Bà Trần Thị Lệ, Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm NutiFood, chia sẻ: "Covid-19 ập đến bất ngờ là phép thử đối với năng lực quản trị của DN. DN nào có sự đầu tư cho chiến lược phát triển, dám nhìn thẳng vào vấn đề sẽ tìm được giải pháp thích nghi lẫn cơ hội mới. Qua 2 lần bùng phát dịch, các DN đã xây dựng phương án, kế hoạch dự phòng để đối phó những tình huống tương tự nên sẽ giành được thế chủ động. Giờ là lúc phân tích những giá trị cốt lõi của DN mình, chia sẻ định hướng và tầm nhìn của DN để kêu gọi DN, đối tác, ngân hàng… đồng hành thực hiện".
Doanh nhân, doanh nghiệp tham quan các gian hàng tại sự kiện
Câu chuyện "lội ngược dòng" ngoạn mục của ngành kinh doanh thời trang hàng hiệu gây được sự chú ý. Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương, đưa ra số liệu khá bất ngờ là doanh thu tăng 15%, đồng thời cắt giảm được 20% chi phí trong 8 tháng đầu năm nay trong bối cảnh hầu hết DN may mặc bị sụt giảm doanh thu và nguồn thu "chưa bao giờ có" này có được là do giới nhà giàu Việt Nam không thể ra nước ngoài du lịch kết hợp mua sắm hàng hiệu nên sử dụng nguồn cung trong nước.
Ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh, cho biết càng khó khăn, DN càng bản lĩnh hơn. Cụ thể, Hưng Thịnh đã làm tốt những việc mà trong điều kiện bình thường chưa làm được. Công ty đã tận dụng thời gian thị trường trầm lắng do Covid-19 để tái cấu trúc, áp dụng số hóa và điều chỉnh danh mục sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường. Theo ông Trung, nhà đầu tư bất động sản nên nhìn vào doanh số cơ học là nhu cầu nhà ở thật sự. "Giai đoạn này DN nên cân nhắc dòng vốn, làm sao có thể kéo dài đến lúc có vắc-xin ngừa Covid-19, dự kiến là quý III/2021, thị trường sẽ bùng nổ" - ông Trung dự báo.
Cùng quan điểm, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, cho biết DN ngành xây dựng và bất động sản Việt Nam đang đứng trước thời cơ lớn có thể thay thế nhà thầu Trung Quốc bởi chuỗi cung ứng xây dựng và năng lực cạnh tranh của họ không còn mạnh như trước.
Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM (HUBA), nhìn nhận 2 đợt bùng phát dịch vừa qua là phép thử nặng ký đối với năng lực quản trị của DN. Bên cạnh những DN gặp khó khăn thật sự về nguồn cung lẫn thị trường tiêu thụ thì vẫn có những DN khai thác được khoảng trống thị trường do sự đứt gãy của các chuỗi cung ứng cũng như sự thay đổi của nhu cầu, thói quen tiêu dùng.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng DN Việt Nam đã đi đúng hướng. Yếu tố quan trọng nhất để vượt qua khủng hoảng không phải là DN có bao nhiêu tiền mà tâm thế của doanh nhân như thế nào, khả năng cạnh tranh là chống chịu những biến đổi khó lường.
Bình luận (0)