Sáng 21-3, đông đảo người dân làng Nam Ô vẫn tập trung tại khu vực lối đi xuống biển sát ghềnh đá Nam Ô. Theo nhiều người dân, họ tập trung tại đây để phản đối việc Tập đoàn Trung Thủy dựng rào chắn của dự án khu du lịch sinh thái Lancaster Nam Ô, chặn lối xuống biển bao đời nay của người dân.
Bít lối mưu sinh
Ông Nguyễn Văn Tân, một người dân làng Nam Ô, cho hay chủ đầu tư đã làm hàng rào thép và che kín bằng tôn một đoạn bờ biển dài gần 2 km ở vùng biển Nam Ô từ tháng 7-2017. "Từ khi lập rào chắn, người dân ở Nam Ô đã bức xúc nhưng vì lối đi chính xuống biển vẫn để mở nên không ai nói gì. Từ hôm 20-3, bảo vệ dự án bỗng bít luôn lối đi xuống biển khiến người dân bức xúc và tập trung phản đối" - ông Tân nói.
Theo nhiều người dân làng Nam Ô, người trong làng phần đông sống bằng nghề đi biển nên lối xuống biển là đường mưu sinh của nhiều thế hệ. Hằng ngày, dân làng đi xuống biển bằng lối này để đánh bắt cá hay tắm biển. Khoảng bãi biển rộng đã được rào kín trước đây cũng là sân bóng cho cả làng sinh hoạt cộng đồng. Vì quá bức xúc, nhiều người trong làng đã đập phá hàng rào, dỡ rào chắn. "Biển là của dân, không ai được phép bán biển, chủ đầu tư mua đất nhưng họ có trả tiền để mua biển hay không? Người dân làng Nam Ô bao đời nay sống nhờ biển. Nay bịt lối xuống biển thì bảo sao chúng tôi không phản ứng" - bà Nguyễn Thị Chín, một người dân, bày tỏ.
Cũng theo người dân Nam Ô, khu vực ghềnh đá thuộc bãi biển Nam Ô có bãi đá tự nhiên rất hoang sơ phủ đầy rêu xanh. Gần đây, nhiều du khách rỉ tai nhau vì địa điểm đẹp này nên rất đông người đến đây tham quan và chụp ảnh. Tuy nhiên, khi du khách tới tham quan thì bị bảo vệ dự án chặn lại không cho xuống biển.
Người dân làng Nam Ô phản đối việc Tập đoàn Trung Thủy bịt kín lối đi xuống biển vào sáng 21-3
Chưa được cấp phép xây dựng
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Hữu Thiết, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu, cho rằng mấy ngày nay, Đảng ủy phường Hòa Hiệp Nam đã tổ chức nhiều cuộc họp để ổn định người dân. Theo ông Thiết, dự án khu du lịch sinh thái Lancaster Nam Ô được phê duyệt cho Tập đoàn Trung Thủy từ năm 2011 với tổng diện tích hơn 36 ha. Dự án đã được phê duyệt nhưng chưa được cấp phép xây dựng nên chủ đầu tư rào lại phần diện tích đã được giao.
"Lối đi xuống biển bị người dân tập trung phản ứng dẫn ra bãi đá hoang sơ. Bãi biển này có nhiều vùng nước xoáy và gần rừng nên nguy cơ dẫn đến đuối nước, cháy rừng nếu người dân và du khách tập trung đông. Quan điểm của UBND quận là chỗ này cũng không cấm người dân địa phương đi lại, có bảo vệ gác nhưng chỉ cho người dân địa phương vào nếu có lý do chính đáng. Còn với du khách thì cảnh báo không cho xuống đây" - ông Thiết giải thích.
Theo ông Thiết, địa phương đã làm việc với Tập đoàn Trung Thủy để cắm mốc cảnh báo nguy hiểm ở vùng biển trên. Người dân muốn hành nghề đánh bắt cá hay tắm biển chỉ cần đi tới một đoạn nữa. Lâu nay, bãi biển cách đó chỉ vài chục mét là chỗ neo đậu tàu thuyền, bãi tắm của người dân địa phương.
Bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Nam, cho biết chủ đầu tư có kế hoạch để lại 5 lối xuống biển cho người dân Nam Ô. Khu vực có lối đi mà người dân phản ứng là đường dẫn xuống ghềnh đá Nam Ô. Ngoài lối đi trên, người dân làng Nam Ô vẫn còn 4 lối khác để xuống biển.
Xin doanh nghiệp từng mét đất
Trong nhiều cuộc họp HĐND của TP Đà Nẵng, vấn đề mở lối xuống biển cho người dân 2 quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn cũng đã được bàn thảo nhưng đến nay vẫn chưa có lối xuống biển nào được mở cho dân. Theo Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, TP đã phê duyệt quy hoạch và lập thủ tục đầu tư 5 lối xuống biển. Trong đó có lối xuống giữa Furama Resort và Cung Hội nghị quốc tế Ariyana với tổng vốn dự kiến đầu tư hơn 5 tỉ đồng, thực hiện trong năm 2018.
Trong một cuộc họp, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho rằng việc mở lối xuống biển gặp khó khăn. "Để giải quyết lối đi xuống biển cho người dân, chính quyền phải thương lượng với các chủ đầu tư để xin họ từng mét đất. Dù vậy, nhiều doanh nghiệp không đồng ý vì họ không muốn khuôn viên khách sạn bị chia cắt" - ông Thơ cho biết.
Bình luận (0)