Tối 5-6, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự sự kiện ra mắt Quỹ Vắc-xin phòng chống Covid-19, tổ chức tại TP Hà Nội. Cùng dự có ông Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; lãnh đạo Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, ngành, đoàn thể chính trị xã hội, đại diện người dân và doanh nghiệp.
Sớm tiêm vắc-xin miễn phí cho toàn dân
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Quỹ Vắc-xin phòng chống Covid-19 được thành lập với sứ mệnh huy động tổng hợp nguồn lực đóng góp xã hội để chia sẻ với ngân sách nhà nước nhằm phục vụ cho hoạt động mua, nhập khẩu vắc-xin, nghiên cứu, sản xuất vắc-xin trong nước và sử dụng vắc-xin Covid-19 cho người dân trên nguyên tắc bảo đảm sự tự nguyện đóng góp, hoạt động công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật và thuận lợi nhất cho việc đóng góp.
Người dân ủng hộ tiền vào Quỹ Vắc-xin phòng, chống Covid-19 qua cổng 1400 ngay trong tối 5-6 .Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Thủ tướng đã nhắc lại những kết quả tích cực của Việt Nam trong việc thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua. Kết quả tích cực đó đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia xử lý đại dịch hiệu quả với tỉ lệ người nhiễm và tử vong thấp nhất. Tuy nhiên, dịch đang diễn biến phức tạp, Việt Nam tiếp tục linh hoạt trong công tác phòng chống theo phương châm mới "5K + vắc-xin" và ứng dụng công nghệ chặt chẽ, rộng rãi, nghiêm ngặt. Thủ tướng cũng lưu ý Việt Nam chỉ thực hiện phong tỏa những vùng bị dịch, giãn cách ở những vùng có nguy cơ cao và vẫn bảo đảm duy trì cuộc sống bình thường bằng phương pháp khoanh vùng, cách ly, truy vết, dập dịch.
Để sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Đảng và Nhà nước thực hiện mục tiêu sớm tiêm vắc-xin miễn phí cho toàn dân nhằm đạt được sự miễn nhiễm cộng đồng và việc này cần duy trì hằng năm. Tiêm vắc-xin là giải pháp căn cơ, lâu dài, mang tính quyết định và có tính chiến lược để thoát khỏi đại dịch Covid-19.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng bày tỏ cảm ơn sâu sắc đến toàn thể nhân dân, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đã đồng lòng, đồng hành và chia sẻ để chúng ta cùng nhau chiến thắng đại dịch, để nhân dân được sống trong ngôi nhà lớn - Việt Nam an toàn, mạnh khỏe, thịnh vượng.
Huy động mọi nguồn lực
Giới thiệu về quỹ tại lễ ra mắt, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết Quỹ Vắc-xin phòng chống Covid-19 được Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định thành lập vào ngày 26-5. Sau đó, Bộ Tài chính đã thành lập ban quản lý quỹ đặt tại Kho bạc Nhà nước và mở tài khoản tiếp nhận sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Đồng thời, công khai số tài khoản và số điện thoại để hướng dẫn thuận lợi nhất cho người ủng hộ chuyển tiền.
"Quỹ là nguồn lực vô cùng quý báu và quan trọng để cho đất nước ta chống lại đại dịch, kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển. Chúng tôi hiểu rằng đồng tiền trong quỹ dù một đồng cũng là kết tinh của tình yêu thương, trách nhiệm, sự sẻ chia và tinh thần yêu nước sâu sắc của nhân dân" - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.
Theo tính toán của Bộ Y tế, Việt Nam cần mua 150 triệu liều vắc-xin Covid-19 để tiêm phòng cho khoảng 75 triệu người dân, với tổng nhu cầu kinh phí ước khoảng hơn 25.000 tỉ đồng. Quan điểm nhất quán của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là triệt để tiết kiệm ngân sách nhà nước, tìm mọi cách, huy động mọi nguồn lực của xã hội, của các tổ chức và cá nhân trong nước cũng như quốc tế để có nguồn kinh phí tiêm vắc-xin cho nhân dân.
Đến ủng hộ tại lễ ra mắt quỹ số tiền 2 triệu đồng, ông Nguyễn Mạnh Tường (82 tuổi, cán bộ hưu trí ngành đường sắt ở Hà Nội) chia sẻ trước tình hình dịch bệnh đang phức tạp, ông rất quan tâm đến vấn đề vắc-xin cho bản thân, cho người trong gia đình và cả cộng đồng. Số tiền 2 triệu đồng được ông Tường dành dụm từ lương hưu hằng tháng để chung tay với Chính phủ, góp một phần rất nhỏ nhằm sớm có vắc-xin cho người dân trên cả nước. Cũng tiết kiệm từ tiền tiêu vặt hằng ngày, em Lê Đức Hiếu (học sinh Trường THCS Phạm Hồng Thái, Hà Nội) đến ủng hộ quỹ 1 triệu đồng và mong muốn Việt Nam sẽ sớm có vắc-xin tiêm cho người dân, nhanh chóng khống chế đại dịch để cuộc sống người dân trở lại bình thường, học sinh sớm trở lại trường học.
Hàng ngàn tỉ đồng đã được đóng góp
Tại lễ ra mắt, nhiều DN đã chung tay ủng hộ Quỹ Vắc-xin phòng chống Covid-19. Theo đó, Tập đoàn Viettel ủng hộ 450 tỉ đồng; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam 400 tỉ đồng; Tập đoàn Điện lực Việt Nam 400 tỉ đồng; Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam 400 tỉ đồng; Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước 200 tỉ đồng; Công ty Golf Long Thành 500 tỉ đồng; Vingroup ủng hộ 4 triệu liều vắc-xin tương đương 480 tỉ đồng; Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam 200 tỉ đồng; Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam 200 tỉ đồng; Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam 200 tỉ đồng; Tổng Công ty Viễn thông MobiFone 200 tỉ đồng...
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, tính từ ngày thành lập đến 20 giờ ngày 5-6, Quỹ Vắc-xin phòng chống Covid-19 đã nhận được số tiền ủng hộ là 1.036 tỉ đồng và cam kết ủng hộ khoảng 6.600 tỉ đồng từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước.
Thêm 254 ca mắc Covid-19
Ngày 5-6, Việt Nam ghi nhận thêm 254 ca mắc Covid-19 gồm 8 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh và 246 ca ghi nhận trong nước, gồm: Bắc Giang (149), Bắc Ninh (55), TP HCM (31), Hà Tĩnh (2), Vĩnh Phúc (2), Bình Dương (2)... Đến nay, Việt Nam ghi nhận 8.541 ca mắc Covid-19, trong đó 6.990 ca ghi nhận trong nước và 1.551 ca nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27-4 đến nay là 5.420.
Trong ngày, nước ta có thêm 3 ca tử vong có liên quan đến Covid-19 đều là các bệnh nhân có bệnh mạn tính trước đó. Hiện số ca tử vong có mắc Covid-19 ở nước ta là 53. Số trường hợp được chữa khỏi bệnh là 3.310 ca.
Bộ Y tế vừa ban hành hướng dẫn các phương án phòng chống dịch khi có người mắc Covid-19 tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp để bảo đảm sản xuất an toàn, hạn chế tác động của dịch bệnh đến phát triển kinh tế. Theo đó, để chủ động phát hiện sớm và xử lý kịp thời trường hợp nghi mắc Covid-19 tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu cụm công nghiệp, bảo đảm sản xuất an toàn và thực hiện mục tiêu kép, Bộ Y tế yêu cầu người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác phòng chống dịch trên địa bàn.
Các địa phương, đơn vị quán triệt tinh thần chủ động tấn công và nguyên tắc phòng chống dịch phòng ngừa tích cực, phát hiện sớm, điều trị hiệu quả, xử lý dứt điểm, nhanh chóng ổn định tình hình, luôn chuẩn bị cho tình huống xấu hơn.
Bộ Y tế còn yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp và người lao động chấp hành nghiêm và đầy đủ các hướng dẫn của Bộ Y tế và các bộ, ngành trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp cần xác định nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19 là trọng tâm, cấp bách và thường xuyên. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp cần chủ động phương án hậu cần, đáp ứng yêu cầu cách ly, năng lực xét nghiệm, điều trị với phương châm "4 tại chỗ" để ứng phó kịp thời, khẩn trương, hiệu quả.
N.Dung
Bình luận (0)