Quyết tâm bám biển, giữ ngư trường là tâm thế của ngư dân Quảng Nam nói chung, huyện Núi Thành nói riêng. Nơi đây có đội tàu hàng trăm chiếc với công suất lớn quanh năm vươn khơi xa. Với họ, Hoàng Sa, Trường Sa là ngư trường truyền thống khai thác nguồn lợi hải sản phát triển kinh tế và là một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc.
Bảo vệ chủ quyền, làm giàu từ biển
Vào thời điểm này, thời tiết tương đối thuận lợi và là vụ sản xuất chính nên ngư dân trên địa bàn huyện Núi Thành liên tục cập bờ bán hải sản rồi tiếp nhiên liệu, mua nhu yếu phẩm để tiếp tục vươn khơi. Tại các làng chài ở xã Tam Quang, hàng trăm tàu có công suất lớn chuyên hành nghề dài ngày ở ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa hối hả nhổ neo, hướng mũi tàu ra biển lớn với tâm thế của những người hùng đi giữ biển. Không biết tự bao giờ, lớp người này già đi, lớp trẻ nối nghiệp, họ đi theo tiếng gọi của những con sóng, tiếng gọi của con tim với ước vọng làm giàu từ biển, bảo vệ ngư trường, bảo vệ chủ quyền của đất nước.
Gắn bó với biển hơn 50 năm, ngư dân Huỳnh Văn Tạo (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang) được người dân địa phương ví là "anh hùng đại dương" vì có công lớn trong việc khai phá ngư trường cho bà con đánh bắt. Với ông, biển không chỉ là nơi tạo kế sinh nhai mà còn là ngôi nhà thứ hai của mình. Từ trước năm 2014, ông Tạo đã sở hữu 3 tàu vỏ gỗ có cùng công suất 718 CV. Vừa qua, ông đầu tư đóng thêm tàu vỏ thép có công suất 829 CV, lập nên đội tàu lưới vây thường trực bám biển Hoàng Sa thuộc hàng lớn nhất Quảng Nam. Nhờ đội tàu này, ông Tạo không chỉ trở thành một "đại gia" có tiếng ở Núi Thành mà còn giúp đỡ nhiều ngư dân địa phương có cuộc sống khấm khá hơn. "Đánh bắt hải sản trên biển ngày càng khó khăn vì nguồn lợi bị suy giảm, tàu của Trung Quốc liên tục quấy phá, uy hiếp tàu của ngư dân ta. Đã không ít lần ngư dân huyện Núi Thành bị tàu Trung Quốc đâm va, cướp hải sản đánh bắt được. Tuy nhiên, ngư dân chúng tôi không bao giờ lo sợ mà càng quyết tâm hơn, đóng những con tàu lớn hơn để vươn khơi bảo vệ ngư trường, biển đảo Tổ quốc" - ông Tạo quyết tâm.
Không riêng Tam Quang, 2 xã Tam Hải, Tam Giang của huyện Núi Thành từ lâu cũng được xem là quê hương của nghề đánh bắt hải sản xa bờ. Tại cảng cá An Hòa (xã Tam Giang), sau những ngày vắng lặng vì ảnh hưởng dịch Covid-19, những ngày này, trên bến dưới thuyền tấp nập, hối hả với các hoạt động thu mua, bốc dỡ hàng dưới tàu, tiếp vật tư - nhiên liệu. Ngư dân Lương Văn Cam, chủ tàu câu mực QNa 90039 TS ở thôn Đông An, phấn khởi cho biết sau hơn 3 tháng làm ăn trên biển, tàu ông khai thác được 45 tấn mực khô. Với giá bán 126 triệu đồng/tấn, tàu ông Cam thu được khoảng 5,7 tỉ đồng. Trừ các khoản chi phí sản xuất gồm nhiên liệu, lương thực, thực phẩm, chủ tàu có lãi gần 1 tỉ đồng, 47 lao động trên tàu, mỗi người có thu nhập từ 80 đến 90 triệu đồng. "Nghề câu mực khơi ở Tam Giang không biết hình thành từ bao giờ. Từ khi lớn lên tôi đã theo ba ra biển dài ngày, từ đó khắng khít với biển như máu thịt. Nghề biển tuy vất vả, đối mặt với hiểm nguy nhưng biển cho chúng tôi cuộc sống ấm no. Vì vậy, chúng tôi rất ý thức trong việc đánh bắt, bảo vệ ngư trường, giữ gìn chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc" - ông Cam bộc bạch.
Những con tàu lớn ở huyện Núi Thành rẽ sóng vươn khơi bám biển bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Tổ quốc
Đùm bọc nhau trên biển
Nhận thức rõ những hiểm nguy thường trực trên biển, bao đời nay, ngư dân huyện Núi Thành có truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn.
Cho chúng tôi xem nhiều tấm bằng khen về thành tích cứu hộ cứu nạn, ngư dân Huỳnh Văn Diệp (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang) nói rằng trong suốt mấy chục năm "chinh chiến" trên biển, ông không nhớ rõ đã cứu hộ bao nhiêu tàu thuyền gặp nạn. Nhớ nhất là lần cứu hộ tàu của ngư dân Nguyễn Tấn Khâm (tỉnh Quảng Ngãi) thoát khỏi nguy hiểm trong trận siêu bão Haiyan hồi cuối năm 2013. Hôm đó, trong lúc điều khiển tàu tránh bão, ông nhận được tín hiệu cấp cứu của tàu anh Khâm cho biết bị hỏng máy phải thả trôi trên biển. Không quản ngại nguy hiểm cận kề, ông Diệp cho tàu tiếp cận tàu của anh Khâm khi 15 lao động trên tàu này đang cận kề cái chết. Nhờ vậy, tất cả được đưa vào bờ an toàn.
Từ năm 2015, mô hình tổ đội đoàn kết được triển khai như tiếp thêm sức mạnh giúp ngư dân nơi đây yên tâm hơn trong quá trình vươn khơi bám biển dài ngày. Mỗi tổ đội đoàn kết ở huyện Núi Thành thường có 4 tàu, định kỳ sau mỗi chuyến biển xa trở về, các tổ đội đoàn kết tổ chức gặp mặt. Tại đây, những phát sinh trong quá trình làm ăn trên biển, những kinh nghiệm quý trong việc dò tìm luồng cá, kinh nghiệm xử lý sự cố máy móc được các thuyền trưởng, thuyền viên trao đổi, bàn bạc, chia sẻ. Cũng tại những buổi gặp mặt này, chính quyền địa phương và bộ đội biên phòng tổ chức tuyên truyền về các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước về việc phát triển ngành nghề khai thác hải sản xa bờ, phổ biến những quy định của pháp luật để bà con áp dụng trong quá trình làm ăn trên biển.
Ngư dân Nguyễn Văn Nghị (thôn Sâm Linh Đông), chủ tàu vỏ thép QNa-91439, cho biết ông tham gia tổ đoàn kết đánh bắt hải sản với các chủ tàu Nguyễn Văn Hùng, Bùi Thế Cả, Nguyễn Văn Hên (cùng thôn). Các tàu cá cùng xuất bến, đi khai thác hải sản cùng lượt, cùng ngư trường, khi tàu cá này phát hiện luồng hải sản thì thông báo cho các tàu cá khác cùng đến đánh bắt. "Các tàu của chúng tôi hoạt động ở ngư trường Hoàng Sa, luôn giúp đỡ lẫn nhau cả khi đánh bắt, bán hải sản lẫn ứng phó với sự cố thiên tai trên biển và nhất là đoàn kết chống sự càn quấy, ngang ngược xua đuổi của tàu nước ngoài" - ông Nghị tâm sự.
Theo ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành, toàn huyện có gần 2.000 tàu cá các loại, tổng công suất 208.000 CV, trong đó 410 chiếc hoạt động ở vùng biển xa bờ. Đội tàu này lớn nhất tỉnh Quảng Nam, giải quyết việc làm thường xuyên cho 18.000 lao động. Mùa khai thác hải sản năm 2019, toàn huyện đạt sản lượng 45.860 tấn hải sản các loại. Sản lượng khai thác hải sản chủ yếu của các đội tàu khai thác xa bờ hành nghề câu mực xà, chụp mực ở các xã Tam Giang, Tam Quang và xã đảo Tam Hải.
2.000 lá cờ Tổ quốc đến với ngư dân Quảng Nam
Tiếp tục chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển", trong 2 ngày 9 và 10-7, Báo Người Lao Động phối hợp với Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Vùng 2 và Ban Dân vận Tỉnh ủy Quảng Nam tổ chức trao tặng 2.000 lá cờ Tổ quốc cùng nhiều vật phẩm ý nghĩa cho ngư dân tỉnh Quảng Nam.
Theo đó, chiều 9-7, tại xã Tam Quang (huyện Núi Thành), chương trình sẽ trao tặng 1.500 lá cờ Tổ Quốc cùng 20 túi sơ cấp cứu và cơ số thuốc cho ngư dân huyện Núi Thành. Ngày 10-7, tại đảo Cù lao Chàm sẽ trao tặng 500 lá cờ Tổ quốc cùng 20 túi sơ cấp cứu cho ngư dân xã đảo Tân Hiệp (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam).
Ngoài việc trao cờ Tổ quốc, dịp này, tại Cù lao Chàm (Tân Hiệp), Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Vùng 2 và Ban Dân vận Tỉnh ủy Quảng Nam cũng tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, như thăm tặng quà 2 gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn; khám bệnh, cấp thuốc miễn phí; tổ chức cuộc thi "Em yêu biển đảo quê hương" kết hợp tặng 20 suất học bổng và 10 xe đạp cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi; 100 bộ quần áo học sinh và 228 cặp sách; tuyên truyền biển, đảo, tuyên truyền (IUU), cấp phát tờ rơi tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên, ngư dân, kết hợp tặng 48 suất quà và dọn vệ sinh môi trường biển.
H.Dũng
Bình luận (0)