xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Độc đáo lễ hội Tiên Công

Trọng Đức

(NLĐO)- Gần 400 năm qua, mỗi dịp tết đến xuân về, bắt đầu từ ngày mồng 5 đến mồng 8 tháng Giêng, 62 dòng họ ở đảo Hà Nam (thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh) lại tưng bừng tổ chức lễ hội rước người, còn gọi là lễ hội miếu Tiên Công

Theo truyền thuyết, vùng đảo Hà Nam là do một số nhóm Tiên Công và dân cư từ kinh thành Thăng Long đến đây quai đê, lấn biển, tạo dựng thành. 

Mỗi độ xuân về, các cụ Tiên Công (những người đầu tiên có công khai phá và tạo lập nên vùng đảo Hà Nam) lại nhớ những buổi hội hè, đình đám chốn kinh thành xưa, nên đã vời các bô lão tuổi tác cao nhất trong làng xã "trộm" đóng y phục giống như đức vua ngồi lên võng đào, kiệu rồng để con cháu xúm lại nghinh rước lên miếu đường và bày soạn vật phẩm tế lễ. Mọi hoạt động diễn ra như thể ở triều đình với lọng che, phường nhạc bát âm, hát xướng... dần dần đã hình thành một lễ hội "Rước người" độc đáo của vùng đảo này.

Độc đáo lễ hội Tiên Công - Ảnh 1.

Một cụ thượng được con cháu rước kiệu võng đào lên miếu Tiên Công. Ảnh: Đình Dũng

Còn theo các tư liệu lịch sử, từ thời Lý - Trần đã có một số vạn chài đến vùng đất Quảng Yên ngày nay sinh sống, họ đã dựa vào những gò đất cao trên triều để dãi chài, phơi lưới. Đến đầu thế kỷ XV, khoảng từ năm 1434 -1500, có 6 nhóm Tiên Công và dân cư đến quai đê lấn biển, khẩn hoang đất đai trồng lúa, lập làng, tạo thành khu đảo Hà Nam. Trong đó có 17 vị Tiên Công, người quê ở phường Kim Hoa (nay là phường Kim Liên), huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức, phía Nam thành Thăng Long (Hà Nội). Để tưởng nhớ công ơn các vị Tiên Công, người dân toàn xã Phong Lưu đã lập miếu thờ thập thất Tiên Công ở thôn Cẩm La để tuần rằm lễ tiết, tứ thời phụng thờ.

Lễ hội Tiên Công diễn ra trong khoảng thời gian từ mùng 5-8 tháng Giêng. Tuy nhiên, khoảng ngày 3-4 tháng Giêng, vùng đảo Hà Nam đã trở nên nhộn nhịp bởi các gia đình, dòng họ làm lễ "Ra cỗ họ". Họ làm cỗ, tổ chức tế tổ, bày tỏ lòng thành hiếu thảo đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ. 

Trong những ngày này, gia đình nào có cụ thượng thọ 80 tuổi, 90 tuổi, 100 tuổi đều có lễ vật tới từ đường cáo tiên tổ và báo cho hội đồng gia tộc biết. Các cụ thọ 80 tuổi trở lên, từ ngày đó đều được phong gọi là "Cụ Thượng" một cách cung kính. Cụ Thượng mặc áo gấm đỏ hoặc xanh thêu chữ Thọ, ngồi trên ghế bành trải nệm hoa, cạnh hương án, con cháu, họ hàng, xóm láng, bằng hữu... đến mừng, từng hàng đứng trước cụ Thượng, trịnh trọng dâng lễ, kính cẩn quỳ lạy... Sau đó mọi người cùng dự tiệc thọ với cụ Thượng và gia đình, cùng nhau ngâm thơ, hát dân ca...

Độc đáo lễ hội Tiên Công - Ảnh 2.

Hình tượng con Long Mã – biểu trưng sức mạnh thần biển trong Lễ hội Tiên Công.

Đến chiều mồng 6, các cụ Tiên Thứ Chỉ của các làng Yên Đông, Phong Cốc, Cẩm La và các dòng họ làm lễ yết tại miếu thờ. Sau đó họp bàn cắt cử cụ thể từng người tham gia lễ tế. Riêng chủ tế được bình chọn kỹ lưỡng, và thường được chọn luân phiên hàng năm giữa các thôn Yên Đông, Phong Cốc, Cẩm La, Trung Bản. Chủ tế phải là người cao tuổi, có sức khỏe, ăn ở đức độ, có uy tín với làng xã. Cũng trong chiều mồng 6, các cụ Tiên Thứ Chỉ còn điểm lại các cụ ông, cụ bà tròn 80, 90, 100 tuổi ở các làng, chọn 4 cụ Thượng tiêu biểu có sức khỏe để đắp đê tượng trưng ở cửa miếu vào ngày chính hội (mồng 7 tháng Giêng) và 2 cụ Thượng đánh vật tượng trưng ở miếu Tiên Công trong nghi lễ của hội.

Sáng mồng 7 vào hội chính. Từ 5 giờ sáng, các gia đình có cụ thượng thọ bắt đầu khởi hành đoàn rước. Đi đầu đoàn rước là ba người đóng giả các chú tễu múa gậy, múa quạt làm nhiệm vụ dẹp đường, tiếp sau là đoàn trống, rồi đến hai hàng cờ ngũ sắc do các nam, nữ thanh niên điều hành đoàn rước. 

Sau đó đến hai hàng bát bảo, đội nhạc bát âm, những người con gái hoặc dâu hoặc cháu gái nội cụ Thượng đội hai mâm lễ vật dâng Tiên Công gồm: Một mâm có chai rượu trắng, một buồng cau, một ít lá trầu, bánh dày hoặc bánh chưng, một con gà luộc hoặc thịt lợn và một đĩa muối. Một mâm ngũ quả. Kế sau hai mâm lễ vật là một hương án do 8 thanh niên khiêng, rồi đến đoàn rước chữ Thọ. Võng đào của cụ Thượng do 4 thanh niên khiêng, 1 người che lọng đi liền sau chữ Thọ. 

Dọc đường đi từ nhà cụ Thượng đến đền Tiên Công, các con rể của cụ Thượng dựng các quán nhỏ bên lề đường, trang trí câu đối mừng thọ, cành đào, có bàn uống nước. Khi đoàn rước cụ Thượng đi qua quán, người con rể nghênh đón mời cụ Thượng vào quán nghỉ chân và chúc thọ cụ.

Các đoàn rước cụ Thượng đều tập trung ở trước miếu, sau khi ban tế lễ thực hiện các nghi lễ tế Tiên Công xong, các cụ Thượng được mời vào thắp hương, được cụ Tiên Chỉ đọc văn ca ngợi công lao, chúc sức khỏe, chúc gia đình, dòng họ cụ Thượng làm ăn phát đạt, gặp nhiều may mắn... Sau khi các cụ Thượng lễ Tiên Công xong, làng xã mời bốn cụ Thượng còn khỏe ra trước cửa miếu Tiên Công làm nghi lễ "vượt thổ" (đắp đê). 

Trên con đê nhỏ được dân làng đắp tượng trưng trước cửa miếu, các cụ Thượng đắp những tảng đất đã được xẻ vuông vắn lên trên. Sau lễ này, các gia đình, làng xã mới được đào mương, bồi đê, cày cấy ruộng vườn, thậm chí những gia đình có người mất vào những ngày Tết cũng phải chờ qua lễ động thổ này mới dám tổ chức lễ tang và đào huyệt.

Sau khi làm nghi lễ "động thổ" (vượt thổ), các cụ Thượng tiếp tục thực hiện nghi thức "đất vật" (tượng trưng). Trong tiếng reo hò, động viên của con cháu, các cụ Thượng cởi trần đóng khố vào đấu trường, cụ nào nhấc được đối phương lên khỏi mặt đất là thắng cuộc. Nghi thức đấu vật là để biểu trưng sức khỏe của những người quai đê lấn biển, lập đất, lập làng, lập nên vùng đảo Hà Nam. Người dân ở đây cũng tin rằng, với nghi thức này, các cụ sẽ ban sức khỏe cho con cháu.

Độc đáo lễ hội Tiên Công - Ảnh 3.

Quang cảnh một đoàn rước cụ thượng lên miếu Tiên Công.

Sau các nghi lễ tế tổ, nghi lễ động thổ đắp đê, nghi lễ đánh vật, các nghi thức và nghi lễ tế Tiên Công xem như được hoàn thành. Các gia đình họ tộc rước cụ Thượng về nhà, thứ tự đoàn rước như lúc rước đi. Xung quanh khu vực miếu Tiên Công, các trò chơi như đấu cờ người, chơi đu, tổ tôm điếm, chọi gà, đánh vật, hát đúm và một vài trò vui khác tiếp tục diễn ra.

Với những giá trị độc đáo, đặc biệt là nghi lễ rước người sống, năm 2017, Lễ hội Tiên Công đã được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

"Từ bao đời nay, lễ hội Tiên Công là một trong những ngày hội lớn nhất của các làng đảo Hà Nam. Lễ hội không chỉ là lễ mừng thọ đơn thuần mà là dịp bày tỏ lòng biết ơn đối với bậc tiền nhân đã có công lập, giữ làng" - ông Trần Đức Thắng, Chủ tịch UBND thị xã Quảng Yên, cho hay.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo