Tỉnh Thừa Thiên - Huế đã gửi các bộ, ngành trung ương để trình Thủ tướng xem xét, quyết định về đề án Di dời dân cư, giải phóng mặt bằng tại khu vực 1 di tích kinh thành Huế, thuộc quần thể di tích cố đô Huế. Đây là dự án di dời dân được xem là lớn nhất từ trước đến nay của địa phương này với hơn 4.200 hộ, hàng ngàn nhân khẩu và kinh phí thực hiện trên 4.100 tỉ đồng.
Dự án lịch sử
Mục tiêu dự án là nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di tích cố đô Huế đã được Thủ tướng phê duyệt. Đồng thời chỉnh trang đô thị di sản, ổn định cuộc sống cho khoảng 1,5 vạn dân, bảo tồn di sản cố đô Huế, tạo sản phẩm du lịch để tăng nguồn thu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Bên cạnh đó, góp phần thực hiện chủ trương giãn dân để giảm mật độ tham gia giao thông khu vực nội thành, bảo đảm an toàn cho khách tham quan.
Các căn nhà lụp xụp tại khu vực Thượng thành Huế cần được giải tỏa để trả lại nguyên trạng và bảo tồn di tích
Ông Phan Văn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế (một trong các đơn vị thực hiện đề án), khẳng định đến nay UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã hoàn thành đề án trên và có 2 tờ trình gửi Chính phủ để lấy ý kiến các bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Tài nguyên và Môi trường và nhận được ý kiến quan tâm, ủng hộ cao.
Theo ông Tuấn, phạm vi dự án là giải tỏa toàn bộ các hộ dân ở di tích Hộ Thành hào, tuyến Phòng hộ, Thượng thành với chiều dài 11,5 km cùng với hệ thống 24 Eo bầu... Phạm vi dự án bao gồm toàn bộ 4 phường bên trong kinh thành là Thuận Hòa, Tây Lộc, Thuận Thành, Thuận Lộc cùng 3 phường bên ngoài, gồm: Phú Hòa, Phú Thuận và Phú Bình. Đề án chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 dự kiến triển khai từ năm 2019-2021, với phạm vi di dời hết toàn bộ khu Thượng thành, Hộ thành hào, tuyến Phòng hộ, Eo bầu với 2.938 hộ; giai đoạn 2 là từ năm 2022-2025 sẽ di dời khu vực 1 di tích hồ Tịnh Tâm, hồ Học Hải, đàn Xã Tắc, Xiển Võ từ, Lục bộ và hệ thống hồ tại 4 phường 1.263 hộ. Kinh phí di dời khoảng 2.800 tỉ đồng từ ngân sách trung ương. Việc tái định cư cả 2 giai đoạn dự kiến cần trên 100 ha đất ở TP Huế, kinh phí khoảng 1.360 tỉ đồng từ ngân sách địa phương.
Ông Tuấn khẳng định: "Nguồn vốn khả thi từ địa phương là trích từ nguồn thu bán vé tham quan di tích. Còn nguồn trung ương đang đề xuất, các bộ, ngành đang dự thảo tham mưu Thủ tướng quyết định. Không có nguồn lực từ trung ương thì không xử lý dứt điểm được, nếu càng chậm thì càng khó khăn, người dân bức xúc".
Theo ông Tuấn, trong tình huống xấu nhất, nếu thiếu vốn thì sẽ huy động từ nguồn địa phương và chọn khu vực Hộ thành hào, Thượng thành giải quyết trước, tiết kiệm được nguồn vốn đầu tư, vì nếu chậm 1 năm thì sẽ tăng khung giá từ 3%-5%. Bởi giải tỏa được Hộ thành hào sẽ tạo ra các sản phẩm du lịch như: tour đi bộ quanh kinh thành, tham quan kinh thành bằng đường thủy để thu hút du lịch.
Đề xuất đặc thù cho dân được hưởng
Nói về dự án này, nhiều hộ dân sống trên khu vực kinh thành Huế đều đồng tình với việc di dời. Ông Giáp Thanh Hà, một người dân có nhà ở trên bờ thành đoạn kiệt 94 đường Ông Ích Khiêm (phường Thuận Thành), cho biết gia đình ông mua lại khu đất này rộng chừng 100 m2 và xây nhà cách đây khoảng 30 năm. Căn nhà xập xệ là nơi ở của 4 người và là nơi bán cà phê, chăn nuôi để sống. "Chúng tôi sẵn sàng đi nhưng ước mong được bố trí một lô đất và tự xây dựng nhà cửa để còn kinh doanh buôn bán" - ông Hà cho biết.
Đã hàng chục năm ở trên bờ thành đoạn cạnh cửa Đông Ba, phường Thuận Lộc (TP Huế) với căn nhà xuống cấp nặng, ông Đặng Văn Tố cũng mong muốn được di dời sớm. Ông Tố nói đó là chủ trương chung trả lại đất cho di tích, người dân sẽ có nơi mới để ở không bị nhếch nhác như cuộc sống hiện tại.
Cạnh đó, gia đình anh Lê Văn Quốc cũng sống chung với hộ cha mẹ trên mảnh đất khoảng 200 m2. Anh hành nghề xe ôm, vợ làm công nhân may và chăn nuôi gà để nuôi sống gia đình. "Nên di dời sớm bởi nhà cửa đã xuống cấp lắm rồi. Tôi chỉ mong được cấp một mảnh đất, hỗ trợ thêm vài chục triệu đồng để có vốn làm ăn khi đến nơi ở mới" - anh Quốc tâm sự.
Theo UBND phường Thuận Thành, địa phương này có khoảng 300 hộ đang sống trên khu vực Thượng thành, Eo bầu và nhà cửa đều xây tạm, xuống cấp nghiêm trọng. Ông Trần Duy Sanh, Chủ tịch UBND phường Thuận Thành, nói nguyện vọng của người dân đều muốn di dời, tái định cư. Tuy nhiên, do người dân ở đây đã quen cuộc sống ở trung tâm thành phố, lợi thế hưởng thụ về giáo dục, y tế... nên cũng mong muốn được bố trí tại nơi có điều kiện thuận lợi nhất.
Theo ông Phan Văn Tuấn, các hộ dân sống ở kinh thành đa số dân nghèo, lao động phổ thông, thời gian cư trú của họ khá lâu, nếu theo các quy định của pháp luật thì việc di dời sẽ gặp khó khăn. Vì vậy, đề án cũng nghiên cứu khung chính sách về hỗ trợ đất đai, tài sản theo từng mốc thời điểm cụ thể, các chính sách ổn định cuộc sống, giáo dục, tái định cư, an sinh...
Ông Hoàng Ngọc Khanh, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, khẳng định xét theo các quy định hiện hành, đa số hộ dân đều không được bồi thường về đất, nhà ở và tài sản gắn liền trên đất. Vì vậy, tại các buổi làm việc với Thủ tướng, địa phương đã đề xuất xin cơ chế đặc thù và hiện nay đã xây dựng khung chính sách trong nhóm giải pháp nhưng phải được Thủ tướng cho phép mới áp dụng" - ông Khanh cho biết thêm.
Theo ông Hoàng Ngọc Khanh: “Cái khó ở đây là việc giải tỏa nhằm bảo tồn, trả lại nguyên trạng cho di tích chứ không phải để có đất thương mại, dịch vụ bán như những nơi khác, nên cần có nguồn lực từ trung ương”
Bình luận (0)