Ngày 17-2, đoàn công tác của Bộ Tổng tham mưu cùng cơ quan chức năng và lãnh đạo hai tỉnh Đắk Lắk và Lâm Đồng đến kiểm tra thực tế vụ phá rừng đặc dụng tại hai vườn quốc gia Chư Yang Sin và Bidoup - Núi Bà.
Theo đó, đoàn công tác đi dọc tuyến đường đã bị san ủi tại hai Vườn Quốc gia Chư Yang Sin (Đắk Lắk) và Bidoup - Núi Bà (Lâm Đồng).
Chiều cùng ngày, đoàn công tác của Bộ Tổng tham mưu cùng các ngành chức năng sẽ làm việc, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm các bên liên quan đến vụ ủi rừng đặc dụng khi chưa chuyển đổi mục đích.
Tuyến đường Trường Sơn Đông mở xuyên hai Vườn Quốc gia thì rừng bị tàn phá.
Như Báo Người Lao Động đã thông tin, hàng chục ha rừng đặc dụng của hai Vườn Quốc gia Chư Yang Sin (tỉnh Đắk Lắk) và Bidoup – Núi Bà (tỉnh Lâm Đồng) đã bị san ủi trái phép khi các đơn vị thi công dự án đường Trường Sơn Đông.
Qua đó, rừng chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt chuyển đổi, việc phá rừng không có sự giám sát của chủ rừng, cơ quan chức năng, tổng số lượng gỗ đã bị phá là rất lớn, tài nguyên quốc gia đang bị thất thoát, dư luận đặt nhiều câu hỏi về khối lượng gỗ được khai thác đã đi đâu?!
Theo ghi nhận của phóng viên, tại hiện trường phá rừng để làm đường Trường Sơn Đông thuộc các tiểu khu 22 và 26, lâm phần Vườn Quốc gia Bi Đoup - Núi Bà, thuộc địa giới hành chính xã Đưng K’Nớ, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng.
Hiện trường vụ tự ý phá rừng mở đường gây thiệt hại về rừng địa phận Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà Lâm Đồng.
Tại đây, một con đường dài hơn 3 km đã được mở xuyên qua các trạng thái rừng hỗn giao gỗ lá rộng - lồ ô, rừng lá kim nghèo, rừng lá kim trung bình và đất trống của Vườn Quốc gia Bi Đoup - Núi Bà.
Dọc theo lề tuyến đường hiện chỉ còn lại rải rác dấu vết một số cây rừng bị san ủi, múc bật gốc, bị đất đá san lấp...
Ông Nguyễn Lương Minh, Phó giám đốc Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà, cho biết để phục vụ dự án đường Trường Sơn Đông, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có quyết định thu hồi 13,5 ha của vườn giao cho Ban quản lý dự án 46. Theo quy định, việc thi công chỉ được tiến hành sau khi cấp có thẩm quyền phê duyệt chuyển đổi rừng, chính quyền và ngành chức năng địa phương tiến hành giải phóng mặt bằng, tận thu lâm sản, bàn giao mặt bằng.
"Tuy nhiên, khi chưa hoàn thành các thủ tục thì đơn vị thi công đã tự ý vào san ủi rừng. Việc này là trái các quy định nhà nước và hiện vẫn chưa thể xác định khối lượng gỗ bị thiệt hại, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng đang vào cuộc xác minh, kiểm kê sau đó sẽ có báo cáo gửi UBND tỉnh để làm rõ trách nhiệm của các bên…" – ông Minh nói thêm.
Một số hình ảnh đoàn công tác kiểm tra vụ phá rừng đặc dụng làm đường Trường Sơn Đông:
Đoàn công tác kiểm tra vụ phá rừng đặc dụng làm đường Trường Sơn Đông
Bình luận (0)