Với thực trạng huy động nguồn vốn ngày càng khó khăn, từ vay ngân hàng thông qua dự án đến huy động trái phiếu, huy động từ khách hàng và cả kênh chứng khoán thì chắc chắn thời gian tới nhiều doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực bất động sản (BĐS) đuối sức. Hệ lụy rất khó lường.
Đã đói vốn còn gặp khó
Là chủ một DN đang triển khai một số dự án BĐS, bà Đặng Thị Kim Oanh - Tổng Giám đốc Công ty Địa ốc Kim Oanh - khẳng định các DN BĐS hiện hầu hết khó khăn, khó tiếp cận và rất đuối bởi có hai nguồn vốn tiếp cận chính từ ngân hàng thì đã bị hạn chế, với các điều kiện vay thực sự khắt khe như phải có đầy đủ pháp lý 100% và coi như đủ điều kiện mới có thể vay, còn khách hàng muốn vay được thì dự án phải bảo đảm đủ điều kiện từ giấy phép xây dựng, có chứng nhận quyền sử dụng đất... thì mới cho vay đặt cọc.
Đặc biệt, theo bà Oanh, hiện có thay đổi chính sách, quy định liên quan BĐS như siết vốn, đánh thuế… đã làm người mua ngại nên không mạnh dạn xuống tiền.
Cùng quan điểm, ông Ngô Đức Sơn, Tổng Giám đốc DRH Holding, cho rằng rất nhiều DN dù không kêu than nhưng thực tế là đang kiệt sức, bởi các kênh liên quan nguồn vốn đều bị "bóp". Một trong những khó khăn lớn là 2 năm qua các DN được phát hành trái phiếu để triển khai dự án thì nay đã đến thời hạn trả nợ, thanh toán lãi…, mà kênh này thì đang bị "siết", nợ chồng nợ, khó chồng khó.
Ông Sơn nhận định sắp tới có khả năng lặp lại kịch bản của năm 2006-2007 và nguy cơ tái diễn cuộc khủng hoảng 2008-2012 rất cao, quan trọng là thời điểm này khác trước nên DN sẽ khó khăn nhiều hơn. Bởi giai đoạn 2007-2012 nền kinh tế đang tốt nhưng bị ảnh hưởng khủng hoảng tài chính thế giới nên DN trở tay không kịp, "chết" nhanh. Nay, DN BĐS hầu hết đuối sức và chắc chắn nếu chính sách không thay đổi thì sẽ có nhiều DN rời bỏ thị trường.
Nhiều DN triển khai dự án, chôn vốn nhưng 2 năm qua không thu thêm được tiền. DN triển khai được thì bán cũng khó khăn vì người mua lo sợ dòng tiền không ổn định, không bảo đảm thanh toán đúng tiến độ. Tại TP Thủ Đức, một DN triển khai dự án giá rất cao nên bán 5-6 lần vẫn không đạt hiệu quả với lượng khách giữ chỗ rất thấp.
Các công trình xây dựng giải quyết việc làm cho nhiều người cũng như tiêu thụ vật liệu xây dựng
Tạo động lực cho nền kinh tế
Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng vốn là "máu" để nuôi nền kinh tế, trong đó vốn cho BĐS là mấu chốt về vĩ mô, không chỉ cứu ngành BĐS mà còn tạo động lực cho nền kinh tế.
Thời gian qua, giải ngân đầu tư công quá chậm, trong khi dòng vốn tư nhân lại mạnh, để xảy ra nhiều hệ lụy làm bất ổn thị trường. "Chuyện bơm tiền cho nền kinh tế trên tinh thần phục hồi và phát triển phải tiến hành sớm và không rón rén, ngắt quãng, đợi thị trường gục rồi lại bơm tiếp" - ông Thiên khuyến cáo.
Nguy cơ nhãn tiền thị trường BĐS "sụp", DN rời thị trường theo một chuyên gia tài chính - sẽ kéo theo hàng loạt DN gặp khó. Bởi đây là ngành xương sống, liên quan nhiều ngành nghề khác như vật liệu xây dựng, trang trí nội thất, thiết kế, xây dựng, đầu tư… Như hồi năm 2009, trong khi giá thép thế giới 18 triệu đồng/tấn thì ở Việt Nam chỉ còn 14 triệu đồng mà thanh khoản không có, vì quá ít công trình xây dựng, nhiều ngành liên quan đều trì trệ.
Theo bà Dương Thùy Dung, Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam, bên cạnh những tín hiệu tích cực trong giai đoạn đầu năm, thị trường BĐS đang đối mặt với nhiều khó khăn trước mắt, bao gồm vấn đề cấp phép; những thay đổi trong quy định pháp luật và chính sách thắt chặt tín dụng; chi phí tăng và đặc biệt là mất cân đối cung cầu. Những thách thức này sẽ buộc cả chủ đầu tư và người mua phải theo dõi chặt chẽ các chuyển động của kinh tế vĩ mô và tự hoạch định giải pháp tối ưu cho mình.
Cả 4 nguồn vốn đều tắc
Nhấn mạnh dòng tiền quyết định sự thành công hay thất bại của một DN BĐS, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM (HoREA), cho rằng dòng tiền của thị trường BĐS đến từ 4 nguồn chính: Vốn tín dụng, trái phiếu, FDI và vốn từ khách hàng nhưng tất cả đều bị tắc. Vốn tín dụng được xem là bà đỡ của DN, chiếm tới 80%-85%, thì đang bị "kiểm soát". Vốn từ thị trường trái phiếu đang bị hạn chế vì các yếu tố an toàn dòng tiền. Vốn từ khách hàng là nguồn vốn tốt nhất, hiệu quả nhất thì yêu cầu để bán ra cho khách hàng, DN phải bảo đảm tất cả các điều kiện đều đúng, đủ, trong khi đây là điều cực kỳ khó vì nhiều vướng mắc pháp lý. Trong khi đó, gói hỗ trợ phục hồi kinh tế 350.000 tỉ đồng, bao gồm gói 15.000 tỉ đồng hỗ trợ cho nhà ở xã hội, thì giải ngân rất chậm. Trên tất cả, vướng mắc lớn nhất của thị trường BĐS là thể chế pháp luật.
Bình luận (0)