Đà điểu là loài chim lớn nhất thế giới với chiều cao đến gần 3 m. Đây là giống chim hoang dã có nguồn gốc từ châu Phi, nay được thuần hóa, thích nghi với khí hậu tại Việt Nam, mang lại giá trị kinh tế cao. Từ năm 2004, Trung tâm Giống đà điểu Khatoco bắt đầu nuôi loài chim khổng lồ này với số lượng ít ỏi nhập từ Úc. Từ đó đến nay, dưới sự chăm sóc, nhân đàn, trung tâm đã có tổng đàn khoảng 14.000 con đà điểu mỗi năm, trong đó có 1.000 con giống, 8.000 con nuôi thương phẩm, cung cấp 5.000 con giống cho các địa phương.
Đà điểu nuôi khoảng 26 tháng có thể bắt đầu đẻ trứng. Trung bình một con mái đẻ khoảng 50-60 trứng/năm. Để nhân giống nhanh, trung tâm đưa về 31 máy ấp trứng với mỗi lần ấp 210 trứng/máy, tỉ lệ nở hơn 80%. Trứng được ấp 40 ngày sẽ nở. Trứng đà điểu được ghi chép số liệu đầy đủ gồm ngày đẻ, số chuồng, con bố mẹ. Sau khi nở, mỗi con được gắn một thẻ để theo dõi nguồn gốc và sự phát triển của đà điểu.
Những chú đà điểu được chăm sóc tại Trung tâm Giống đà điểu Khatoco
Theo công nhân Võ Đại Tài, tập tính của loài này là con trống rất bảo vệ con mái. Với mỗi con nặng hơn 100 kg, cơ chân rất khỏe, nếu khi đỡ đẻ hoặc chăm sóc không khéo, không quan sát xung quanh, để đà điểu trống "tung cước" thì trọng thương như chơi. Cú đá của đà điểu mạnh đến nỗi tung cả hệ thống lưới rào B40.
Để dỗ dành đà điểu, từ năm 2014, trung tâm đã đưa phương pháp thú vị là cho đà điểu nghe nhạc. Nhạc được chọn cho đà điểu nghe có âm hưởng nhẹ nhàng, giúp đà điểu không bị nóng tính, hiền lành và ngoan ngoãn hơn. Thời gian phát nhạc từ 18 giờ hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau. Tiếng nhạc du dương làm cho những chú đà điểu không còn sợ hãi, bỏ chạy, giẫm đạp lên nhau, từ đó giúp đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Theo ông Ngô Văn Tưởng, Trưởng Phòng Kỹ thuật Trung tâm Giống đà điểu Khatoco Ninh Hòa, hệ thần kinh đà điểu rất nhạy cảm. Chúng hay giật mình khi có tiếng động lớn, đột ngột hoặc có người lạ mặt. Khi đó, chúng sẽ chạy tán loạn và có thể giẫm đạp lên nhau, đâm vào bất cứ chướng ngại vật nào làm tự gây chấn thương, rách da hoặc gãy cổ mà chết. Từ khi cho đà điểu nghe nhạc, tình trạng này đã hạn chế đáng kể, từ 3,2%/năm tổn hao nay chỉ còn 1,3%/năm. Cũng theo ông Tưởng, từ năm 2006 đến nay, thông tin về mỗi con đà điểu được trung tâm quản lý trên phần mềm để bảo đảm trong suốt quá trình nuôi hoàn toàn theo dõi được đà điểu có những vấn đề gì về sức khỏe. "Làm sao để bảo đảm cuối cùng thịt đà điểu phải thật sự an toàn thực phẩm" - ông Tưởng nói.
Bình luận (0)