Với người Mnông sinh sống bên hồ Lắk (huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk), voi không chỉ là tài sản quý giá của gia đình mà còn được xem là người bạn, thành viên trong gia đình. Vì vậy mà hàng năm, những gia đình có voi thường tổ chức cúng sức khỏe cho voi. Lễ cúng độc đáo này không chỉ mang yếu tố tâm linh mà nhắc nhở nhau phải trân trọng, chăm sóc, bảo vệ voi.
Lễ cúng sức khỏe cho voi
Ông Đàm Năng Long (ngụ huyện Lắk) chia sẻ: Người Mnông quý voi như bạn nên năm nào cũng tổ chức cúng sức khỏe cho voi. Những năm qua, đàn voi nhà ở Tây Nguyên giảm hẳn, việc chăm sóc sức khỏe cho voi càng được chú trọng hơn. Lễ cúng sức khỏe voi được được gia đình ông tổ chức ngay trước ngôi nhà sàn cạnh hồ Lắk trong xanh.
Các lễ vật trong nghi lễ cúng sức khỏe cho voi
Không chỉ có người Mnông, các dân tộc khác ở Tây Nguyên gắn bó với voi đều tổ chức lễ cúng sức khỏe cho voi hàng năm. Tùy theo từng dân tộc, điều kiện kinh tế của gia đình chủ voi sẽ có những cách cúng khác nhau, lễ vật khác nhau. Tuy nhiên, tất cả mang ý nghĩa cầu mong sức khỏe cho voi để đỡ đần, gánh vác những phần việc nặng nhọc cho con người. Đồng thời nhắc nhở con người phải biết trân quý, chăm sóc loài voi.
Gia chủ nghiêm trang hành lễ
Lễ cúng sức khỏe cho voi thường có những vật phẩm quen thuộc ngàn đời nay như: rượu cần, đầu heo, gùi bắp tươi, hoa tươi, bộ lòng heo, chuối, một ít gạo, huyết, cá khô với một đống thân cây chuối và mía để tặng thưởng cho voi.
Nghi thức bôi huyết lên đầu để cầu mong thần linh ban cho voi thật nhiều sức khỏe
Khi mọi người đã nghiêm trang trước bàn thờ, thầy cúng bắt đầu bài cúng: "Hỡi các Yàng (thần linh) của người Mnông, Yàng núi, Yàng rừng, Yàng của loài voi… Hôm nay, làm lễ cúng sức khỏe cho voi, mời các Yàng về chứng kiến và giúp đỡ…". Bài cúng vừa dứt, các chú voi xếp hàng ngang đồng loạt quỳ xuống vừa để cảm ơn, vừa để được ông chủ dùng muối, gạo xoa lên đầu, lên tai để cầu mong cho voi thật nhiều sức khỏe. Nghi lễ thực hiện xong, ông chủ ôm từng bó mía ngọt, từng nải chuối thơm đi phân phát cho từng chú voi.
Những chú voi quỳ xuống đón nhận phước lành từ ông chủ
Tại huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk, nơi có đàn voi nhà lớn nhất nước đang sinh sống, người dân thường tổ chức cúng sức khỏe tập thể cho voi. Thầy cúng được mời phải là thầy cúng giỏi, có uy tín và am hiểu tập tục của dân tộc. Thầy cúng cùng với các nài voi trong buôn đến nhà chủ voi chuẩn bị lễ vật, cùng ăn và uống rượu với gia đình. Nhiều làng sang trọng còn làm trâu ăn mừng cho lễ cúng sức khỏe tập thể cho đàn voi trong làng.
Gia chủ ban mía ngọt cho voi trong lễ cúng sức khòe
Theo ông Huỳnh Trung Luân, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk, lễ cúng sức khỏe cho voi thường diễn ra vào dịp cuối hoặc đầu năm âm lịch. Lễ cúng với ý nghĩa chính là cầu sức khỏe cho voi, nhắc nhở mọi người chăm sóc, bảo vệ voi và chứa đựng yếu tố văn hóa, tâm linh của mỗi dân tộc. Ngày 8-2 vừa qua, trung tâm cũng đã tổ chức lễ cúng sức khỏe cho hai chú voi đang được nuôi dưỡng tại trung tâm này.
Bình luận (0)