Bộ trưởng Công an Tô Lâm thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ vừa ký báo cáo gửi Quốc hội về việc tiếp thu, giải trình ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với dự án Luật Căn cước.
Tại báo cáo này, Chính phủ nêu rõ việc sửa đổi tên gọi từ Luật Căn cước công dân thành Luật Căn cước để bao quát các đối tượng, gồm cả công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch.
Bộ Công an đề xuất đổi từ thẻ "căn cước công dân" thành thẻ "căn cước"
Liên quan đến dự thảo Luật này, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đã đề nghị cơ quan soạn thảo đánh giá kinh phí phát sinh cho việc thay đổi mẫu thẻ căn cước và thuyết minh rõ quy định về việc ghi "nơi cư trú" trên thẻ căn cước.
Về vấn đề này, Chính phủ cho biết tại Điều 19 dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung theo hướng lược bỏ vân tay; sửa đổi quy định về thông tin số thẻ căn cước, dòng chữ "căn cước công dân", quê quán, nơi thường trú, chữ ký của người cấp thẻ thành số định danh cá nhân, dòng chữ "thẻ căn cước", nơi đăng ký khai sinh, nơi cứ trú.
Theo Chính phủ, việc thay đổi, cải tiến như trên để tạo thuận lợi hơn cho người dân trong quá trình sử dụng căn cước, hạn chế việc phải cấp đổi căn cước và bảo đảm tính riêng tư của người dân. Các thông tin căn cước của người dân cơ bản sẽ được lưu trữ, khai thác, sử dụng thông qua chip điện tử trên căn cước.
Việc chỉnh lý thông tin "nơi thường trú" in trên căn cước công dân thành "nơi cư trú" in trên căn cước để phù hợp với thực tiễn vì nhiều người hiện nay chỉ có nơi tạm trú, nơi ở hiện tại hoặc không có nơi thường trú, nơi tạm trú.
Với quy định này, tất cả người dân Việt Nam đều sẽ đủ điều kiện để được cấp căn cước; đều được bảo đảm quyền lợi khi có được giấy tờ tùy thân để thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự theo nhu cầu.
Tại Điều 46 dự thảo Luật cũng giao Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết về việc ghi thông tin nơi cư trú trên căn cước để bảo đảm phù hợp với các trường hợp trong thực tiễn. Việc cấp đổi căn cước khi có thay đổi thông tin về nơi cư trú được thực hiện theo nhu cầu của người dân (không bắt buộc).
Trong khi chưa có điều kiện thực hiện thủ tục cấp đổi căn cước thì người dân có thể lựa chọn việc tích hợp thông tin vào căn cước điện tử (đây là tiện ích miễn phí trên ứng dụng VNeID) để thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại khác.
Cũng tại Điều 46 dự thảo Luật đã quy định căn cước công dân đã được cấp trước ngày luật này có hiệu lực thi hành vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được ghi. Khi người dân có yêu cầu thì được đổi sang căn cước. Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân, căn cước công dân vẫn nguyên hiệu lực pháp luật.
Bên cạnh đó, căn cước công dân quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật trước ngày luật này có hiệu lực thi hành có giá trị như căn cước được quy định tại luật này. Chính phủ nhấn mạnh việc đổi tên căn cước công dân thành căn cước sẽ không tác động đến chi ngân sách Nhà nước, chi phí của xã hội.
Cấp lại thẻ căn cước qua mạng
Về thời hạn cấp thẻ căn cước và nơi làm thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước, Chính phủ cho biết công dân Việt Nam có thể lựa chọn cấp thẻ căn cước tại cơ quan quản lý căn cước thuộc công an cấp huyện, cấp tỉnh tại nơi mình thường trú hoặc tạm trú.
Bên cạnh đó, công dân có thể đăng ký lịch hẹn cấp căn cước đối với cơ quan quản lý căn cước trên cổng dịch vụ công nên sẽ không phải chờ đợi và tự chủ được thời gian thực hiện thủ tục của mình.
Trường hợp công dân đã được cấp thẻ căn cước mà bị mất, hỏng thì có thể thực hiện thủ tục cấp lại thẻ trực tuyến trên cổng dịch vụ công mà không phải đến cơ quan quản lý căn cước để thực hiện thủ tục.
Bình luận (0)