Đêm ấy, BV tiếp nhận một bệnh nhân người Trung Quốc 7 tuổi nghi nhiễm virus corona. Trong khi chờ kết quả xét nghiệm, cha của bệnh nhi liên tục cầm dao đòi chém bác sĩ. Hành vi này không giúp việc điều trị cho bệnh nhi tốt hơn, trái lại gây thêm áp lực cho các bác sĩ.
Bệnh nhi nói trên cũng như tất cả các bệnh nhân khác từ đầu đại dịch nCoV đến nay đã lần lượt xuất viện, có người kịp về quê ăn Tết muộn với gia đình. Ít ai biết đội ngũ thầy thuốc, nhiều người là "nữ tướng" của các gia đình, đã không có một ngày vui xuân nào trọn vẹn.
Dịch bệnh nào cũng đáng sợ. Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) gây ra cũng không ngoại lệ. Vì đó không chỉ là số người mắc tăng theo cấp số nhân mà Bộ Y tế cho biết đến 14 giờ ngày 6-2, trên thế giới đã có 28.281 người nhiễm, trong đó có 565 trường hợp tử vong. Số người nhiễm được phát hiện tại Việt Nam đến tối cùng ngày là 12, trong đó có 3 trường hợp đã điều trị khỏi và xuất viện. Đó cũng không chỉ là thiệt hại chưa thể lường hết về kinh tế - xã hội... mà còn là ở sự hoang mang của dân chúng.
Bước chân ra đường sẽ thấy ai cũng bịt kín mũi miệng bằng khẩu trang; người ta xếp hàng rồng rắn ở nhà thuốc chen nhau mua khẩu trang, nước diệt khuẩn, không chỉ để dùng mà còn để trữ; có người trữ cả đồ ăn thức uống cho một "cuộc chiến" e rằng sẽ lâu dài.
Nhưng đội ngũ thầy thuốc thì khác, vì họ không được phép khước từ khi được giao trách nhiệm đối diện với dịch bệnh. Từ "thầy thuốc cắm bản" ở vùng sâu vùng xa, đến chuyên gia trong các BV cuối tuyến, rồi cả lực lượng quân y tận biên giới xa xôi, đều đang dồn sức phòng chống dịch.
"Ai cũng sợ thì ai điều trị cho bệnh nhân. Mà đã sợ thì đừng làm" - điều dưỡng Lê Quyết Thắng ở BV Bệnh nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa đã trả lời các nhà báo như thế. Rất tự nhiên nhưng là mệnh lệnh của nghề nghiệp, của lương tâm và đó là căn bản của y đức. Nhân viên y tế luôn đối diện với nhiều rủi ro bởi nhiều loại bệnh lây nhiễm khác nhau, mà đáng sợ hơn cả vẫn là những bệnh mới, chưa đánh giá được hết nguy cơ và đường lây truyền trong khi lại rất dễ lây, mà nCoV cũng là một đơn cử.
Xin chia sẻ với niềm vui của đội ngũ thầy thuốc nói chung, tại TP HCM và Long An nói riêng, với ngày 6-2, ngày mà các bác sĩ ngành nhiễm mong chờ. Vì kể từ 22-1 là ngày 2 ca nhiễm nCoV đầu tiên được xác định tại Việt Nam và chính thức cách ly, cắt nguồn lây ra cộng đồng, thì 6-2 là ngày thứ 15 tại TP HCM và Long An chưa ghi nhận trường hợp nào liên quan đến bệnh, đồng nghĩa đã không cần phải hồi hộp lo về các ca bệnh mà 2 cha con người Trung Quốc đã lỡ phát tán tại 2 địa phương này nữa bởi viêm phổi cấp do nCoV gây ra có thời gian ủ bệnh tối đa là 14 ngày.
Kỷ niệm 65 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27.2.1955- 27.2.2020) đang đến gần. Hãy dành những hy vọng tốt đẹp nhất vào thành quả của đội ngũ thầy thuốc Việt Nam trong phòng chống dịch nCoV.
Bình luận (0)