Đập thủy lợi Khe Ngang (xóm 2, xã Thanh Lâm, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) do UBND huyện Thanh Chương làm chủ đầu tư được xây dựng để tích nước tưới cho hơn 30 ha lúa ở xã. Sau khi đầu tư khoảng 14 tỉ đồng, hoàn thành xong, dự án không phát huy tác dụng, đáy đập bị rò rỉ, không tích trữ được nước.
Xót xa tiền tỉ bỏ hoang
Từ năm 2015 đến nay, công trình không sử dụng, thân đập, tấm chắn và xả nước, cống dẫn xuống cấp, hư hỏng. Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch UBND xã Thanh Lâm, cho biết đầu tư tốn kém nhưng thiết kế đập không hợp lý, lòng hồ quá nhỏ nên chỉ tích được một ít nước, không đủ cung cấp nước tưới cho sản xuất. Giờ lòng đập bị đất đá bồi lắng, một số hạng mục bị hư hỏng, sửa chữa rất tốn kém nhưng hiệu quả không như mong muốn.
Đập Khe Ngang ở xã Thanh Lâm, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An nhiều năm không tích được nước
Tương tự, đập Hố Môn ở xóm 6, xã Thịnh Thành, do UBND huyện Yên Thành làm chủ đầu tư với số tiền 6 tỉ đồng. Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại Sông Lam (trụ sở tại TP Hà Nội) thi công và đưa vào sử dụng năm 2015. Sau khi hoàn thành vào năm 2015, khu vực thân đập nước bị rò rỉ chảy thành dòng, đập không thể tích nước. Đến cuối tháng 11-2019, nhiều hạng mục của dự án hư hỏng, nước vẫn chảy rò rỉ qua thân đập.
Ông Nguyễn Vương Ngọc - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An - thừa nhận do đơn vị thi công thiếu kinh nghiệm, quá trình thi công sai sót. Để xảy ra tình trạng trên, một phần có lỗi của chủ đầu tư khi giám sát việc thực hiện dự án. Còn ông Phạm Quang Sáng, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án huyện Yên Thành, khẳng định nhiều lần yêu cầu nhưng nhà thầu chưa khắc phục được nên không thể nghiệm thu, bàn giao dự án.
Đội vốn lên 140 tỉ đồng
Dự án Hệ thống thủy lợi Khe Lại - Vực Mấu giai đoạn 1 do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Nghệ An làm chủ đầu tư, được xây dựng tại xã Tân Thắng, huyện Quỳnh Lưu. Dự án nhằm cấp nước tưới cho 1.524 ha đất canh tác, cấp nước sinh hoạt cho 11.700 người, bổ sung nước cho hồ Vực Mấu 13,4 triệu m3/năm và tham gia cắt giảm lũ trên sông Hoàng Mai.
Dự án được khởi công năm 2010 với tổng mức đầu tư hơn 227,8 tỉ đồng. Đến năm 2017, dự án cơ bản hoàn thành đập phụ 1 và 2, cống lấy nước, đường quản lý, đường điện, tràn xả lũ; cầu Khe Lại đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Về công tác giải phóng mặt bằng, đã đền bù được 86 ha. Tổng số tiền giải ngân để xây dựng và đền bù của dự án này là 198 tỉ đồng.
"Trước đây, họ xây dựng rầm rộ. Thế nhưng, khoảng 2 năm nay rồi không thấy ai làm gì ở công trình này cả" - bà V.T.T (trú xã Tân Thắng, huyện Quỳnh Lưu) chia sẻ.
Đại diện Ban Quản lý dự án ngành NN-PTNT tỉnh Nghệ An, đơn vị trực tiếp quản lý dự án Hệ thống thủy lợi Khe Lại - Vực Mấu giai đoạn 1, cho biết do thi công kéo dài, các gói thầu xây lắp cần được bổ sung do trượt giá về vật liệu, máy móc, nhân công, đặc biệt kinh phí giải phóng mặt bằng tăng đáng kể. Ngoài ra, quá trình khảo sát ban đầu diện tích đất khu vực lòng hồ chưa sát với thực tế. Khi lập dự án, các đơn vị liên quan tính đất lòng hồ là đất rừng trong khi thực tế diện tích trên đã được giao cho người dân quản lý và sử dụng nên tiền đền bù giải phóng mặt bằng đội lên. Để tích nước như mục tiêu dự án thì khái toán số vốn cần khoảng 368 tỉ đồng, tăng khoảng 140 tỉ đồng so với phê duyệt ban đầu.
Ông Nguyễn Hào, Giám đốc Ban Quản lý dự án ngành NN-PTNT tỉnh Nghệ An, cho hay nguồn vốn không cấp một lần mà trải đều qua từng năm, chi phí giải phóng mặt bằng tăng nên gặp khó khăn trong việc trả tiền đền bù. Từ năm 2017 tới nay không được tiếp tục cấp vốn nên dự án phải dừng. Sau khi đầu tư khoảng 200 tỉ đồng, giờ các hạng mục công trình phơi mưa nắng năm này qua năm khác. Chủ đầu tư là Sở NN-PTNT tỉnh Nghệ An đã nhiều lần làm tờ trình kiến nghị Bộ NN-PTNN, trung ương bố trí vốn nhưng không có kết quả.
"Dự kiến đến năm 2021, dự án mới được tiếp tục bố trí vốn. Càng để dự án kéo dài, không được cấp tiếp kinh phí thì nguy cơ đội vốn lại càng tiếp tục tăng lên" - ông Hào thừa nhận.
Nhiều hộ dân bị ảnh hưởng
Dự án Hệ thống thủy lợi Khe Lại - Vực Mấu giai đoạn 1 thi công kéo dài ngoài việc không thể cấp nước sinh hoạt cho 11.700 người, cắt lũ trên sông Hoàng Mai, còn ảnh hưởng đến đời sống của 60 hộ dân ở xã Tân Thắng có đất nằm trong khu vực dự án.
"Hiện 60 hộ dân có diện tích đất bị ảnh hưởng khi thực hiện dự án nhưng chưa nhận tiền đền bù khiến đời sống của người dân gặp khó khăn. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị nhưng vẫn chưa được giải quyết" - một lãnh đạo xã Tân Thắng nói.
Bình luận (0)