Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc ta, tỉnh Hà Giang là một trong những nơi chịu nhiều hy sinh, mất mát nhất. Giai đoạn từ năm 1979 đến năm 1989, hơn 4.000 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh; trên 9.000 người đã để lại một phần máu xương tại những trận địa.
Chăm lo chu đáo người có công
Cựu binh Đặng Việt Châu - nguyên chính trị viên Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 876, Sư đoàn 356 - đã viết những vần thơ rực lửa để tưởng nhớ các đồng đội đã hy sinh tại mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang): "Những chiến sĩ con dân đất Việt/ Tuổi xuân đâu tiếc/ Lưng trần, cắp súng xung phong/ Đạn xé toác vai, đạn cày rách mặt/ Súng cầm tay rực lửa/ Xông pha giữ đất biên thùy...".
Cuộc chiến đã lùi xa, thể hiện sâu sắc đạo lý, truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", "Đền ơn đáp nghĩa" của dân tộc đối với công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ, hàng chục năm qua, tỉnh Hà Giang đã tìm kiếm, quy tập được hơn 2.900 hài cốt liệt sĩ, trong đó quy tập về Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên hơn 1.800 liệt sĩ.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, cho biết nhà nước và nhân dân ta luôn tự hào và biết ơn vô hạn lớp lớp cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh thân mình để bảo vệ Tổ quốc, đem lại hòa bình, cuộc sống ấm no hạnh phúc cho nhân dân. Nơi đây, hơn 40 năm trước là chiến trường ác liệt nhất của cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Với ý chí "Một tấc không đi, một ly không rời", quyết tâm giữ vững từng mỏm đồi, từng vách đá, điểm cao, với tinh thần quả cảm "Sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá, bất tử", quân và dân ta đã bảo vệ vẹn toàn biên cương của Tổ quốc.
Đoàn công tác của Báo Người Lao Động dâng hương, dâng hoa tại Đền thờ các Anh hùng liệt sĩ mặt trận Vị Xuyên ở cao điểm 468 tại tỉnh Hà Giang Ảnh: HỮU HƯNG
Hiện nay toàn tỉnh có 2.165 liệt sĩ; 1.779 thương binh, bệnh binh; 1.092 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; 11 người hoạt động kháng chiến bị bắt tù đày; 46 người có công với cách mạng; 196 cán bộ tiền khởi nghĩa; 4 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và 69 Mẹ Việt Nam Anh hùng.
Sau các cuộc chiến đấu bảo vệ đất nước, dù Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, giải quyết các chế độ chính sách cho các gia đình thương binh, liệt sĩ, cựu chiến binh song nhiều gia đình còn khó khăn, cần giúp đỡ, nhất là về nhà ở. Vì vậy, đầu năm 2019, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã vận động, gây quỹ tài trợ, hỗ trợ; phối hợp cùng nhóm từ thiện TP HCM, thông qua Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã xây 356 nhà ở cho cựu chiến binh tại tỉnh Hà Giang. Tiếp nối chương trình tri ân ý nghĩa đó, tháng 7-2019, Tỉnh ủy Hà Giang triển khai chương trình làm nhà cho người có công, cựu chiến binh nghèo và hộ nghèo khó khăn về nhà tại các xã biên giới với định mức hỗ trợ 60 triệu đồng/hộ hoàn toàn từ nguồn xã hội hóa. Đến nay, sau hơn 3 năm triển khai, đã bàn giao 6.700 ngôi nhà.
Đổi thay nơi chiến địa năm xưa
Là huyện miền núi biên giới phía Bắc Việt Nam, nằm bao quanh TP Hà Giang, có Quốc lộ 4C và Quốc lộ 2 chạy qua, huyện Vị Xuyên có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh Hà Giang. Vị Xuyên có 5 xã biên giới: Thanh Thủy, Minh Tân, Lao Chải, Xín Chải, Thanh Đức, năm xưa đều là chiến trường ác liệt, nhưng hiện nay cuộc sống người dân không chỉ ở các xã biên giới mà toàn huyện đang có sự thay đổi, phát triển mạnh mẽ.
Xã Thanh Thủy, nơi cuộc chiến diễn ra ác liệt trên các điểm cao 1590, 1100, 865, 772, 468, 300, 400, 233, Đồi Đài, Cô Ích, Bốn Hầm... vào những năm 1984 - 1989. Tháng 7-1984, chỉ trong một ngày, hơn 600 cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 356 đã anh dũng hy sinh. Nay cuộc sống của người dân nơi đây đang khởi sắc từng ngày.
Năm 2015, Ban Liên lạc Hội Cựu chiến binh mặt trận Vị Xuyên đã phát động ủng hộ xây dựng Đền thờ các Anh hùng liệt sĩ mặt trận Vị Xuyên tại cao điểm 468, xã Thanh Thủy. Đến nay, công trình đã trở thành điểm hội tụ hằng năm của các cựu chiến binh mặt trận Vị Xuyên, là điểm đến để tri ân các Anh hùng liệt sĩ, ôn lại truyền thống lịch sử của nhân dân cả nước.
Về giao thông, xã Thanh Thủy có Quốc lộ 2, tuyến giao thông huyết mạch kết nối từ TP Hà Giang đến cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy. Chất lượng cuộc sống của người dân được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người đạt 36,53 triệu đồng/người/năm; 100% dân cư khu vực tập trung có nhà ở kiên cố, bán kiên cố; trụ sở làm việc và các cơ quan hành chính, cơ sở y tế, giáo dục, văn hóa đều được đầu tư nâng cấp; dịch vụ ngân hàng, bưu chính viễn thông, vận tải phát triển; trung tâm thương mại Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy trở thành khu dịch vụ thương mại tổng hợp; giao thông được đầu tư, cơ bản đáp ứng yêu cầu đi lại và giao thương hàng hóa.
Ông Hoàng Thanh Tịnh, Chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên, cho biết sau hơn 10 năm tập trung triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn của huyện đã có thay đổi rất lớn, đời sống văn hóa tinh thần của người dân ngày được nâng cao. Đặc biệt, thành công lớn nhất mà chương trình xây dựng nông thôn mới Vị Xuyên đã đạt được đó là hệ thống giao thông nông thôn được bê-tông hóa, đồng bộ và mở rộng. Vị Xuyên đang có hơn 2.700 ha chè Shan Tuyết với sản lượng hơn 8.000 tấn/năm. Cùng với cây chè (trà) mang lại thu nhập cho người dân thì huyện còn có hơn 2.800 ha cây thảo quả. Dù còn nhiều khó khăn nhưng năm 2023, Vị Xuyên phấn đấu mục tiêu thu ngân sách trên 322 tỉ đồng, sản lượng lương thực đạt trên 57.000 tấn và thu nhập bình quân hơn 30 triệu đồng/người.
Du lịch "địa chỉ đỏ"
Chia sẻ về đề án định hướng phát triển du lịch huyện Vị Xuyên giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn 2030, Chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên cho biết du lịch gắn liền với di tích lịch sử cách mạng, gắn với "địa chỉ đỏ".
Thời gian qua, huyện Vị Xuyên đã chú trọng xây dựng các sản phẩm du lịch gắn liền với các điểm di tích lịch sử cách mạng như: Đền thờ các Anh hùng liệt sĩ mặt trận Vị Xuyên, Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên; các di tích như hang Dơi, hang Làng Lò, khu vực trạm quân y tại thôn Thanh Sơn... đang được bảo tồn, vừa phục vụ việc nghiên cứu, học tập, vừa trở thành điểm thu hút khách tham quan, thăm lại chiến trường xưa.
Bình luận (0)