Đợt nghỉ lễ 30-4 và 1-5 năm nay gặp lúc thời tiết nóng bức khó chịu nên các khu du lịch, vui chơi ven biển dự báo sẽ đông nghẹt du khách.
Đổ về miền Trung
Ngày 25-4, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) tỉnh Phú Yên cho biết đến thời điểm này, du khách đã đặt kín phòng khách sạn từ 2 sao trở lên. Thống kê mới nhất của các cơ sở lưu trú cho thấy tổng lượng khách du lịch đến Phú Yên từ ngày 27-4 đến 1-5 khoảng 42.165 lượt, tăng 20% so cùng kỳ năm 2018.
Trong đó, khách quốc tế đạt khoảng 580 lượt. Đây là năm đầu tiên, tỉnh Phú Yên đón nhiều khách quốc tế đến nghỉ dưỡng, du lịch như vậy chỉ trong một dịp lễ. Ngoài lượng khách đi theo tour chủ yếu đến từ Hà Nội, TP HCM, lượng khách lẻ đi du lịch theo nhóm, theo gia đình từ các tỉnh lân cận cũng đông hơn mọi năm.
Ông Cao Hồng Nguyên, Trưởng Phòng Quản lý du lịch Sở VH-TT-DL tỉnh Phú Yên, cho hay ngoài các khách sạn từ 2 sao trở lên đã kín chỗ, các khách sạn còn lại và homestay đều đạt trung bình hơn 80% số phòng được đặt chỗ.
Thắng cảnh quốc gia Gành Đá Đĩa (tỉnh Phú Yên) được nhiều du khách yêu thíchẢnh: HỒNG ÁNH
Ngay trước lễ, tỉnh Phú Yên đã đưa vào sử dụng hàng loạt khách sạn từ 2 đến 5 sao, nâng số buồng lưu trú du lịch lên 3.300 nhưng vẫn không đáp ứng đủ.
Ông Văn Tấn Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thời trang Thiên Quang (Phú Yên), cho hay công ty đã kịp đưa vào sử dụng 250 phòng khách sạn 5 sao và villa cũng như nhà hàng ven biển Rosa. Toàn bộ số phòng đã được đặt kín từ ngày 27 đến 30-4 với giá 1,6-1,8 triệu đồng/ngày đối với phòng khách sạn và 4,5-10 triệu đồng/ngày đối với villa. Giá này không tăng trong dịp lễ.
Tại Khánh Hòa, Sở Du lịch tỉnh dự báo lượng khách đổ về đạt hơn 149.000 lượt, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2018; trong đó khách quốc tế đạt 44.400 lượt, tăng 38%. "Dù năm qua, số khách sạn ở đây mọc lên nhiều nhưng đối với nhóm khách sạn từ 3-5 sao, công suất bình quân đã đạt gần 90%-95%. Khách quốc tế tăng mạnh vì sản phẩm du lịch đã đa dạng hơn, đáp ứng được nhu cầu của họ. Cùng với đó, các hãng lữ hành chú trọng đến việc quảng bá..." - bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, cho biết.
Dịp lễ này, "thủ đô resort" Bình Thuận dự kiến sẽ đón trên 100.000 lượt du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Bình Thuận đang hướng đến đối tượng khách đoàn đông từ các cơ quan, đơn vị, trường học.
Theo bà Trương Thị Hồng Hạnh, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng, tổng lượng khách đến tham quan, du lịch tại TP ước đạt 373.000 lượt, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2018. Dịp này, các khu du lịch đã tổ chức quảng bá các hoạt động, dịch vụ tại Lễ hội Pháo hoa quốc tế 2019 sắp tới để thu hút khách.
TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế dịp này sẽ diễn ra Festival Nghề truyền thống Huế lần thứ 8 nên dự kiến có rất nhiều du khách, người dân tham gia lễ hội.
Hòa mình với biển
Ông Cao Hồng Nguyên cho hay khách đến Phú Yên đều ưu tiên số 1 là đến với biển. Vì vậy, các công ty lữ hành thiết kế các tour biển, đảo chủ yếu như tour đón bình minh trên Mũi Điện, tắm biển bãi Môn, thăm di tích tàu Không Số; tour viếng chùa Đá Trắng, thăm nhà thờ Măng Lăng, chiêm ngưỡng thắng cảnh cấp quốc gia Gành Đá Đĩa... Xa hơn nữa là tour du thuyền trên vịnh Xuân Đài, thưởng thức hải sản.
Dịp lễ 30-4 năm nay ở Khánh Hòa trùng với lễ hội Tháp Bà Ponagar. Ông Nguyễn Tuấn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Khánh Hòa, cho hay hiện đã có hơn 100 đoàn khách đăng ký tham dự lễ hội. Ước tính, hơn 100.000 lượt khách thập phương sẽ hành hương về đây.
Các khu du lịch biển đảo ở Nha Trang đang tổ chức đợt khuyến mãi rầm rộ. Khu vui chơi giải trí Vinpearl Land Nha Trang đã đầu tư, đưa Đồi Vạn hoa vào phục vụ với giá ưu đãi. Khu Du lịch Trăm Trứng tổ chức nhiều chương trình vui chơi miễn phí như "Vòng quay may mắn". Khu Du lịch Đảo Khỉ xây dựng khu check-in Zone đưa vào phục vụ du khách chụp ảnh với giá ưu đãi nhằm tạo thêm điểm nhấn. Cùng với đó, các khu mua sắm đồ lưu niệm cũng thông báo giảm giá 30% .
Trong khi đó, tại Bình Thuận, nhiều du khách đã chọn đảo Phú Quý nghỉ lễ. "Tôi chọn nơi đây vì nghe bạn giới thiệu có nhiều bãi tắm hoang sơ như Triều Dương, Doi Dừa, Gành Hang, Dọc Doi..., có thể thỏa thích ngâm mình trong làn nước trong xanh rồi thưởng thức các loại hải sản hảo hạng như: cua huỳnh đế, tôm hùm, cá mú... Nghe đã mê!" - chị Nguyễn Huỳnh Huệ Hoa, một du khách từ TP HCM đến sớm với Phú Quý, chia sẻ.
Chuẩn bị đón tiếp lượng lớn du khách sẽ đến Bình Thuận, Sở VH-TT-DL tỉnh đã công bố 2 số điện thoại đường dây nóng: (0252) 3810801 và (0252) 3608222 để nhận phản hồi thông tin và hỗ trợ khi cần thiết.
Đà Lạt kêu gọi không xả rác
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Lâm Đồng, cho biết nắm bắt nhu cầu du khách đến Đà Lạt nghỉ dưỡng, tránh nắng, ngành du lịch tỉnh này đã chuẩn bị từ trước.
Các điểm du lịch có những chương trình mới. Các công ty lữ hành xây dựng thêm tour mới để du khách lựa chọn, bảo đảm tuyệt đối an toàn. Ngoài ra, ngành du lịch tỉnh cũng vận động, nhắc nhở du khách giữ gìn vệ sinh chung. Hiện Lâm Đồng có hơn 1.000 cơ sở lưu trú du lịch với tổng số gần 20.000 phòng, trong đó 30 khách sạn 3-5 sao với 2.500 phòng.
Chặn hành vi "chặt chém"
Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, cho hay tỉnh này từng xảy ra nhiều vụ "chặt chém" du khách từ ăn uống đến đi lại, nhất là trong các dịp lễ. Vì vậy, đợt này, Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa đã yêu cầu các công ty du lịch phải tư vấn về giá cả cho du khách, không để hướng dẫn viên du lịch có hành vi sai trái. Đồng thời, sở cũng đề nghị cơ quan chức năng làm rõ, xử lý nghiêm những hành vi "chặt chém".
Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa cử thành phần phối hợp với đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh kiểm tra các cơ sở lưu trú du lịch trong việc chấp hành kê khai giá, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết. Tỉnh Khánh Hòa công bố đường dây nóng (0258) 3528000 - 094 752 8000 của Sở Du lịch và (0258) 3822072 của Sở Tài chính.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Quý, chủ nhà hàng Con Lợn Béo (TP Nha Trang), cho rằng dịp lễ là cơ hội để mọi người thư giãn, nghỉ ngơi. "Chúng ta cần thay đổi tư duy, thay vì "chặt chém" du khách thì hãy giảm giá, nâng cao chất lượng dịch vụ để họ có chuyến nghỉ ngơi thoải mái, ấn tượng về Nha Trang" - ông Quý bày tỏ.
Du khách tham quan các khu bán hàng lưu niệm ở Nha Trang Ảnh: KỲ NAM
Ông Lê Kim Nhựt - Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Nha Trang Trẻ, Chủ tịch Diễn đàn Xúc tiến du lịch Nha Trang - đề nghị để hạn chế "chặt chém", các công ty lữ hành và sở, ngành cần khẩn trương có các cẩm nang, trong đó nêu cụ thể khi đến Khánh Hòa nên làm gì, ăn ở đâu để phát cho du khách. Du khách cũng cần là khách hàng thông thái. "Cơ quan chức năng phải tăng cường kiểm tra, xử lý rốt ráo, phạt nặng, thu hồi giấy phép kinh doanh... thì mới làm trong sạch môi trường du lịch" - ông Nhựt nhận xét.
Tại Phú Yên, ông Phạm Văn Bảy, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh, cho rằng xưa nay, nói đến Phú Yên là nói đến vùng đất thân thiện và mến khách. Thức ăn và giá cả dịch vụ ở đây nổi tiếng ngon và rẻ. Giá bán cho người địa phương và cho khách du lịch đều như nhau.
"Chúng tôi cố gắng giữ hình ảnh ấy trong lòng du khách. Chúng tôi không chấp nhận hành vi nào mang tính "chặt chém" ở vùng đất này. Điều đó chúng tôi cũng đã nói rõ với các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch" - ông Bảy khẳng định.
Trong khi đó, ông Lê Văn Hộ, chủ quán Hương Giang (tỉnh Phú Yên) - từng bị phản ứng với đĩa sò điệp có giá 680.000 đồng, một lần nữa khẳng định giá bán này đúng với niêm yết và cơ quan chức năng đã xác định giá bán thấp hơn một số nơi. "Quán chúng tôi xưa giờ không có ý niệm tăng giá trong các dịp lễ, Tết. Dịp lễ này, chúng tôi cũng vẫn giữ nguyên giá, dù một số mặt hàng nhập về có tăng" - ông Hộ nói.
Kỳ Nam - Hồng Ánh
Bình luận (0)