Những ngày giáp Tết Kỷ Hơi 2019, không khí làm việc tại Đài Kiểm soát không lưu Nội Bài (Hà Nội) lại càng hối hả, khẩn trương. Năm nào cũng vậy, trước, trong và sau Tết Nguyên đán là thời điểm vất vả nhất của nhân viên hàng không.
8 năm đón giao thừa ở đài kiểm soát không lưu
Từ trước Tết Dương lịch 2019, các hãng hàng không đã bắt đầu lên lịch, xin phép bay tăng chuyến phục vụ bà con đi lại vào dịp tết Âm lịch; các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay cũng phải lên kế hoạch phục vụ các chuyến bay được "An toàn, điều hòa, hiệu quả".
Những ngày giáp Tết, không khí làm việc tại Đài Kiểm soát không lưu Nội Bài (Hà Nội) lại càng hối hả, khẩn trương.
Thời gian cao điểm thường sẽ kéo dài từ rằm tháng chạp Âm lịch đến rằm tháng Giêng Âm lịch. Khoảng thời gian này, hầu như toàn bộ con người cũng như trang thiết bị đều phải làm việc hết công suất. Cũng với bao nhiêu con người đó, bao nhiêu trang thiết bị đó nhưng phải phục vụ cho hoạt động bay với tần suất tăng cao hơn nhiều so với ngày thường.
Dịp cao điểm Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, sản lượng cất hạ cánh cao nhất tại sân bay quốc tế Nội Bài đạt khoảng 520 lượt chuyến/ngày, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2018; sản lượng hành khách cao nhất đạt khoảng 83 ngàn khách/ngày, tăng 12% so với Tết Nguyên đán 2018.
Một cán bộ làm việc tại Đài Kiểm soát không lưu Nội Bài cho biết với cán bộ và kiểm soát viên không lưu (KSVKL), gần như không có khái niệm ngày thường, ngày lễ Tết mà chỉ có ngày trực và ngày nghỉ. Vào những dịp lễ Tết, áp lực công việc lại cao hơn ngày thường vì mật độ bay rất đông, càng gần ngày lễ Tết, cường độ làm việc của KSVKL càng căng thẳng. Đặc biệt, những ngày giáp Tết, chuyến bay trục Nam - Bắc tăng rất nhiều. Do đó, khi mọi người sum họp chờ thời khắc giao thừa thì những KSVKL vẫn cần mẫn bám trụ với công việc. Do đặc thù công việc, nhiều người trong số họ phải đón thời khắc giao thừa ngay tại cơ quan.
Các nữ KSVKL cũng làm việc dịp Tết như nam giới
Chị Tố Anh, làm việc tại Trung tâm thông báo tin tức hàng không, cho biết những nhân viên mới đi làm rất dễ tủi thân, chạnh lòng khi thời điểm không khí tết tràn ngập các phố phường, nhà nhà chuẩn bị đón Tết, người người quây quần bên nhau, đi chơi Tết nhưng mình vẫn phải đi làm, vẫn phải phục vụ hết công sức, vất vả hơn cả ngày thường, hết ca trực thì người cũng mỏi mệt, chỉ muốn nghỉ ngơi để có sức khỏe tiếp tục cho ca trực ngày hôm sau, không còn sức lực để tính đến chuyện đi chúc Tết, đi chơi cùng bạn bè. Hầu hết những nhân viên có gia đình ở xa, muốn được về quê chỉ có thể thỏa thuận đổi ca cùng đồng nghiệp để về trước hoặc sau Tết, khái niệm "nghỉ Tết" đối với nhân viên hàng không dường như quá xa xỉ.
Nỗi niềm là vậy, nhưng ai cũng hiểu đã chọn nghề thì phải chấp nhận những cái Tết không trọn vẹn, không kêu than mà chỉ an ủi, động viên, khuyến khích để cùng nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ vì niềm tự hào nghề nghiệp mà mình đã chọn, đóng góp một phần nhỏ cho những chuyến bay được an toàn, mang đến những cái tết đoàn viên cho bà con tha hương sau một năm vất vả ngược xuôi vì cuộc mưu sinh, tô sắc cho những ngày xuân thêm tươi đẹp.
Một lãnh đạo tại Trung tâm kiểm soát tiếp cận sân bay Nội Bài chia sẻ đã 8 năm nay ông đón giao thừa tại Đài kiểm soát không lưu Nội Bài, không được xem trực tiếp chương trình "Táo quân - Gặp nhau cuối năm" yêu thích. Vợ ông là một giáo viên, rất thấu hiểu những đặc thù của nghề KSVKL, luôn ủng hộ, động viên để anh yên tâm công tác. Chị rất biết cách thu xếp thời gian để mỗi thành viên đều có điều kiện được gần gũi, bù đắp và chia sẻ với nhau trong những lúc sum họp gia đình.
Lời chúc mừng năm mới của phi công
Anh Nguyễn Ngọc Quang, Trưởng Trung tâm kiểm soát tiếp cận tại sân bay Nội Bài, cho biết khi hoạt động bay gia tăng quá nhiều, lãnh đạo trung tâm sẽ tăng cường người cho các kíp trực để tránh quá tải, chú ý kiểm soát mệt mỏi đối với các kiểm soát viên.
Thời điểm giao thừa, những kiểm soát viên đang được nghỉ giải lao giữa hai ca sẽ chuẩn bị chuẩn bị những đồ ăn mang hương vị ngày Tết như bánh chưng, bánh kẹo, thắp hương, chúc mừng năm mới tại trung tâm. Thời khắc đầu tiên của năm mới, họ chúc mừng, ăn với nhau miếng bánh, cái kẹo rồi lại tiếp tục làm việc. Anh Nguyễn Ngọc Quang, chia sẻ các cán bộ, KSVKL tại Đài kiểm soát không lưu Nội Bài luôn gắn bó như trong một gia đình lớn, nên việc đón Tết tại đài luôn được mọi người cố gắng lo chu toàn.
Không khí xuân bên trong Đài Kiểm soát không lưu Nội Bài Ảnh: N.Q.
Theo lãnh đạo Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam, việc tạo điều kiện để anh chị em làm việc vào những ngày Tết Âm lịch được hưởng hương vị tết ngay tại nơi làm việc, tuy đơn giản nhưng ấm cúng, đặc biệt là đêm giao thừa, thời khắc mà nhà nhà, người người đang quây quần cùng nhau đón chào năm mới đã phần nào an ủi người lao động bớt tủi thân, tạo động lực để cùng nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ, mang niềm vui đến cho mọi người, mọi nhà.
Còn với những người đang "trực chiến" tại đài chỉ huy vào giao thừa, họ ghi dấu thời khắc năm mới bằng những lời chúc Tết của phi công. Chỉ một câu "Happy New Year" hay "Chúc mừng năm mới" trong đêm giao thừa nhưng cũng đủ làm ấm lòng người. Do đặc thù công việc, lời chúc cũng thật ngắn gọn, không được phép dài dòng, "dây cà ra dây muống".
Trước đây, có câu chuyện vui về việc chuyên cơ chở nguyên thủ các nước bay qua không phận nước ta đêm giao thừa, họ điện đàm xuống trung tâm không lưu gửi lời chúc mừng năm mới tới lãnh đạo Nhà nước. Sau đó, KSVLK lưu tiếp nhận, chuyển cho Bộ Ngoại giao.
Nữ KSVLK Lan Anh trong ca trực ngày giáp Tết
Chị Lan Anh (SN 1982), một trong những nữ KSVLK dày dạn kinh nghiệm nhất tại Trung tâm kiểm soát tiếp cận sân bay Nội Bài, cho biết trực đêm 30 Tết tuy hơi buồn nhưng từ đài chỉ huy lại được ngắm pháo hoa rực rỡ chung quanh, nhất là từ phía trung tâm Hà Nội. Do phải tập trung vào công việc, giờ các KSVKL sử dụng lại là giờ GMT nên có khi nhìn thấy pháo hoa mới biết giao thừa đã điểm, năm mới đã sang.
Kích hoạt hệ thống ứng phó sau vài phút
Do đặc thù nghề nghiệp, các lãnh đạo Trung tâm kiểm soát tiếp cận tại sân bay Nội Bài cũng phải "trực chiến" tại đài kiểm soát không lưu. Giả sử trong kíp trực có vấn đề vượt quá thẩm quyền xử lý, kíp trưởng sẽ gọi lãnh đạo trung tâm quyết định. Lãnh đạo trực trung tâm sẽ ngay lập tức có mặt tại phòng điều hành để xem xét, quyết định, nếu vẫn thấy vượt quá thẩm quyền sẽ tiếp tục gọi điện lên cấp trên.
Anh Nguyễn Ngọc Quang, Trưởng Trung tâm kiểm soát tiếp cận tại sân bay Nội Bài, cho biết trong trường hợp gặp sự cố liên quan đến công tác điều hành không lưu, lãnh đạo trung tâm chỉ 30 giây là có mặt tại Cơ sở kiểm soát tiếp cận, và chỉ mất 1,5 phút để lên tới Cơ sở kiểm soát tại sân trên tháp không lưu. Nếu gặp sự cố nghiêm trọng, hệ thống ứng phó khẩn nguy cấp quốc gia sẽ được kích hoạt chỉ vài phút sau khi được phát hiện.
Một số hình ảnh các KSVKL làm việc dịp Tết:
Các KSVLK tại cơ sở kiểm soát tiếp cận của Đài kiểm soát không lưu Nội Bài làm việc xuyên giao thừa
Bình luận (0)