Chưa năm nào, người dân tỉnh Quảng Nam lại chịu nhiều biến cố, đau thương, mất mát do thiên tai gây ra như năm nay khi bão lũ liên tiếp xảy ra, cướp đi sinh mạng hàng chục người. Đối diện với đau thương, mất mát đó, những người lính luôn có mặt đầu tiên để giúp dân và họ cũng là những người cuối cùng rời đi khi đời sống người dân dần ổn định. Hình ảnh người lính Cụ Hồ đã thực sự khắc sâu trong lòng dân.
Có mặt ở bất cứ đâu
Đêm 28-10, nhận được thông tin hàng chục người dân tại xã Trà Leng, Trà Vân (huyện Nam Trà My) bị sạt lở núi vùi lấp, Thiếu tướng Nguyễn Đình Tiến, Phó Tư lệnh Quân khu 5, lập tức lên đường vào Quảng Nam. Do ảnh hưởng của bão số 9, tuyến đường từ TP Tam Kỳ lên huyện Nam Trà My bị sạt lở nghiêm trọng, cây cối gãy đổ ngổn ngang tưởng như không thể đến Trà Leng. Với quyết tâm thực thi mệnh lệnh từ con tim, những người lính vén màn đêm hối hả thông đường nhanh nhất có thể. Nhờ những nỗ lực không biết mệt mỏi đó, đầu giờ chiều hôm sau, lực lượng cứu hộ đã đến được Trà Leng. Và điều kỳ diệu đã xảy ra khi 33 người dân gặp nạn còn sống sót nằm trong các đống đổ nát hay ở bìa rừng, sườn núi, được các chiến sĩ đưa đến bệnh viện cấp cứu.
Các cán bộ, chiến sĩ không quản ngại khó khăn, nguy hiểm vượt sông tiếp cận hiện trường vụ sạt lở ở xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam Ảnh: TRẦN THƯỜNG
Vào rạng sáng 29-10, hung tin ập đến khi tại xã Phước Lộc (huyện Phước Sơn) nằm cách Nam Trà My hàng chục cây số đường rừng lại xảy ra sạt lở núi khiến 13 người bị vùi lấp. Hàng chục chiến sĩ thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Quảng Nam nhận lệnh lên đường ngay trong đêm. Trung tá Triệu Tấn Hưng, Phó trưởng Ban Tác huấn, Phòng Tham mưu - Bộ CHQS tỉnh Quảng Nam, cho hay so với Nam Trà My, để tiếp cận được xã Phước Lộc còn khó khăn hơn gấp bội phần. Chặng đường hành quân tiếp cận hiện trường vụ sạt lở ở Phước Lộc chỉ chừng 10 km, song phải đi bộ hơn 7 giờ. Mặc gió rét và mưa tuôn, các cán bộ, chiến sĩ xuyên rừng, băng đèo, lội suối, vượt qua hàng chục điểm sạt lở nguy hiểm để sớm tiếp cận tìm kiếm nạn nhân bị vùi lấp.
"Vào đến nơi, không còn vai trò người chỉ đạo nữa, tôi cùng chung tay với anh em bới đất, khiêng đá... Chúng tôi quyết tâm bằng tất cả sức lực và tâm huyết, chỉ cần còn một phần triệu hy vọng, chúng tôi cũng phải cố gắng" - trung tá Triệu Tấn Hưng tâm sự.
Suốt gần 2 tháng qua, bất kể mưa hay nắng, hình ảnh những người lính miệt mài đào bới từng thớ đất, mảnh gỗ, treo mình qua dòng nước xiết, quần thảo trên các nhánh sông tìm kiếm tung tích các nạn nhân bị sạt lở đất mất tích luôn in hằn trong tâm trí người dân. Cũng chính những con người mang màu áo lính đã không quản mưa nắng, cùng ăn, cùng ở, đi chặt từng cây tre, khiêng từng tấm tôn dựng lại hàng trăm căn nhà cho người dân vùng sạt lở ở huyện Nam Trà My, Phước Sơn. Tại huyện Phước Sơn, hơn 500 cán bộ, chiến sĩ bất chấp khó khăn, nguy hiểm, vượt qua đồi dốc, suối sâu, cầu treo mỏng manh gùi cõng lương thực xuyên rừng tiếp tế cho đồng bào 2 xã Phước Thành và Phước Lộc bị cô lập... Những hình ảnh, việc làm đó hơn vạn lời nói, khiến bà con không khỏi cảm phục. Cũng nhờ sự giúp đỡ, san sẻ đó mà những đau thương, mất mát được xoa dịu.
Mỗi tuần một địa chỉ
Mấy năm qua, cứ vào thứ bảy hằng tuần, Đồn Biên phòng Long Khốt (huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An) lại cử một tổ cán bộ, chiến sĩ đến giúp người dân ở 2 xã do Đồn Biên phòng Long Khốt phụ trách là Thái Bình Trung và Thái Trị.
Và sáng sớm thứ bảy ngày 19-12 cũng vậy, thượng tá Vũ Mạnh Hà, Chính trị viên Đồn Biên phòng Long Khốt, lại lên đường đến với các hộ dân. Tại đây, có nghe những lời hỏi thăm của anh Hà mới thấy anh đã là người thân của bà con từ lâu lắm rồi: "Cô Tư dạo này sức khỏe thế nào", "Chú Chín Tết này có nhà mới vui không", "Cô Sáu ráng vượt qua khó khăn trước mắt nhé...". Những câu hỏi thăm, lời chia sẻ của anh Vũ Mạnh Hà càng làm cuộc nói chuyện trở nên thân tình. Đáp lại, cư dân biên giới không ngừng hứa với anh Hà sẽ cố gắng vươn lên trong cuộc sống.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Long Khốt dốc lòng, dốc sức xây nhà cho người dân có hoàn cảnh khó khăn Ảnh: HÀ LONG
Theo anh Hà, ngoài nhiệm vụ bảo đảm tuần tra, canh gác khu vực biên giới, Đồn Biên phòng Long Khốt còn thực hiện mô hình "Mỗi tuần một địa chỉ giúp dân" được duy trì từ tháng 7-2017 đến nay. Thực hiện mô hình này, đơn vị tiến hành khảo sát và xác định được 66 hộ gia đình khó khăn. Để rồi cứ vào thứ bảy hằng tuần, đơn vị cử một tổ từ 5 đến 7 cán bộ, chiến sĩ đi giúp đỡ một địa chỉ.
Ghé căn nhà đầu tiên, được khởi công xây dựng vào tháng 11-2018 trao tặng cho gia đình ông Phan Tấn Hoàng (gần 60 tuổi; ngụ ấp Trung Vĩnh, xã Thái Bình Trung), không đợi chúng tôi hỏi, gia chủ đã bộc bạch: "Hình ảnh cán bộ, chiến sĩ cần mẫn trộn hồ, vác gạch, xúc cát, xây tường... giữa trời nắng gắt khiến gia đình tôi biết ơn các anh vô cùng".
Tương tự, cứ nhìn ngôi nhà tường khang trang mà cô Nguyễn Thị Mỹ Lệ (ngụ ấp Trung Chánh, xã Thái Bình Trung) lại xúc động. Cô nói cả một đời làm mướn kiếm sống qua ngày, có nằm mơ cô cũng không dám nghĩ đến ngày túp lều của mình lại thành ngôi nhà tường khang trang. "Ngày vào ở nhà mới, tôi không biết nói gì ngoài khóc và nắm chặt tay các chiến sĩ biên phòng thay cho lời cảm ơn" - cô Lệ chia sẻ.
Thắm tình quân dân
Thiếu tá Đỗ Văn Khuyên - quê Thanh Hóa, công tác tại Đồn Biên phòng Long Khốt - nói việc giúp người dân xây dựng nhà không phải như các phần việc khác mà có khi kéo dài cả tháng. Thế nên, qua thời gian tham gia xây nhà giúp dân, ngoài việc gắn chặt tình quân dân thì nhiều cán bộ, chiến sĩ còn trở thành những anh "thợ hồ thực thụ". "Giờ đây, cứ mỗi lần đi giúp dân là chúng tôi lại háo hức bởi với bà con ở biên giới, chúng tôi như những người thân thích. Có chuyện vui, buồn, người dân đều chia sẻ" - thiếu tá Đỗ Văn Khuyên tâm sự. Theo anh, điều này cũng làm anh vơi đi nỗi nhớ nhà.
Còn thượng tá Vũ Mạnh Hà thì khẳng định hình ảnh những người lính biên phòng luôn gần gũi, thân thiện, hằng ngày bám địa bàn, giúp đỡ nhân dân đã góp phần thắt chặt hơn tình cảm quân dân trên vùng quê cách mạng. "Nhìn những nụ cười tươi, nghe lời tri ân mộc mạc, chân thành của người được giúp đỡ, các cán bộ, chiến sĩ biên phòng cảm thấy lòng ấm áp, hạnh phúc" - anh Hà nói.
Trở lại câu chuyện ở Quảng Nam, Thiếu tướng Trương Thiên Tô, Phó Chính ủy Quân khu 5, cho biết Bộ Tư lệnh Quân khu 5 vừa giao nhiệm vụ cho 3 đơn vị đóng quân trên địa bàn tỉnh Quảng Nam nhận đỡ đầu 7 cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ do sạt lở đất tại xã Trà Leng. Trong đó, Quân khu 5 giao Bộ CHQS tỉnh Quảng Nam nhận đỡ đầu 3 cháu, Sư đoàn 315 đỡ đầu 2 cháu, Lữ đoàn Công binh 270 đỡ đầu 2 cháu. Trước mắt, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 sử dụng kinh phí 500 triệu đồng giao Bộ CHQS tỉnh Quảng Nam chỉ đạo Ban CHQS huyện Nam Trà My đứng tên gửi ngân hàng, sử dụng tiền lãi hằng tháng cùng với các đơn vị phụ trách đỡ đầu để chăm lo cuộc sống cho 7 cháu.
Về việc hỗ trợ người dân vùng sạt lở dựng lại nhà, kể từ ngày 18-11, Quân khu 5 đã tăng cường hơn 200 cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn 315 về giúp chính quyền và nhân dân xã Trà Leng sớm ổn định cuộc sống sau thiệt hại do bão, lũ. Trước đó, hàng trăm lượt cán bộ Ban CHQS huyện Nam Trà My cùng dân quân, chính quyền địa phương đã làm nhà tạm, xây dựng các công trình vệ sinh, lắp hệ thống đường ống nước, sửa chữa đường điện giúp bà con từng bước ổn định cuộc sống.
Khánh thành Di tích khu vực Đồn Long Khốt
Sáng 21-12, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 phối hợp với UBND huyện Vĩnh Hưng tổ chức lễ khánh thành Di tích lịch sử quốc gia khu vực Đồn Long Khốt tại xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An, sau hơn 3 tháng thi công.
Di tích Lịch sử quốc gia Khu vực Đồn Long Khốt là nơi ghi dấu những cống hiến, hy sinh to lớn của các Trung đoàn 1, 2, 3 trực thuộc Sư đoàn 5; Trung đoàn 174; quân và dân địa phương cùng các đơn vị chủ lực khác trong giai đoạn 1972-1975. Theo thống kê, đã có hơn 1.100 cán bộ, chiến sĩ hy sinh trên mảnh đất này. Đây cũng là nơi ghi dấu chiến công 43 ngày đêm bảo vệ biên giới Tây Nam Tổ quốc vào năm 1978 của Bộ đội Biên phòng Long An.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khẳng định Đảng, nhà nước rất quan tâm, ủng hộ việc xây dựng Di tích Lịch sử quốc gia khu vực Đồn Long Khốt trở thành công trình lịch sử, văn hóa, quốc phòng tiêu biểu của tỉnh Long An và cả nước. Qua đó, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và các cựu chiến binh, thân nhân liệt sĩ có không gian trang nghiêm, linh thiêng tri ân các anh hùng liệt sĩ và có điều kiện bảo tồn, phát huy hiệu quả các giá trị quý báu của di tích.
H.Long
Bình luận (0)