Hoàng Phương đã bị khởi tố trong vụ án "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản", thể hiện qua Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 06 và Quyết định khởi tố bị can số 43 của Cơ quan CSĐT Công an TP HCM. Thế nhưng, tháng 8-2017, các nạn nhân nhận được Thông báo số 3410 từ Công an TP HCM với nội dung: "Ngày 3-8-2017, VKSND TP HCM đã ra quyết định hủy bỏ Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 06 và Quyết định khởi tố bị can số 43 đối với bà Trần Thị Hoàng Phương".
Các nạn nhân đến Báo Người Lao Động tố cáo Công ty Youko Ảnh: GIANG NAM
Theo VKSND TP HCM, bà Trần Thị Hoàng Phương có ký "Giấy cam kết tư vấn giới thiệu kết nối việc làm" với 14 người do ông Đinh Thanh Bình đại diện để họ sang Nhật Bản lao động. Tuy nhiên, do chính quyền Nhật Bản chưa cấp giấy tư cách lưu trú nên dẫn đến quá hạn, từ đó những người lao động có đơn tố cáo bà Trần Thị Hoàng Phương. Sau đó, bà Phương đã tích cực trong việc hoàn trả tiền cho người lao động… Vì vậy, mối quan hệ giữa bà Phương và những người lao động là dân sự, không có dấu hiệu tội phạm.
Về quyết định này, các nạn nhân cho rằng VKSND TP HCM đã đánh giá sai lệch về vụ việc. Công ty Youko không có giấy phép hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động nhưng vẫn nhận tiền để đưa người sang Nhật Bản là trái phép. Thế nhưng, VKSND TP lại khẳng định việc ký giấy cam kết tư vấn giới thiệu lao động bằng hình thức người lao động ký hợp đồng trực tiếp với nhà máy nên việc nhận tiền là đúng!
Trong lập luận của mình, VKSND TP còn cho rằng số tiền các bị hại đóng, bà Phương đã chi phí cho các khoản như mua vé máy bay, phí hồ sơ, visa, khách sạn… nên không thể đòi lại được. Nhưng trên thực tế, tổng số tiền cho các dịch vụ này chỉ vào khoảng 27 triệu đồng mỗi người. Trong khi đó, bà Phương đã nhận của các nạn nhân từ 150 đến 200 triệu đồng.
Ngoài ra, không biết dựa vào đâu mà VKSND TP khẳng định bà Phương đã tích cực trong việc hoàn trả tiền cho các bị hại, trong khi thực tế đến thời điểm này, nhiều nạn nhân vẫn chưa nhận lại tiền từ bà Phương.
Luật sư Đặng Anh Đức, Giám đốc Công ty luật Đặng và Cộng sự, cho rằng lý do mà VKSND TP HCM đưa ra khi quyết định hủy bỏ Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với bà Trần Thị Hoàng Phương là thiếu cơ sở. "Theo nguyên tắc, sau khi nhận được văn bản đề nghị phê duyệt khởi tố bị can, khởi tố vụ án, VKSND phải kiểm tra mọi chứng cứ có liên quan của vụ án, xem xét kỹ quy trình điều tra của Cơ quan CSĐT để tránh bỏ lọt tội phạm... Thế nhưng, những gì mà Báo Người Lao Động đã phản ánh thì rõ ràng VKSND TP HCM ra quyết định như vậy là quá vội vàng" - luật sư Đức nhận định.
Có sự chống lưng?
Theo những phản ánh của các nạn nhân, chúng tôi đến gặp trung tá Hồ Thị Bích Thuận - hiện là Đội phó Đội 8, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (PC45) Công an TP HCM - để tìm hiểu sự việc. Bà Thuận cho biết mình là người theo vụ án ngay từ đầu và hiện không còn trách nhiệm gì nữa vì VKSND TP HCM đã hủy quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với bà Trần Thị Hoàng Phương.
Trả lời câu hỏi của chúng tôi rằng tại sao các nạn nhân ngày một nhiều, chưa lấy lại được tiền nhưng bà Trần Thị Hoàng Phương vẫn chưa bị xử lý hay có bất cứ hình thức xử lý nào? Bà Thuận nói mình không có trách nhiệm trả lời vì VKSND TP đã ra quyết định hủy quyết định khởi tố.
Khi chúng tôi đặt vấn đề vì sao trong quá trình điều tra, thụ lý vụ việc, bà Thuận lại đứng ra dàn xếp để bà Minh (mẹ bà Phương) ngồi tại phòng làm việc của mình thương lượng việc khắc phục hậu quả với các nạn nhân? Liệu có khách quan trong cách xử lý của cơ quan công an khi vụ việc đang trong quá trình điều tra? Bà Thuận đã không trả lời câu hỏi này.
Đáng chú ý, trong khoảng thời gian bị PC45 Công an TP HCM điều tra, bà Trần Thị Hoàng Phương vẫn có dấu hiệu lừa đảo. Cụ thể, ngày 17-2-2017, PC45 Công an TP HCM tiếp nhận đơn của 64 nạn nhân từ Công an quận Thủ Đức chuyển lên tố cáo Công ty Youko. Hơn 5 tháng sau, ngày 26-7-2017, các nạn nhân nhận được thông báo từ PC45 Công an TP HCM rằng hành vi của bà Phương có dấu hiệu của tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".
Trong khi bị hại nhận được thông tin như vậy thì trước đó mấy ngày, ngày 17-7-2017, bà Trần Thị Hoàng Phương vẫn ung dung nhận tiền, làm thủ tục đưa nhóm 12 người sang Nhật Bản bất hợp pháp, trong đó có anh Nguyễn Công Trãi mà số báo trước chúng tôi đã đề cập.
Đề nghị công an vào cuộc
Ông Phạm Viết Hương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Dolab), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết Công ty Youko không phải là doanh nghiệp được bộ cấp phép đưa lao động ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng. Tuy nhiên, với những hành vi có dấu hiệu lừa đảo liên quan đến xuất khẩu lao động của bà Trần Thị Hoàng Phương mà Báo Người Lao Động đã phản ánh, Dolab sẽ có văn bản gửi cơ quan công an đề nghị vào cuộc điều tra.
Theo ông Hương, với những lao động đang bị lừa đảo như trường hợp các nạn nhân của Công ty Youko, có thể đến Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản để trình báo. Ở đó, Dolab có Ban Quản lý lao động để hỗ trợ sớm đòi lại quyền lợi cho người lao động.
"Những người có nhu cầu sang nước ngoài làm việc nói chung và Nhật Bản nói riêng nên tìm hiểu kỹ thông tin trước khi đóng tiền. Các thông tin cần tìm hiểu gồm: công ty có đủ chức năng được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp phép không; các điều khoản trong hợp đồng; môi trường làm việc tại nơi tiếp nhận làm việc cụ thể ở đâu, như thế nào; tổng chi phí là bao nhiêu... Tuyệt đối không được đóng tiền cho các tổ chức, cá nhân khi không đáp ứng đủ các yêu cầu trên để tránh tiền mất tật mang" - ông Hương khuyến cáo.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 10-9
Bình luận (0)