* Phóng viên: Thưa bà, sau gần 3 năm triển khai Đề án "Xây dựng TP HCM trở thành đô thị thông minh (ĐTTM) giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025" (gọi tắt: Đề án), diện mạo ĐTTM dần hình thành và ngày một rõ nét?
- Bà VÕ THỊ TRUNG TRINH: Trong thời gian qua, TP HCM đã dành rất nhiều nguồn lực, tổ chức triển khai quyết liệt Đề án và đã đạt được một số kết quả nhất định, có nhiều đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của TP. Đến nay, Đề án đã hoàn thành giai đoạn 1 và đang triển khai giai đoạn 2. Bốn trụ cột của ĐTTM đã đi vào hoạt động.
Trụ cột thứ nhất, Kho dữ liệu dùng chung và Hệ sinh thái dữ liệu mở đã tích hợp nhiều dữ liệu hiện có của các sở, ngành TP, phục vụ cho nhu cầu kết nối, chia sẻ, khai thác dữ liệu của các cơ quan nhà nước TP, bao gồm: thông tin doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, giao dịch bảo đảm, dữ liệu về đăng ký quyền sử dụng nhà ở, đất ở. Đồng thời, TP đã triển khai thử nghiệm cung cấp dữ liệu mở về: cơ sở khám chữa bệnh; chứng chỉ hành nghề y; cơ sở giáo dục; dịch vụ giáo dục; dự án đầu tư nước ngoài; dự án đầu tư công.
Trụ cột thứ hai là Trung tâm Điều hành ĐTTM - giai đoạn 1 đi vào vận hành tại Văn phòng UBND TP. Trung tâm đã kết nối, tích hợp gần 1.500 camera trên địa bàn, trong đó phân tích nâng cao dữ liệu cùng lúc 50 camera, gồm: nhận diện khuôn mặt, nhận dạng loại phương tiện, phát hiện đám đông, các sự cố về giao thông, an ninh trật tự... Nâng cấp, mở rộng Cổng thông tin tiếp nhận và giải đáp thông tin cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp (Cổng thông tin 1022) với các phương thức tiếp nhận phản ánh: gọi điện thoại đến đầu số 1022, gửi email, website, ứng dụng 1022 trên điện thoại thông minh, fanpage 1022 trên mạng xã hội Facebook.
Trụ cột thứ ba là Trung tâm Mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội đã được thành lập. Đây là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Viện Nghiên cứu phát triển. Đến nay đã hoàn thành tài liệu tổng hợp các phương pháp dự báo khoa học, ứng dụng các mô hình để dự báo một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu của TP.
Trụ cột thứ tư là Trung tâm An toàn thông tin. UBND TP đã phê duyệt Đề án thành lập Công ty CP Vận hành Trung tâm An toàn thông tin TP và chấp thuận chủ trương cho Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn góp vốn thành lập Công ty CP Vận hành Trung tâm An toàn thông tin TP và nắm giữ 55% cổ phần. Cùng với đó, từ kinh nghiệm thí điểm ĐTTM tại quận 1 và quận 12, các quận - huyện còn lại đang tổ chức phê duyệt đề án và triển khai thực hiện.
Trung tâm Giám sát, điều khiển giao thông thông minh TP HCM đã vận hành Ảnh: HOÀNG TRIỀU
* Những sản phẩm nào từ ĐTTM mà người dân đã được hưởng thụ?
- Mục tiêu cuối cùng của TP HCM khi xây dựng ĐTTM là làm sao phục vụ đời sống người dân ngày càng tốt hơn. Người dân vừa là đối tượng phục vụ vừa tham gia xây dựng ĐTTM. Hiểu được điều đó, TP đã triển khai nhiều ứng dụng, giải pháp công nghệ hiện đại trong các lĩnh vực, bước đầu đã cung cấp một số tiện ích cho người dân, doanh nghiệp.
Như ở lĩnh vực giao thông, Cổng thông tin giao thông http://giaothong.hochiminhcity.gov.vn/ kết hợp với 70 bảng thông tin giao thông điện tử (VMS) thường xuyên cập nhật, cung cấp trực tuyến cho người dân các thông tin liên quan về tình hình giao thông, các tiện ích trong quá trình tham gia giao thông theo thời gian thực, đồng thời tiếp nhận và xử lý các phản ánh của người dân về các sự cố hạ tầng giao thông. TP cũng triển khai Cổng thông tin hệ thống thoát nước TP tại địa chỉ https://chongngap.hochiminhcity.gov.vn/, giúp người dân có đầy đủ các thông tin về ngập lụt, khí tượng, thủy văn để chủ động ứng phó, giảm nhẹ thiệt hại do ngập lụt gây ra. Về quy hoạch, TP đã triển khai ứng dụng Thông tin quy hoạch TP tại địa chỉ https://thongtinquyhoach.hochiminhcity.gov.vn, giúp người dân tra cứu bản đồ hình ảnh các thông tin quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch giao thông, quy hoạch cao độ nền toàn TP; cung cấp dưới dạng dữ liệu số các thông tin quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch giao thông, quy hoạch cao độ nền tại khu vực trung tâm hiện hữu TP, Thủ Thiêm (quận 2), quận 12 và quận Thủ Đức. TP cũng thực hiện công bố thông tin các dự án xây dựng đã được cấp phép lên Cổng thông tin điện tử của Sở Xây dựng để người dân, doanh nghiệp thực hiện tra cứu thông tin.
Ngành y tế đã cho phép tra cứu trực tuyến về giấy phép, phạm vi hoạt động chuyên môn của cá nhân người hành nghề và cơ sở y tế; triển khai hồ sơ bệnh án điện tử tại Bệnh viện quận Thủ Đức; triển khai ứng dụng "Tra cứu nơi khám chữa bệnh" và nhiều ứng dụng tiện ích cho người bệnh tại các bệnh viện như quầy tiếp nhận đăng ký khám bệnh tự động tại khoa khám bệnh và ki-ốt tra cứu giá dịch vụ kỹ thuật, giá thuốc. Ngành giáo dục đã triển khai mô hình "Trường học thông minh - An toàn - Không sử dụng tiền mặt" với các tiện ích: điểm danh, đóng học phí, máy bán hàng tự động, thanh toán tại các căng-tin, xe đưa rước... mà không sử dụng tiền mặt.
* Với kết quả triển khai vừa qua, TP sẽ ưu tiên những việc gì để tiếp tục xây dựng ĐTTM, thưa bà?
- Thời gian tới, TP HCM tiếp tục hoàn thiện 4 trụ cột. Bởi đây là điều kiện tiên quyết để triển khai thành công ĐTTM. Cùng với đó là đẩy nhanh tiến độ đề án xây dựng ĐTTM tại các quận - huyện. TP sẽ tiếp tục tăng tốc nhằm chuyển sang giai đoạn ứng dụng rộng rãi những kết quả đạt được trên toàn TP. TP cũng triển khai hiệu quả kiến trúc Chính quyền điện tử của TP, phục vụ quá trình chuyển đổi số, hướng tới mục tiêu xây dựng chính quyền số; triển khai ứng dụng các giải pháp công nghệ hiện đại trong quản lý, nghiên cứu ứng dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data), internet vạn vật (IoT)...
Bên cạnh đó, TP đã ban hành chương trình Chuyển đổi số nhằm định hướng và đề ra các giải pháp để chủ động tối ưu hóa các lợi ích từ chuyển đổi số trong mối tương quan với Đề án Xây dựng TP HCM trở thành ĐTTM và Kiến trúc Chính quyền điện tử TP, đồng thời giảm thiểu các tác động tiêu cực do quá trình chuyển đổi số gây nên, nhất là phù hợp với chương trình Chuyển đổi số quốc gia.
Một đầu việc rất quan trọng khác là tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các tổ chức, người dân và doanh nghiệp nắm rõ mục đích, ý nghĩa của Đề án, qua đó khuyến khích lực lượng này tham gia đề xuất các giải pháp, sáng kiến xây dựng TP HCM sớm trở thành ĐTTM. Bởi vì, sự cam kết của các cấp chính quyền và sự ủng hộ từ người dân, doanh nghiệp đối với Đề án là yếu tố quan trọng để triển khai đạt được hiệu quả cao nhất.
Nổi bật với kiến trúc Chính quyền điện tử
Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Võ Thị Trung Trinh cho biết việc TP HCM ban hành Kiến trúc Chính quyền điện tử là một điểm nổi bật trong việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin tại TP. Kiến trúc Chính quyền điện tử TP đóng vai trò là kế hoạch tổng thể giúp định hướng triển khai một cách thống nhất và đồng bộ ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước của TP, hướng đến xây dựng chính quyền số, đáp ứng các mục tiêu chiến lược của TP về phát triển thành một ĐTTM, hỗ trợ hiệu quả các chương trình đột phá của TP, đặc biệt là chương trình cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người dân.
Đến nay, TP đã đạt một số kết quả cụ thể trong triển khai chính quyền điện tử về dịch vụ công trực tuyến, liên thông văn bản điện tử... Tổng số dịch vụ công trực tuyến là 1.292 dịch vụ, trong đó mức độ 3: 989 dịch vụ; mức độ 4: 303 dịch vụ. Đã thực hiện gửi và nhận văn bản điện tử trên phạm vi toàn TP; liên thông kết nối 751 đơn vị trên địa bàn với hơn 5,8 triệu văn bản điện tử được gửi và nhận qua Trục liên thông của TP. Hệ thống một cửa điện tử giúp lãnh đạo giám sát được tình trạng xử lý hồ sơ của đơn vị, biết được nguyên nhân trễ hạn thông qua báo cáo tổng hợp tự động hằng tuần thông qua hệ thống mạng và tin nhắn. TP đã triển khai nhiều ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ tác nghiệp tại các sở, ban, ngành, quận, huyện như: quản lý hồ sơ cấp phép lao động nước ngoài; cấp phép lưu thông đường cấm, giờ cấm, lưu hành đặc biệt; cấp giấy phép liên vận quốc tế; cấp phép xây dựng công trình thiết yếu; cấp phép xây dựng, quản lý khiếu nại - tố cáo; cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hộ cá thể, đăng ký sử dụng lao động, quản lý hồ sơ chứng thực.
Bình luận (0)