Mấy ngày Tết, nhà nào ở Quảng Nam cũng nấu món mì Quảng. Kể từ Tết Kỷ Hợi 2019, món ăn truyền thống này được nâng tầm thêm một bậc
Người Quảng Nam luôn tự hào về món ẩm thực dân dã đã có từ hơn 500 năm trước và trường tồn với thời gian: mì Quảng.
Để tìm về cội nguồn, khắc họa đầy đủ "chân dung" đích thực của món ăn truyền thống này, đã có bao người trăn trở, tìm tòi.
Và, trước Tết Kỷ Hợi, anh Lê Văn Vĩnh - Tổng Giám đốc Công ty CP Nhà Việt Nam (Vinahouse), người đã sống ngay cái nôi mì Quảng, lớn lên từ những tô mì Quảng của mẹ, của chị mình… - đã cho động thổ, tiến tới thành lập Dinh trấn Mì Quảng tại Khu Du lịch Vinahouse, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
Chỉ mới nghe giới thiệu sơ qua 5.000 hiện vật liên quan đến việc tráng mì, chế biến mì Quảng từ hàng trăm năm qua để hình thành Bảo tàng Mì Quảng, cũng đủ thấy sức hấp dẫn của công trình này.
Cũng xin được nói rằng Khu Du lịch Vinahouse nằm trong vệt của di tích Dinh trấn Thanh Chiêm - Di tích cấp quốc gia. Dinh trấn Thanh Chiêm được xem là kinh đô thứ hai, trung tâm chính trị - quân sự - kinh tế - văn hóa xứ Đàng Trong, sau Phú Xuân của Chúa Nguyễn. Nên, theo anh Lê Văn Vĩnh, Dinh trấn Mì Quảng hình thành ngay tại nơi ra đời của mì Quảng - làng Phú Chiêm nổi tiếng và ngay tại vùng địa linh Dinh trấn Thanh Chiêm Quảng Nam quả là có ý nghĩa lịch sử - văn hóa rất cao. Thế là Lê Văn Vĩnh say sưa với hàng ngàn cổ vật liên quan đến mì Quảng sưu tầm được, đang lưu giữ để phục vụ cho hoạt động của Dinh trấn Mì Quảng. Đó là các loại cối đá, nồi đồng, mâm đồng, ang đựng thóc gạo, ông Táo, ống thổi lửa, bếp rơm, bếp củi, bàn xắt…, kể cả giếng nước ngọt làng Thanh Chiêm niên đại hàng trăm năm mà người dân địa phương đã dùng để tráng mì. Đó là các loại tô, đĩa, ống đũa, đũa, muỗng, lọ đựng mắm, thớt, dao…; các loại thúng, mủng, quang gánh, bàn ghế bằng gỗ, bằng tre để bày bán mì Quảng từ xa xưa. Dinh trấn Mì Quảng sẽ mang sứ mệnh góp phần bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống của văn hóa ẩm thực Quảng Nam, truyền bá tinh hoa ẩm thực Quảng Nam đến du khách cả trong và ngoài nước.
Để minh chứng cho việc truyền bá tinh hoa ẩm thực xứ Quảng, hồi cuối năm 2018, Vinahouse đã mạnh dạn đề xuất với lãnh đạo Quảng Nam cho phép đưa mì Quảng sang chế biến, giới thiệu tại Nhật Bản trong chương trình trình diễn nghệ thuật ẩm thực Việt - Nhật, do Đại sứ quán Việt Nam ở Nhật Bản tổ chức. Tại sự kiện này, món mì Quảng truyền thống đã được 4 nghệ nhân của Vinahouse gồm Lương Thị Thi, Phạm Thị Nở, Nguyễn Thị Tuyết, Cao Tấn Nam đã chế biến tại chỗ, quyến rũ thực khách bởi mùi thơm sực nức của nước nhưn; màu sắc bắt mắt của tôm, thịt, đậu phụng, rau thơm… Vì quá yêu mến món mì Quảng lạ miệng nhưng thú vị, các bạn Nhật đã đề nghị đoàn tặng lại các hiện vật như cối đá, bộ đồ tráng bánh và cả công thức chế biến, đoàn Quảng Nam cũng sẵn lòng. Sau đó, báo chí Nhật Bản đã có bài viết khen ngợi món mì Quảng không tiếc lời.
Không chỉ giới thiệu món mì Quảng tại Nhật, Khu Du lịch Vinahouse từng nổi tiếng với việc "nấu" thành công tô mì Quảng Phú Chiêm lớn nhất châu Á vào tháng 6-2013, được đông đảo du khách thưởng lãm, công nhận. Nhờ vậy, Tổ chức Kỷ lục châu Á đã xem xét, bình chọn, công bố mì Phú Chiêm là 1 trong 12 món ăn Việt Nam đạt tiêu chí "Giá trị ẩm thực châu Á". Thú vị không kém là mới đây, chuẩn bị vui Xuân, đón Tết cổ truyền của dân tộc, anh Lê Văn Vĩnh đã quyết định chọn bà Bùi Thị Xong, 78 tuổi, ở khối Hà Trung, phường Cẩm Nam, TP Hội An - nổi tiếng với nụ cười đẹp nhất thế giới qua bức ảnh của nhiếp ảnh gia Réhahn Croquevielle (Pháp) - làm đại diện thương hiệu Vinahouse, trong đó có cả đại diện cho Dinh trấn Mì Quảng tại Vinahouse.
Chắc chắn Dinh trấn Mì Quảng sẽ làm thỏa lòng mong đợi của du khách với những cổ vật "biết nói", với việc trình diễn tráng bánh, chế biến mì của những nghệ nhân lành nghề cùng thưởng thức tô mì Quảng nóng hổi, thơm ngào ngạt, thêm miếng bánh tráng nướng giòn rụm, quả ớt cay nồng và đĩa rau sống tươi xanh được hái từ hai bờ sông Thu trù phú thì còn gì tuyệt bằng!
Bình luận (0)